Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Lao đao “số phận” cây điều
Chủ nhật: 10:36 ngày 24/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Diện tích cây điều trong mấy năm gần đây giảm đáng kể và sau vụ thu hoạch năm nay, người dân lại tiếp tục chặt bỏ cây điều.

Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến ở Tây Ninh phát triển ngày càng mạnh- trong đó có công nghiệp chế biến hạt điều. Hiện nay các nhà máy chế biến hạt điều trong tỉnh có tổng công suất trên dưới 30.000 tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, có điều “nghịch lý” là việc phát triển vùng nguyên liệu hạt điều để cung ứng cho nhu cầu chế biến trong tỉnh gần như không được chú trọng. Từ đó “số phận” cây điều lao đao. Diện tích cây điều trong mấy năm gần đây giảm đáng kể và sau vụ thu hoạch năm nay, người dân lại tiếp tục chặt bỏ cây điều.

Nông dân “chê” cây điều

Anh Sang ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu trồng 5 ha cây điều. Trong đó có khoảng 3 ha là giống điều cao sản lấy từ Trung tâm Giống nông nghiệp Tây Ninh theo chương trình hỗ trợ giống cho nông dân phát triển cây điều của tỉnh. Trong những năm qua, anh thường xuyên chăm sóc cây điều để tăng năng suất cho trái. Vụ điều năm nay, bình quân mỗi ha điều của anh cho khoảng 1,5 tấn hạt. Năng suất như thế là rất khá so với nhiều người trồng điều khác trong khu vực, nhất là so với giống điều cũ, năng suất thấp, có khi chưa được 1 tấn/ha. Thế nhưng, sau vụ thu hoạch năm nay, anh Sang chặt bỏ gần hết diện tích điều của mình để chuyển sang trồng mì. Anh Sang cho biết sau nhiều năm trồng, anh đã gắn bó với cây điều, chặt bỏ là rất “rát lòng”, nhưng không thể giữ cây điều được nữa bởi thu nhập quá thấp so với cây trồng khác. Anh so sánh: vụ điều năm nay anh thu hoạch được khoảng 7,5 tấn, có lúc bán được 18.000 đồng/kg, có lúc bán chỉ được 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc giá bị ép còn có 8.000- 9.000 đồng/kg. Cả 5 ha điều bán hạt được chưa đến 100 triệu đồng/năm. Trừ các khoảng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê công thu hoạch thì bình quân mỗi ha điều cho lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nếu củ mì có giá chỉ từ 2.000 đồng/kg thôi thì người trồng đã có lãi không dưới 20 triệu/ha mà chẳng phải tốn công, tốn sức canh giữ mỗi ngày như trồng điều. Từ đó, anh Sang “mạnh dạn” chặt bỏ cây điều để trồng mì.

Không chỉ có anh Sang mà rất nhiều nông dân trồng điều khác trong tỉnh cũng chặt bỏ cây điều chuyển sang trồng cao su, hoặc trồng mì. Diện tích cây điều trong năm nay tiếp tục giảm mạnh hơn nữa.

Diện tích cây điều tiếp tục giảm

Đã nỗ lực khôi phục, nhưng bất thành

Ở Tây Ninh, cây điều có một thời là một trong những cây phát triển rất mạnh với diện tích lên đến hơn 7.000 ha. Tuy nhiên, do hầu hết nông dân trồng điều giống cũ lại không đầu tư chăm sóc đúng cách nên năng suất trái thấp. Đồng thời giá cả thu mua hạt điều cũng trồi sụt bất thường. Thu nhập từ cây điều thấp nên nông dân phá bỏ vườn điều để trồng cây khác có lãi cao hơn. Do đó mà diện tích cây điều có thời gian giảm sút nghiêm trọng. Năm 2003 diện tích cây điều ở Tây Ninh giảm còn khoảng 4.000 ha. Trong khi đó công nghiệp chế biến hạt điều thì lại tăng- năm 2004 toàn tỉnh có đến 7 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến hạt điều với tổng công suất chế biến lên đến 30.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, cần tối thiểu 10.000 ha điều để cung cấp nguyên liệu. Năm 2004 tỉnh nỗ lực khôi phục vùng nguyên liệu hạt điều bằng cách trích ngân sách 150 triệu đồng mua 37.500 cây điều giống về cung cấp miễn phí cho nông dân trồng để phát triển diện tích. Song song đó, Hội Doanh nghiệp trẻ cùng các nhà máy chế biến hạt điều cũng tham gia mua 20.000 cây điều giống về cấp miễn phí cho nông dân. Năm 2005, tỉnh tiếp tục trích ngân sách 150 triệu đồng để mua cây điều giống tiếp tục hỗ trợ nông dân và diện tích cây điều phát triển trở lại thêm được gần 1.000 ha. Qua năm 2006 tỉnh cũng tiếp tục trích ngân sách mua cây giống hỗ trợ nông dân trồng điều, nhưng nông dân chẳng thiết tha đến nhận về trồng. Nguyên nhân là do giá cả hạt điều vẫn thấp, thu nhập từ cây điều vẫn không bằng các loại cây trồng khác. Diện tích cây điều ở Tây Ninh lại bị chững lại.

Từ năm 2009 đến nay- khi giá cao su và nhất là khoai mì tăng cao thì cây điều ở Tây Ninh lại càng gặp nguy, nhiều nông dân tiếp tục chặt bỏ cây điều. Những nỗ lực của tỉnh và các ngành chức năng liên quan về khôi phục diện tích cây điều coi như bất thành- diện tích cây điều chẳng những không thể tăng mà còn có nguy cơ giảm hơn trước đây.

Có nên phát triển cây điều?

Điểm sơ tình hình trong những năm qua cho thấy con đường phát triển cây điều ở Tây Ninh quá nhiều thăng trầm, số phận cây điều vẫn cứ lao đao. Sau những nỗ lực khôi phục diện tích cây điều bất thành thì cây điều không được các ngành và các địa phương- kể cả các nhà máy chế biến quan tâm nhiều như trước đây nữa. Từ đó có người băn khoăn “Liệu Tây Ninh có cần thiết phát triển cây điều hay không và mục tiêu 10.000 ha điều có nên tiếp tục đầu tư thực hiện hay thôi?”. Thực tế công nghiệp chế biến hạt điều ở Tây Ninh vẫn phát triển ổn định và kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng nên rất cần có nguồn hạt điều nguyên liệu. Thế nhưng vì sao các nhà máy chế biến hạt điều trong thời gian qua chẳng hề bận tâm gì đến việc phát triển vùng nguyên liệu điều tại chỗ- thậm chí cây điều bị đốn bỏ hàng loạt cũng chẳng có mấy nhà máy băn khoăn? Một chủ nhà máy cho biết là hiện tại vẫn còn có thể thu mua nguyên liệu hạt điều ở ngoài tỉnh như ở Bình Phước, ở Campuchia và có khi ở… Châu Phi. Tuy nhiên, dù nguồn nguyên liệu ngoài tỉnh có dồi dào thì việc có sẵn vùng nguyên liệu tại chỗ vẫn chủ động hơn. Cho nên việc đầu tư khôi phục và phát triển diện tích cây điều vẫn là cần thiết.

Vấn đề trọng tâm là phải làm thế nào để hấp dẫn người nông dân trồng điều. Một số chuyên gia cho rằng muốn cây điều phát triển được như mong muốn, vấn đề quan trọng trước tiên là phải có đề án phát triển cây điều, trong đó có quy hoạch phát triển những vùng trồng điều tập trung. Song song đó là phải có những chính sách thực sự khuyến khích nông dân tham gia trồng điều đạt hiệu quả cao hơn như: đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật thâm canh công nghệ cao, tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng hạt điều…

Tuy nhiên, đối với người nông dân thì đơn giản hơn- làm như thế nào thu nhập từ cây điều phải từ “hơn tới bằng” các loại cây trồng khác- mà trong đó quyết định là giá thu mua.

SƠN TRẦN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục