Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Bí thư Tỉnh uỷ cho biết vừa mừng trước những kết quả đạt được, trước những cơ hội cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà nhưng cũng vừa lo trước những khó khăn, thách thức phía trước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực vào năm 2018.
|
Hệ thống tưới mía hiện đại ở Nông trường Thành Long.
Sáng 17.8, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở - ngành, các huyện Châu Thành và Tân Châu đã có chuyến thăm và làm việc với Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), đồng thời khảo sát thực tế tình hình hoạt động sản xuất tại Nông trường Thành Long.
Theo TTCS, với tổng diện tích mía canh tác trên 19.000 ha, tỉnh Tây Ninh hiện là một trong các vùng nguyên liệu trọng điểm của Đông Nam bộ và cả nước. Toàn tỉnh có 3 nhà máy đường công suất lớn với sản lượng chế biến khoảng 1,5 triệu tấn mía nguyên liệu/năm, trong đó dẫn đầu là nhà máy đường TTCS với công suất đạt 9.500 tấn mía cây/ngày. Đây là một đơn vị chủ lực thuộc ngành đường của Tập đoàn TTC.
Nằm trong định hướng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngành đường của TTC, Nông trường Thành Long (xã Thành Long, huyện Châu Thành) được đầu tư xây dựng theo mô hình “Nông trường kiểu mẫu” với tổng diện tích 1.123 ha, trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp cơ giới hoá diện rộng, tưới mía và bón phân hiệu quả, nghiên cứu sử dụng các giống mía sạch bệnh, có khả năng chịu hạn và chủ động phòng ngừa sâu bệnh. Nông trường được ứng dụng hệ thống tưới hiện đại dành cho mô hình sản xuất đại điền Center Pivot - súng phun trị giá 4 tỷ đồng/giàn, có thể tưới 80 ha chỉ trong 20 giờ.
Niên vụ 2015-2016, sản lượng mía nguyên liệu của nông trường này đạt gần 90 ngàn tấn- tăng 40% so với niên vụ trước; năng suất đạt 81,3 tấn mía/ha- cao hơn 20% so với vụ trước; chất lượng mía nguyên liệu được cải thiện rõ rệt khi chữ đường (CCS) tăng từ 8,95 lên 9,81 điểm. Đây là cơ sở quan trọng góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân hợp tác trồng mía với TTCS để họ yên tâm gắn bó lâu dài với cây mía.
Qua khảo sát thực tế, lãnh đạo Tỉnh uỷ Tây Ninh đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong công tác nông nghiệp tại Nông trường Thành Long nói riêng, đồng thời ghi nhận tinh thần chủ động, sáng tạo và những nỗ lực đóng góp của TTCS nói chung trong công cuộc phát triển bền vững ngành mía đường tỉnh nhà. Công tác an sinh xã hội tiếp tục là một trong những mục tiêu trọng tâm cần được TTCS phát huy, trên cơ sở triển khai hiệu quả các chính sách đồng hành cùng nông dân như: chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, cam kết bao tiêu sản phẩm, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng – trang thiết bị, góp phần bảo đảm ổn định đời sống nông dân, phát triển kinh tế địa phương.
Ngay sau chuyến khảo sát tại Nông trường Thành Long, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh có buổi làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo Tập đoàn TTC, Uỷ ban Mía đường TTC và TTCS. Tại buổi làm việc, TTCS cho biết, mặc dù những năm gần đây, ngành mía đường Việt Nam có nhiều bước tiến quan trọng nhưng “người làm mía đường khá vất vả”. Niên vụ 2015 - 2016 vừa qua, bên cạnh diễn biến tăng giá của thị trường đường thế giới từ giữa năm 2015, ngành đường trong nước cũng có không ít biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng nhiều yếu tố khách quan khác. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo năng suất, chất lượng mía và thu nhập của người dân, TTCS đã vận động nông dân triển khai đồng bộ các biện pháp cày sâu, tưới mía, bón phân, ngăn ngừa sâu bệnh, hỗ trợ đầu tư ứng dụng các thiết bị cơ giới hoá, cung cấp dịch vụ cơ giới hoá, chú trọng công tác nghiên cứu giống tăng khả năng chịu hạn và ngừa sâu bệnh…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã trình bày giải pháp phát triển cây mía bền vững trong hội nhập kinh tế thời gian tới. Từ cơ sở thực tiễn, từ những tiềm năng, thuận lợi cũng như những tồn tại, hạn chế, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã chỉ ra những điểm yếu, những nguy cơ của ngành mía đường và đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để tháo gỡ khó khăn, phát triển ổn định, lâu dài. Trong đó, vấn đề tạo thêm giá trị gia tăng cho cây mía, cho các sản phẩm phụ, các sản phẩm sau mía đường… và các giải pháp giảm giá thành, tăng giá thu mua mía của nông dân là những giải pháp căn cơ cần được các nhà máy đường quan tâm thực hiện.
Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh cũng ghi nhận những ý kiến chia sẻ, đề xuất từ phía các chuyên gia mía đường TTCS, trong đó có ý kiến đề nghị tỉnh xem xét sử dụng vốn từ quỹ đầu tư phát triển hỗ trợ nông dân trồng mía để họ có thêm chi phí sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật canh tác trong khâu tưới, chăm sóc mía… nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập. Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC khẳng định quyết tâm và giới thiệu tóm tắt những chiến lược cụ thể của TTC đối với sự phát triển của ngành mía đường cũng như đời sống của người nông dân.
Chủ trì buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến mía đường, trong đó có Tập đoàn TTC, nhà máy TTCS và nông dân trồng mía Tây Ninh. Bí thư Tỉnh uỷ cho biết vừa mừng trước những kết quả đạt được, trước những cơ hội cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà nhưng cũng vừa lo trước những khó khăn, thách thức phía trước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực vào năm 2018. Trước những thông tin chia sẻ, những ý kiến đề xuất của đại diện doanh nghiệp chế biến mía đường, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ ghi nhận, nghiên cứu và kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể, sâu sát nhằm phát triển cây mía bền vững trong thời gian tới.
Đình Chung