Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đã 77 tuổi, nhưng ngày ngày, lão nông Võ Văn Ten (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) vẫn đều đặn đi thăm từng rẫy mãng cầu, săm soi từng góc cây rừng để biết rằng, chúng đang phát triển tươi tốt, hay cần tỉa cành, bón phân.
Với ông, đó là niềm vui và còn là trách nhiệm của người nông dân: làm giàu cho mình, cho địa phương như lời Bác Hồ từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Ông Ten kể, những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình ông có được hơn 1 ha đất. Lúc đó, ông tập trung đầu tư trồng cây mì. Để có năng suất trồng tốt, ông thường xuyên tham dự các hội thảo để tìm hiểu thêm kỹ thuật, chọn lựa giống mới. Nhờ vậy, rẫy mì của ông luôn cho năng suất, chất lượng cao hơn so với nhiều người trồng.
Ông Võ Văn Ten chăm sóc cây rừng.
Ngoài việc chăm sóc rẫy mì, thời gian còn lại, ông Ten và vợ còn đi làm thuê. Tiền làm ra, một phần lo cho gia đình, phần còn lại, ông tích cóp để dành mua đất. Chỉ với 1 ha đất ban đầu, đến nay, ông đã có trong tay hơn 100 ha đất. Có đất, ông lại tiếp tục đầu tư thêm các cây trồng mới: cao su, mãng cầu, trồng tre lấy măng... và trồng rừng.
“Tôi bắt đầu trồng rừng từ 20 năm trước. Lúc đó, tôi dành gần một nửa diện tích đất có được để trồng rừng. Trong đó có những cây gỗ quý gõ, giáng hương... Ngày đó, thấy tôi làm, ai cũng nói tôi gàn dở. Nhưng, tôi nghĩ, trồng rừng là cho con cháu, để tạo khoảng xanh cân bằng hệ sinh thái chứ không chỉ làm kinh tế”, ông Ten chia sẻ.
Làm nông bình thường, ông Ten có thể tham gia những hội thảo, theo dõi các chương trình khuyến nông để có thể tìm hiểu, học hỏi. Nhưng khi trồng rừng, một lĩnh vực hoàn toàn mới với ông, thông tin chia sẻ cũng khá hiếm hoi.
Không ngại khó, ông Ten tìm đến những cán bộ làm lâm nghiệp trong tỉnh và cả ngoài tỉnh để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ mong muốn được trồng rừng của bản thân. Cảm nhận được niềm đam mê của lão nông này, các cán bộ kiểm lâm cũng đồng hành cùng ông, họ hướng dẫn ông từ khoảng cách giữa các cây trồng, lượng nước tưới, cách tỉa cành, các loại bệnh tật cây có thể gặp phải.
Cả việc tạo luống để có đường cho phương tiện vào chữa cháy cũng được ông Ten thực hiện bài bản. Ông Ten luôn hào hứng mỗi khi chia sẻ về kinh nghiệm trồng rừng: “Trồng cây rừng, những năm đầu không nên bón phân, tưới nước quá nhiều.
Vì như vậy, cây sẽ phát triển tán lá quá nhanh, trong khi bộ rễ chưa đủ sâu, rộng, khi trời mưa giông, cây rất dễ ngã đổ. Do đó, trồng rừng, trước tiên phải để cho bộ rễ của cây phát triển tốt, cây sẽ vững chắc và phát triển tán lá sau”.
Ông Võ Văn Ten chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng.
Là người nông dân, kinh nghiệm “lấy ngắn nuôi dài” đã từng được ông áp dụng nhiều khi trồng cao su, trồng mì. Khi trồng rừng, ông cũng dùng cách làm này.
Cách đây chừng 5 năm, khi đi ngang chân núi Bà Đen, nhiều người lạ lẫm khi nhìn thấy giữa vườn mãng cầu xanh mát lô xô những thân cây cao nghều, khẳng khiu. Thì ra, ông trồng xen cây rừng vào vườn mãng cầu.
Đến nay, khi những cây rừng vững chắc, ông Ten phá bỏ mãng cầu, nhường đất cho trắc, gõ đỏ, lim xanh, huỳnh đường... phát triển thành khu rừng xanh dưới chân núi. Quanh bờ rào, ông Ten còn trồng thêm những cây hoa ban, kèn hồng...
Đến mùa tháng giêng, tháng hai, những mảng hoa màu tím, hồng khoe sắc, càng làm nổi bật khoảng rừng xanh của ông. Nơi này, hứa hẹn sẽ tạo thành cảnh quan đẹp mắt trong nay mai.
“Tôi trồng rừng không vì lợi ích kinh tế. Thế nên, vườn cây 20 năm tuổi gần nhà đến nay tôi vẫn để, chỉ phá bỏ những cây không chất lượng, hoặc do quá rậm vì khi đó, mình chưa biết cách trồng. Còn lại, mỗi năm tôi đều phát triển thêm một ít.
Cho đến nay, tôi đã trồng thêm được 10 ha cây rừng 10 năm tuổi, khoảng 70 ha rừng tràm nước 4 năm tuổi trong hồ Dầu Tiếng. Trồng rừng, tôi muốn tạo mảng xanh để hài hoà với thiên nhiên, tạo môi trường sống cho chim chóc, bò sát có chỗ trú ngụ, ẩn nấp”, ông Ten bộc bạch.
Trồng rừng, giữ lại cây rừng để cho con cháu sau này biết về các loại cây gỗ quý hiếm, cũng là cách để dạy cho tụi nhỏ tình yêu với thiên nhiên, cây cối. Đó là lý do mà ngôi nhà đơn sơ của ông ở ấp Phước Hội được bao quanh bởi tán cây rợp mát của những thân cây già hàng chục năm tuổi: trâm, cao su, lim, trắc...
Cả dây gùi cũng được ông tìm về, trồng dưới gốc cây trắc già. Ông Ten nói: “Gùi ngày xưa đi đâu cũng thấy, giờ trở thành giống quý hiếm, trái bán với giá cao chót vót. Tôi trồng đây, vừa để cho con cháu có trái ăn, vừa để giữ lại một giống cây rừng một thời trên đất Tây Ninh.”
Với người nông dân, đất là vốn quý. Nhưng với ông Ten, rừng càng quý hơn. Bởi, từ rừng, người ta có thể dễ dàng khai phá thành đất; nhưng, phải mất hàng chục năm mới có được những thân gỗ cao, to phủ xanh mặt đất. Đó là cách ông Ten đang làm giàu cho bản thân, cho địa phương theo một cách riêng mà ông đã chọn.
Ở địa phương, gia đình ông Ten cũng là một trong những nhà hảo tâm, đồng lòng cùng Hội Nông dân trong công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Từ nhiều năm qua, gia đình ông đã góp hơn 15 triệu đồng vào Quỹ xây tặng nhà Mái ấm Nông dân, Quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ nông dân hơn chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, ông đã góp 50 triệu đồng tiền mặt để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn ở địa phương.
Ngoài ra, gia đình ông còn giúp đỡ 35 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương bằng cây giống mãng cầu và tiền mặt gần 200 triệu đồng. Sau khi nhận được vốn hỗ trợ, 35 hộ này có vốn để sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp của mình, năm 2018, lão nông Võ Văn Ten vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Ngọc Diêu – Vi Xuân