BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lao động nông thôn ngày càng hiếm

Cập nhật ngày: 23/11/2010 - 05:31

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều thanh niên rời bỏ ruộng đồng để vào làm việc ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trên đồng ruộng đa số chỉ còn người lớn tuổi. Tình trạng đó dẫn đến nguồn lao động nông thôn mất cân bằng lao động. Tìm hiểu thực tế ở một số vùng nông thôn trong tỉnh Tây Ninh, chúng tôi ghi nhận được, hiện nay hầu hết nông dân đều gặp khó khăn trong việc tìm nhân công lao động mỗi khi vào mùa vụ. Do đó tiền công lao động thường rất đắt, góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao, nông dân dễ bị lỗ lã.

Hiện nay, nhân công cắt lúa như thế này rất hiếm

Tại ấp Long Phú, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, đã quá giờ nghỉ trưa nhưng chị Nguyễn Thị Ngoài, 40 tuổi, vẫn còn loay hoay ngoài đám ruộng của mình. Chị nhọc nhằn nhổ từng cây cà tím già, bó lại, vác ra chất dọc trên bờ đê. Quệt mồ hôi ướt đầm trên mặt, chị kể: gia đình chị có 0,9 ha đất ruộng, mỗi năm, ngoài làm 2 vụ lúa, chị trồng xen canh thêm hoa màu để kiếm thêm thu nhập. Đầu vụ cà tím vừa rồi, tìm không ra công lao động ở địa phương nên chị đành phải thuê 15 người dân Campuchia sang làm đất và xuống giống. Chị Ngoài nói: “Giá nhân công cũng tăng, mới mấy năm trước, mỗi người làm chỉ phải trả 50.000 – 60.000 đồng/ngày, hiện nay lên đến 90.000 đồng/người/ngày. Đã vậy còn phải bao họ ăn sáng (ít nhất là 5.000 đồng/người). Buổi trưa, phải có cà phê hoặc nước ngọt. Làm xong ngày nào là phải trả tiền công liền ngày đó, chứ không được thiếu”.

Theo chị Ngoài, sở dĩ hiện nay thiếu công lao động là vì rất nhiều thanh niên nam, nữ trong xã thích đi làm công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy chứ không còn muốn dãi nắng dầm mưa trên đồng ruộng nữa. “Tôi cũng có đứa con gái năm nay 18 tuổi. Học xong lớp 12 là nó xin vào làm công nhân may ở Khu Công nghiệp Trảng Bàng liền. Bảo ở nhà phụ tôi làm ruộng nó không chịu. Nó nói đi làm ở xí nghiệp có thu nhập ổn định, được ăn mặc đẹp và tay chân không bị đen đúa, đóng phèn. Thương con nên vợ chồng tôi cũng không nỡ ép nó ở nhà. Do ráng làm quá sức, hậu quả là chồng tôi bị ngã bệnh. Vụ cà tím vừa rồi bị lỗ gần 10 triệu đồng”, chị Ngoài kể lại. 

Ông Nguyễn Trí Nhớ, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh cho biết: “Hiện nay, trong xã có khoảng 200 thanh niên đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Vì vậy, những lúc vô vụ rất khó tìm nhân công lao động trên đồng ruộng. Mặc dù giá thuê lao động người Campuchia có rẻ hơn chút ít so với công lao động địa phương, nhưng họ không có kỹ thuật, tay nghề yếu và phải có người phiên dịch, rất phiền phức”.

Những cánh đồng xã Tân Bình (Thị xã) cũng đã vào mùa thu hoạch lúa. Ông Lê Văn Cu, 59 tuổi, có 1 ha lúa chín nhưng phải vất vả lắm mới tìm được người cắt lúa. Ông Cu nói: “Do thiếu người lao động nên nhân công cắt lúa bây giờ làm eo, làm sách lắm. Mười mấy năm trước, lao động làm thuê ngày là phải làm hết hai buổi sáng, chiều. Những năm gần đây họ chỉ làm buổi đứng (chỉ làm đến khoảng 14 giờ - NV) là về, nhưng vẫn phải tính tiền công bằng một ngày cho họ. Hiện nay càng ngặt hơn, một ngày lao động chỉ còn đúng một buổi (7 giờ sáng ra đồng đến 11 giờ là đồng loạt nghỉ). Nếu muốn làm tiếp buổi chiều thì phải trả thêm 10.000 đồng/giờ”. Tiền thuê nhân công tăng lên, cộng với giá lúa giảm, khiến vụ lúa năm ngoái ông Cu bị lỗ 7 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, năm nay ông không thuê kiểu công nhật nữa mà giao khoán trọn gói: cắt lúa, gom lúa và phóng lúa cho một người đầu công với giá 1,9 triệu đồng/ha.

Chị Ngoài “vật lộn” với đám cây cà tím trên ruộng của mình

Những người chuyên sống bằng nghề làm thuê trên đồng ruộng nay cũng có tâm lý muốn bỏ nghề. Anh Lê Ngọc Phước, 33 tuổi, ngụ xã Ninh Sơn (Thị xã) tâm sự: “Bây giờ nhìn thanh niên trai tráng trong xóm đi làm công nhân mà thấy ham. Hồi nhỏ tui học lớp một ba năm mới lên được lớp hai, rồi nghỉ học luôn tới bây giờ. Nếu được học hết lớp chín hay lớp mười hai, tôi cũng bỏ nghề làm thuê này cho rồi”. Vợ anh Phước cũng là người làm thuê. Hai vợ chồng tích luỹ mua được máy phóng lúa, kiêm luôn việc đầu công. Thuê nhân công khó khăn nên anh Phước vừa là chủ vừa là nhân công gom lúa. Vợ anh lo việc cắt lúa và đưa lúa vào máy phóng. “Bây giờ làm ông chủ máy phóng còn cực hơn hồi trước. Công lao động bây giờ làm giá dữ lắm. 15 năm về trước, giá công lao động mỗi ngày chỉ có 30.000 đồng, những năm sau tăng lên 60.000 đồng, hiện nay phải từ 100.000 đồng/ngày trở lên họ mới chịu làm”, anh Phước nói.

Tây Ninh đã có những khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất hoạt động, hằng năm thu hút hàng ngàn công nhân vào làm việc. Trong tương lai không xa, một số khu công nghiệp lớn sẽ tiếp tục ra đời và sẽ thu hút thêm nhiều thanh niên khác. Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp là dấu hiệu phát triển kinh tế công nghiệp rất đáng phấn khởi và đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn thanh niên trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp cũng là một thế mạnh không kém quan trọng. Vì vậy, vấn đề “lao động trên đồng ruộng” là bài toán cần nghiêm túc đặt ra. Tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến mất cân bằng lao động nghiêm trọng trong xã hội, ruộng đồng bị bỏ hoang sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.     

ĐẠI DƯƠNG

 

 

 

 

 

 


 
Liên kết hữu ích