Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm nay 54 tuổi, ông Nghiêm có khoảng 16 năm làm nghề đúc chậu và trồng hoa kiểng. Niềm vui mỗi ngày của ông chính là tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới từ xi măng, hoa kiểng.
Ông Nghiêm bên tác phẩm đầu tiên của mình.
Ở khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh, ông Võ Văn Nghiêm thường được mọi người quen gọi với tên Thảo kiểng. Ông Nghiêm là hội viên Hội Nông dân, thành viên Hội Hoa kiểng của phường. Nhiều năm liền, ông được chọn là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.
Năm nay 54 tuổi, ông Nghiêm có khoảng 16 năm làm nghề đúc chậu và trồng hoa kiểng. Niềm vui mỗi ngày của ông chính là tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới từ xi măng, hoa kiểng. Suốt ngày ông cặm cụi với những chiếc chậu đủ hình dáng, những dáng thế cây kiểng bonsai, giờ thì lại say mê với công việc tạo tiểu cảnh bằng xi măng, gạch tàu.
Trước đây, khi chưa đến với nghề hoa kiểng, ông Nghiêm là một nông dân gắn bó với ruộng đồng. Nhưng làm ruộng cho hiệu quả kinh tế không cao mà lại quá cực nhọc. Thế là ông Nghiêm nghĩ đến chuyện tìm một cái nghề khác cho đỡ vất vả hơn.
Nghĩ là làm, sẵn khéo tay và sáng ý, ông Nghiêm mày mò học hỏi bạn bè rồi tự làm ra những chiếc chậu xi măng để bán. Ngoài thời gian quay chậu, ông bỏ công tìm mua cây mai và các loại hoa kiểng khác về trồng, tạo dáng cho chúng. Ông làm công việc này vừa để kinh doanh, vừa để thoả niềm đam mê sáng tạo của mình.
Hiện trong vườn của ông Nghiêm có hàng trăm cây hoa kiểng nhiều loại khác nhau. Mỗi ngày ông đều ở ngoài vườn mải mê sáng tạo với hoa, với chậu cho tới tận chiều tối. Tự tay ông làm bài trí khu vườn nhà mình.
Ông cười vui nói: “Mỗi khi mệt, ra vườn ngồi ngắm sản phẩm của mình cũng thấy vui. Đó là động lực để tôi không ngừng sáng tạo ra những thứ mới mẻ hơn”.
Những tháng gần đây, ông Nghiêm lại có thêm một niềm say mê mới, đó là tạo tiểu cảnh trang trí sân vườn. Ông vốn thích xem phim cổ trang trên ti vi, trong đó thường có những toà nhà, vườn cảnh đẹp. Đó chính là nguồn cảm hứng khiến ông nảy ra ý định tự làm tiểu cảnh để trang trí.
Từ ý tưởng ban đầu ấy, với chiếc bay nhỏ và một dụng cụ đựng xi măng cùng cái cưa gạch, ông Nghiêm tỉ mỉ làm cái việc chế tạo tiểu cảnh bằng xi măng và gạch tàu. Mỗi tiểu cảnh thể hiện một ý tưởng khác nhau với nhà cổ, hồ nước, bonsai nhỏ, trúc kiểng…
Mỗi thứ đều được đắp xi măng, dán gạch bằng tay, không dùng khuôn đúc. Bởi theo ông Nghiêm, nếu dùng khuôn sẽ không tạo được nét đặc trưng. Để hoàn thành một tác phẩm, ông phải mất ít nhất 20 ngày. Công việc đòi hỏi phải thật kiên nhẫn và chịu khó.
“Tôi luôn nghĩ, sản phẩm phải có tính thẩm mỹ thì người xem mới thích mắt. Có những chi tiết nhỏ, làm rất mất thời gian nhưng nếu nhìn không hợp mắt, tôi sẵn sàng phá bỏ để làm lại”- ông Nghiêm nói.
Người nghệ sĩ nông dân này cho biết thêm, không ít lần ông gặp khó trong lúc thể hiện ý tưởng sáng tạo. Nhưng ông không hề nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giữa chừng, bởi: “Càng khó thì tác phẩm làm ra càng đẹp, có hồn”.
Hiện nay, số lượng tiểu cảnh ông Nghiêm tạo ra chưa nhiều nhưng cũng đã có người để mắt, hỏi mua. Ông Nghiêm cười: “Tôi làm cái này chỉ vì đam mê chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế. Tác phẩm nếu được giá phù hợp với công sức bỏ ra thì tôi bán, còn không thì để đó trưng bày cho mọi người cùng ngắm. Tôi vẫn sẽ tiếp tục chế tác thêm nhiều tiểu cảnh mới, đó chính là niềm vui của tôi”.
Trong vườn nhà mình, ông Nghiêm có nuôi nhiều loại động vật như gà, vịt, hươu sao (để lấy nhung), kỳ đà, trăn, cá sấu và một số loại chim lạ. Ông nuôi chúng vì mục đích kinh tế nhưng cũng vì đam mê: Ông nói: “Loại nào có tính kinh tế thì mình nuôi nhiều, còn không thì chỉ nuôi vài con để ngắm cho… đỡ ghiền”.
Cách làm kinh tế của ông Nghiêm có vẻ thong dong và mang chút màu sắc nghệ sĩ nhưng cũng nhờ đó mà những năm qua, ông đã tạo được một cuộc sống ổn định cho gia đình. Ông chia sẻ: “Cách làm của tôi nếu nói để làm giàu thì không phải nhưng được cái là cũng nhàn nhã và kinh tế ổn định, công việc lại phù hợp với sức mình”
VI XUÂN