Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hàng chục năm qua, gần như đều đặn mỗi ngày, hình ảnh một lão nông chậm rãi đạp xe trên con đường khu vực ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, Dương Minh Châu để vào rẫy đã trở thành quen thuộc với nhiều người. Đó là ông Trần Văn Liệt, nay đã ngoài 70 tuổi.
Ông Liệt làm cỏ vườn đậu rồng.
Tuổi cao nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, nên công việc đồng áng với ông Liệt vẫn là việc hằng ngày, chỉ khi nào bận việc đạo ông mới không đến rẫy. Ông cười chân chất và nói rằng: “Đã gắn bó hàng chục năm nên càng ngày càng mến, càng thương vậy đó. Hôm nào không đến được sẽ thấy buồn”.
Hơn 70 năm, thì có khoảng 50 năm ông Liệt gắn với ruộng đồng, làm nông. Đưa mắt nhìn đám đậu rồng của mình rồi ông lại nói: “Cũng có lúc tôi đã tập trung vào buôn bán, kinh doanh không làm nông nữa, nhưng chắc là duyên nên lại trở về với nghề nông”.
Sinh ra và lớn lên tại nông thôn, quanh năm làm việc trên ruộng rẫy, sau giải phóng, lập gia đình, ông Liệt và vợ lại chọn mua bán làm việc chính. Vợ chồng ông mua bán hàng bông rồi chuyển sang buôn bán lúa. Việc buôn bán giúp ông tích góp mua được vài mẫu đất. Ông Liệt nói: “Tôi xuất thân con nhà nông nhưng đời ba mẹ khó khăn không có của để lại nên mình phải cố gắng làm, dành dụm cho con cái để chúng bớt khổ cực như đời mình”.
Cuối những năm 90, sau nhiều năm theo đuổi, ở tuổi 50, ông Liệt cảm thấy không còn phù hợp với việc kinh doanh nữa nên trở về làm nông. Ông vào rẫy, lập vườn, mở trại chăn nuôi. Những ngày đó vùng đất này còn vắng vẻ, cả khu vực rộng lớn không mấy cái trại hay chòi. Nhưng ông Liệt không bao giờ thấy buồn chán khi ở rẫy một mình. Ông miệt mài với vườn cây ăn quả hay chăm sóc hàng bông quanh năm. Mỗi ngày, ông hết ra vào cuốc đất bón phân, tưới nước lại thu hoạch rau quả cứ thế hàng chục năm trời. Bởi ông luôn thích cái không khí trong lành, được hoà mình vào ruộng vườn.
Ông Liệt cười rồi giải thích lý do mình không bao giờ thấy chán nghề nông. Bởi mấy mươi năm qua ông đã tích góp được kinh nghiệm trong nghề truyền lại cho các con mình để sản xuất hiệu quả. Nghề nông cũng theo các con ông lớn lên, lập nghiệp ổn định. Căn chòi nhỏ của ông cũng không buồn chán vì thỉnh thoảng có bạn bè ghé thăm. Nhờ làm nông mà ông quen được rất nhiều người từ những người làm rẫy quanh vùng hay cán bộ Hội Nông dân. Ông vui vì có bạn chia sẻ việc nông hay những thông tin đời sống thú vị.
Ông Liệt vui vẻ đi trên con đường được mở trên đất mình.
Đúc kết được sau hàng chục năm gắn bó, ông Liệt thấy nghề nông vất vả lắm, việc dãi nắng dầm mưa luôn thường kỳ. Những lúc thu hoạch hàng bông, người nông dân như ông Liệt phải dậy sớm từ 3-4 giờ sáng. “Như vậy, hoa quả mới tươi và kịp phiên chợ”- ông Liệt giải thích. Nhưng với ông, vất vả đó cũng không làm mình thấy đắn đo: “Nếu biết quý đất thì đất cũng sẽ nuôi sống mình thôi”.
Quý đất nên ông Liệt thường xuyên lưu ý cải tạo chất đất để đất không bị bạc màu, sản xuất sẽ kém. Hiện nay, ông chuyển sang bón phân hữu cơ để đất tốt và bền vững hơn. Đi qua mấy mươi năm, ông Liệt cũng tận hưởng niềm vui nhìn nghề nông ngày một phát triển, việc nông cũng không còn quá cực nhọc như trước đây nữa. Ông nói: “Nếu trước đây, người làm nông phải mất nhiều sức khi sản xuất thì hiện nay đã có nhiều máy móc, dụng cụ hỗ trợ nên nhẹ đi rất nhiều. Vì vậy, dẫu đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn còn làm việc mỗi ngày, như vậy cũng vui”.
Hỏi ông, làm nông vui nhất điều gì? Ông Liệt cười to rồi nói rằng làm nông cho ông nhiều niềm vui lắm, còn giúp rèn luyện sức khoẻ. “Tôi thích được đến rẫy mỗi ngày. Tôi thích nghe những tiếng chào hỏi nhau hay cuộc trò chuyện vắn tắt về tình hình sản xuất, thời tiết. Nó giúp gắn kết tình nghĩa xóm giềng”.
Đôi khi những nhọc nhằn cùng với chuyện giá cả không ổn định hay thời tiết thất thường cũng khiến người nông dân như ông Liệt thêm mệt mỏi. Nhưng ông Liệt hiểu đó là quy luật. Và với một nông dân như ông thì “nếu đã sống nhờ đất thì lời hay lỗ gì cũng phải tiếp tục thôi”.
Không chỉ chuyên tâm làm nông, ông Liệt còn là một người sống gương mẫu, tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Ông được người dân quanh khu vực tin tưởng, tiếng nói của ông cũng được nhiều người hưởng ứng, đồng thuận. Nhờ vậy từ những năm trước, việc kéo điện, làm đường phục vụ đời sống, sản xuất cũng thuận tiện và kịp thời.
Ông Liệt kể rằng trước đây để vào rẫy phải đi vòng đường xa và xấu hơn. Sau đó, ông cùng những nông dân trong khu vực hiến đất để mở đường giao thông. Nhờ vậy mà việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con cũng thuận tiện hơn.
Con đường đất dài gần 1km đến nay đã được đổ bê tông đi ngang đất của ông một đoạn dài 200m và rộng 5m. Ông chia sẻ rằng: “Nhà nước đã bỏ kinh phí làm đường, người dân như mình dù mất đất nhưng đổi lại có đường to, rộng rãi dễ đi thì còn lợi hơn nhiều lần chứ”.
Không kể việc nhỏ hay lớn, nếu thấy cần thiết là ông Liệt sẽ lên tiếng để vận động mọi người cùng làm như sửa đường giao thông, đóng góp hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật tại địa phương. Ông nói: “Dù tôi học vấn hạn chế, cái gì không tự làm được thì nhờ mọi người chung tay, nếu là việc trong khả năng của mình và giúp ích được bà con tôi sẽ làm. Khi làm được việc mang lại lợi ích cho bà con, tôi thấy vui lắm”.
Nhận xét về lão nông này, ông Trần Thanh Tân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Năng cho biết: “Với sự chất phát, nhiệt tình của mình, ông Liệt đã tạo được uy tín với người dân quanh khu vực, tạo sự gắn kết, gần gũi với xóm làng, là người luôn lên tiếng vì lợi ích cộng đồng. Nhiều năm qua, ông Liệt là một gương nông dân sản xuất giỏi tại địa phương”.
Vi Xuân