BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lãnh đạo tỉnh thăm ngành Ngân hàng và Tài chính: Hai ngành đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2009

Cập nhật ngày: 01/01/2010 - 10:29

Chiều ngày 31.12.2009, các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thị Bân, Phó Bí thư Thường trực Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Võ Văn Phuông, Chủ tịch HĐND tỉnh-Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên và các Phó Chủ tịch Võ Hùng Việt, Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Sử đã đến thăm các ngành Ngân hàng, Tài chính nhân dịp khoá sổ năm tài chính 2009.

* Tổng vốn huy động đạt 8.150 tỷ đồng

Giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tiến Phúc báo cáo kết quả hoạt động năm 2009.

Báo cáo lãnh đạo tỉnh về hoạt động của ngành trong năm 2009, ông Nguyễn Tiến Phúc-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết: Năm nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 8 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động kinh doanh, gồm 2 chi nhánh và 6 phòng giao dịch của các ngân hàng cổ phần thương mại. Tính chung đến cuối năm, Tây Ninh có 76 tổ chức tín dụng đang hoạt động. Ngoài ra, còn có 5 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài địa bàn đã hoàn tất thủ tục đang chờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép nâng thành chi nhánh.

Tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành đến cuối năm 2009 là 8.150 tỷ đồng (chưa tính 450 tỷ đồng của các phòng giao dịch ngoài địa bàn). Trong đó, vốn huy động từ dân cư đạt 5.254 tỷ, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 2.884 tỷ đồng. Đến cuối năm, nguồn vốn vay điều hoà trong hệ thống là 2.093 tỷ đồng.

Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2009 là 10.291 tỷ đồng (chưa tính 350 tỷ đồng của các phòng giao dịch ngoài địa bàn). Trong đó, dư nợ trung hạn, dài hạn là 3.234 tỷ (chiếm 36% tổng dư nợ); dư nợ kinh tế nhà nước là 194 tỷ (2,1% tổng dư nợ); dư nợ kinh tế dân doanh là 8.902 tỷ đồng (dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp dân doanh là 1.870 tỷ). Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn là 5.795 tỷ đồng với 172.000 hộ vay. Năm 2009, nợ xấu là 165 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của ngành ngân hàng đạt 4.500 tỷ đồng, đã hỗ trợ lãi 31 tỷ đồng. Kết quả dư nợ hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 12.2009 đạt 3.500 tỷ đồng (chiếm 38% tổng dư nợ) với 90.400 khách hàng, gồm 1.115 doanh nghiệp (dư nợ 1.500 tỷ đồng) và 89.285 hộ cá thể (dư nợ 2.000 tỷ đồng). Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH là 740 tỷ đồng, trong đó cho hộ nghèo vay 300 tỷ; cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm vay 65 tỷ; cho học sinh, sinh viên vay 212 tỷ và cho chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường vay 56 tỷ; cho vùng khó khăn vay sản xuất, kinh doanh 106 tỷ; cho đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài vay 0,7 tỷ. Tổng nguồn vốn hoạt động trong năm của 18 quỹ TDND là 365 tỷ đồng, trong đó vốn huy động tại chỗ là 234 tỷ. Tổng dư nợ cho vay đến cuối năm là 334 tỷ, nợ xấu khoảng 3 tỷ đồng.

Công tác thu-chi tiền mặt và điều hoà lưu thông tiền tệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2009 luôn được đảm bảo thông suốt, đáp ứng kịp thời và đầy đủ cho hoạt động lưu thông hàng hoá. Đáng chú ý là trong năm 2009, ngành ngân hàng đã trả lại khách trên 1,2 tỷ đồng tiền thừa, trong đó món tiền cao nhất là 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Tiến Phúc cho biết, năm 2010, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng 20% vốn huy động và tăng 22% dư nợ so với năm 2009.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thị Bân tặng quà cho đại diện các Ngân hàng vượt chỉ tiêu kế hoạch - Ảnh: Đ.H.T

* Tổng thu ngân sách đạt 2.177 tỷ đồng

Ông Nguyễn Xuân Hồng- Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Năm 2009, tổng thu ngân sách tỉnh đạt gần 2.177 tỷ đồng, đạt 107% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 12,36% so với năm trước. Trong đó, thu nội địa được hơn 1.400 tỷ đồng, đạt 105,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 13,17% so cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu được 150,4 tỷ, đạt 77,1% so với dự toán, giảm 19,65% so cùng kỳ;  thu xổ số kiến thiết đạt 121,1% dự toán, tăng 22,6% so cùng kỳ; thu học phí, viện phí và các khoản đóng góp được 81,498 tỷ, đạt 127,3% dự toán. Nếu tính theo phân cấp quản lý về khoản thu nội địa thì ngân sách tỉnh thu 812,218 tỷ, đạt 104,78% dự toán; ngân sách huyện thu 587,838 tỷ, đạt 106,9% dự toán.

Có 8 khoản thu vượt dự toán: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (vượt 9,51%); thu thuế thu nhập cá nhân (vượt 4,4%); thu phí và lệ phí trước bạ (vượt 13,1%); thu tiền sử dụng đất (vượt 21%); thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước (vượt 181,85%); thu phí xăng dầu (vượt 78,55%); thu ngân sách (vượt 44,8%); thu tại xã (vượt gần 196%). Có 7 khoản thu không đạt dự toán là thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương; doanh nghiệp nhà nước địa phương, thu từ công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh; thu lệ phí trước bạ; thu thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế nhà, đất; tiền thuê nhà, bán nhà sở hữu Nhà nước.

Về chi ngân sách, trong năm 2009, tổng chi ngân sách địa phương đạt 2.465,76 tỷ đồng, đạt 105% dự toán, tăng 27,66% so cùng kỳ. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương là 1.916,912 tỷ; chi Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, Dự án 5 triệu ha rừng là 60,54 tỷ; chi quản lý qua ngân sách 488,3 tỷ. Tổng chi ngân sách địa phương theo cấp quản lý: Tỉnh chi 1.026,884 tỷ; cấp huyện, xã chi 1.438,885 tỷ. Ông Hồng cũng cho biết, theo dự toán năm 2009, tỉnh còn phải tiếp tục chi 297,972 tỷ đồng, gồm chi cân đối ngân sách (150,823 tỷ); chi Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án 5 triệu ha rừng (50,11 tỷ); chi quản lý qua ngân sách 97,039 tỷ.

Phát biểu tại buổi gặp mặt cuối năm với ngành Tài chính và Ngân hàng, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Nên thay mặt lãnh đạo tỉnh chúc mừng hai ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nỗ lực thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và lãnh đạo tỉnh để vượt qua “cơn sóng gió” suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi đầu năm 2009. Với những kết quả khả quan đã đạt được trong năm 2009, lãnh đạo tỉnh tin rằng trong năm 2010, nền kinh tế tỉnh nhà sẽ nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng bền vững hơn.

BẢO TÂM