Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bút xanh
Lao động trong hè
Thứ bảy: 20:38 ngày 16/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với chúng tôi, gần như suốt những năm học cấp một và cấp hai, rất ít khi được tham gia sinh hoạt hè hay đi tham quan, du lịch mà chỉ là đi… kiếm tiền bằng chính sức lực của mình. Thời gian đó tuy cực mà vui.

Một năm học mới lại đến, nhìn những bậc phụ huynh tất bật chạy lo kiếm tiền để đóng tiền trường cho con em từ những loại phí nhỏ đến phí lớn, kể cả tiêu vặt, tôi chạnh lòng nhớ về ngày xưa của mình. Với chúng tôi, gần như suốt những năm học cấp một và cấp hai, rất ít khi được tham gia sinh hoạt hè hay đi tham quan, du lịch mà chỉ là đi… kiếm tiền bằng chính sức lực của mình. Thời gian đó tuy cực mà vui.

Khoảng năm lớp Năm, dịp hè, mấy đứa trong xóm tôi rủ nhau đi lượm sắt vụn, đồng thau… đem về bán ve chai lấy tiền mua kẹo, mua kem ăn và còn để dành mua sách vở. Lúc đó, mỗi ký sắt chỉ có mấy trăm đồng, riêng đồng thau thì được mấy ngàn.

Lũ chúng tôi đều nghèo như nhau, nhà đứa nào cũng làm ruộng, rẫy nên ba mẹ đâu có tiền cho mà bỏ túi riêng, nhiều khi đi học còn phải nhịn đói hoặc chỉ ăn cơm nguội. Vì vậy, bán ve chai có tiền được bỏ túi riêng, đứa nào cũng thích.

Thế là ngày nào cũng vậy, cơm trưa xong là bọn tôi hú nhau đi. Mỗi đứa đem theo một cái bọc ni-lông, chia nhau ra từng hàng mì, từng lô cao su, cùng chăm chăm nhìn xuống đất để tìm kiếm...

Thường thì sắt vụn dễ gặp hơn đồng thau, đứa nào mà tìm thấy đồng thau là coi như hôm đó thắng lớn. Nhiều khi đi cả ngày cũng chỉ kiếm được vài ký sắt, không gặp một miếng đồng nào, có khi gặp được vài vỏ đạn- coi như an ủi.

Những đám đất nào đã đi vài lần rồi thì thường chúng tôi không đi nữa, mà tìm đến những chỗ khác. Bởi vậy, có lúc chúng tôi đi sâu tận đến những ấp xa xôi. Đi giữa đường, cả bọn khát nước nhưng giữa đồng vắng chỉ toàn mì và cao su, có lúc bí quá chúng tôi uống nước mưa còn đọng lại trên chén cao su.  

Ba mẹ xót chúng tôi đi xa, nắng nôi, lại sợ bị lạc đường nên không cho đi nữa. Thế là ba anh em bàn- thay phiên nhau mà đi, bữa nay hai người đi thì một người ở lại trông nhà và hôm sau đổi lại, để người nào cũng được đi.

Tuy rầy la các con nhưng ba mẹ tôi trong lúc đi làm cỏ mì, nếu nhìn thấy sắt vụn hoặc đồng thau lại lượm về cho chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi tích góp cũng được kha khá tiền, đủ để mua kem ăn, lâu lâu còn được đi xem phim mà không phải xin ba mẹ.

Hết sắt vụn, đồng thau, chúng tôi chuyển sang đi lượm hạt cao su đem về bán cho chủ vườn ươm cây trồng, mỗi ký chỉ được năm trăm đồng.

Hạt cao su phải còn mới thì mới bán được, do đó phải đi vào giữa trưa nắng vì lúc đó trái cao su nóng mới nổ, văng hạt ra. Có hôm mỗi đứa lượm được gần cả mười ký hạt nhưng khi đem đến, bị người mua bỏ ra hết, còn lại không được bao nhiêu.

Dẫu sao đi lượm hạt cao su cũng sướng hơn đi lượm sắt vụn vì được đi trong vườn mát mẻ hơn nên ba mẹ tôi cho phép. Lên cấp hai, chúng tôi chuyển sang đi mót củ mì về bán cho những gia đình làm mì lát. Những cây mì sau khi được nhổ lên, do đất cứng hoặc do người nhổ ẩu khiến chúng còn sót lại, chúng tôi đào lên, lượm củ chở về bán.

Mớ củ mì nào người ta không mua thì cứ chở về nhà, bóc vỏ, đem phơi rồi bán cho lái. Mùa đậu chúng tôi lại đi lặt đậu thuê cho bà con nông dân, sang mùa ớt thì đi hái ớt, đến mùa điều lại đi mót điều. Cứ như vậy, mùa hè nào chúng tôi cũng có việc làm, dù khá vất vả nhưng chúng tôi đều thích vì được dịp kiếm tiền.

Mẹ tôi nói, phải tự lao động, tự kiếm tiền như vậy chúng tôi mới biết quý đồng tiền mà không xài hoang phí. Mà đúng như vậy thật, những gì mua được từ tiền mình làm ra tôi đều giữ gìn rất cẩn thận, có khi không cho ai đụng vào, lỡ chúng bị hư tôi thấy tiếc đứt ruột. Mua kẹo bánh cũng phải mua ít ít, từ từ, không dám mua nhiều vì sợ hết tiền- những đồng tiền từ mồ hôi, công sức của mình mà có.

Thư Trà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục