Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lão trùm vạn và chiếc tù và xưa cũ
Thứ hai: 22:24 ngày 06/02/2017

(BTNO) - Ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh hiện vẫn còn một chiếc tù và công vạn. Một người chuyên sưu tầm đồ cổ đã tìm đến xin mua với giá cao nhưng chủ nhân chiếc tù và vẫn không chịu bán, chỉ bởi đây là kỷ vật lưu truyền của một dòng họ chuyên nghề trùm vạn.

Thổi tù và, nhớ chuyện xưa…

Người sở hữu chiếc tù và quý hiếm ấy là ông Lê Văn Khoá, năm nay 64 tuổi, hiện ngụ ấp Thuận An. Nhà ông Khoá nằm ở cuối con đường đất nhỏ gồ ghề, khó đi. Chiều ngày 6.1 vừa qua, khi chúng tôi tìm đến nhà, ông đang lui cui lấy cỏ cho bò ăn.

Nghe hỏi thăm chiếc tù và, ông vui vẻ vào nhà lấy vật quý ra cho chúng tôi xem. Nhớ lại, từ khi còn là một cậu nhóc học trò, tôi từng đọc được câu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng chiếc tù và là gì, có hình dáng ra sao thì mãi cho đến giờ này tôi mới được tận mắt nhìn thấy.

Chiếc tù và của ông Khoá có chiều dài khoảng 30cm, được làm từ phần ngọn của sừng trâu, nặng chỉ chừng vài trăm gram. Hai đầu của nó có cột một sợi dây dù cũ kỹ. Nhìn sơ bề ngoài thì thấy chiếc tù và này không có gì đặc biệt nhưng quan sát kỹ sẽ thấy nó được chế tác một cách tinh xảo.

Ông Khoá kể, đó là chiếc tù và do ông nội của ông để lại, tính ra nó đã có tuổi đời hơn 100 năm. Để làm được chiếc tù và như thế, phải tìm được sừng trâu già còn nguyên vẹn, dùng mảnh chai sắc bén cạo lớp sần sùi bên ngoài, vát bớt cho thật mỏng. Khó nhất là công đoạn chế tác ở phần chót của sừng trâu, phải canh sao cho khéo, để chừa lại một núm tròn như cổ chai trên chót sừng. Trên phần núm này, lại tiếp tục khắc hai vòng tròn nhỏ, một vòng phía dưới sừng, xung quanh có nhiều rãnh dọc. Những đường nét hoa văn này chỉ để làm đẹp, còn thổi được hay không là phụ thuộc phần vòng tròn ở chót sừng. Vòng phải được bo tròn, mịn, sau đó người ta dùng que sắt nhọn nung cho thật nóng để dùi một lỗ nhỏ bằng đầu đũa ở giữa vòng tròn. Lỗ dùi phải thông với phần rỗng bên trong sừng trâu. “Nếu lỗ dùi không đúng quy cách thì thổi sẽ không kêu. Mà không phải sừng trâu nào làm tù và đem thổi cũng kêu.

Lão trùm vạn năm xưa với chiếc tù và kỷ niệm.

Thực tế có những cây tù và làm xong nhìn rất đẹp nhưng thổi không được, phải bỏ”- ông Khoá cho biết. Nói xong, ông cầm chiếc tù và áp vào miệng, phù hai má lấy hơi thật sâu rồi thổi một tràng dài. Một chuỗi âm thanh trầm, ấm cất lên vang rền cả xóm.

Tiếng tù và như đánh thức bao kỷ niệm đã ngủ yên trong tâm trí lão nông. Nó gợi cho ông những tiếng vọng quen thuộc từng gắn liền với hình ảnh lao động trên đồng ruộng một thuở xưa xa. Ông Khoá nhớ lại, hơn 100 năm trước, ở địa bàn này rất ít người làm nghề trùm vạn (người đứng đầu vạn cấy, chịu trách nhiệm chỉ huy, tập hợp, điều động nhân công cấy lúa thuê cho các chủ ruộng). Ông nội của ông là một trùm vạn có thâm niên và uy tín nhất vùng, sau chết vì chiến tranh loạn lạc.

Chiếc tù và được truyền lại cho đời con, rồi đời cháu gìn giữ. Khi ông Lê Văn Chón- anh ruột của ông Khoá tiếp tục theo nghề trùm vạn, mỗi sáng, chiều, tiếng tù và lại vang rền khắp xóm và các cánh đồng. Thời điểm này, ông Khoá chỉ làm “phụ tá” cho anh trai. Từ khi ông Chón qua đời, ông Khoá trở thành người kế tục “sự nghiệp trùm vạn” của gia đình và chiếc tù và cũng theo sát ông từ đó.

Theo lời kể của ông Khoá, thời đó nhà nông chưa biết sạ lúa và cũng không có máy sạ lúa theo hàng như bây giờ. Vào vụ, nông dân xuống giống bằng cách nhổ mạ đem cấy thủ công. Hằng năm, vào đầu mùa vụ có cả trăm người đi làm công cấy. Thời đó không có điện thoại nên muốn ra hiệu lệnh tập trung, điều khiển công cấy chỉ có cách duy nhất là thổi tù và. Khi cần huy động, từ trước đó một ngày, trùm vạn cầm tù và thổi tại nhà hoặc vừa rảo xe đạp thổi vang rền quanh xóm.

Mỗi trùm vạn có một cách thổi tù và khác nhau, dựa vào đó công cấy sẽ nhận biết đó là hiệu lệnh của ai để sáng hôm sau tập hợp đúng người, đúng chỗ cùng nhau ra đồng làm việc. Cuối buổi sáng, trùm vạn cũng báo hiệu bằng tù và để tất cả công cấy đều biết mà tạm ngưng công việc, lên bờ ăn uống, nghỉ ngơi, chờ khi tiếng tù và cất lên lại bắt tay vào công việc cho đến hết buổi chiều.

Đời trùm vạn cũng lắm gian nan. Ngoài việc phải chạy lo “hợp đồng” với các chủ ruộng, trùm vạn còn cần phải biết quản công, nhắc nhở thợ cấy làm việc cho đàng hoàng để giữ uy tín.

Trong một ngày, trùm vạn có thể điều phối nhiều nhóm công ở nhiều nơi khác nhau. Có một cái lệ mà trùm vạn không bao giờ quên, đó là chọn người xuống lối (người xuống ruộng cấy cây lúa đầu tiên). Người xuống lối phải là người có tay nghề giỏi, cấy đều, đẹp, nhanh và đạt yêu cầu về kỹ thuật- coi như dẫn lối, làm gương.

Người ta cho rằng nếu chọn không đúng người xuống lối thì ngày hôm đó có thể bị “cù” (cấy đến chiều không xong đám ruộng). Thường là xong một vụ lúa, mỗi công cấy sẽ trả cho trùm vạn một táo lúa (khoảng 20kg). Nhưng không phải ai cũng răm rắp như thế mà chỉ những người nào làm được nhiều công mới “nhớ” đến khoản chi này, còn những người thỉnh thoảng mới được gọi đi làm thì ít khi nhớ tới công lao của trùm vạn. Về phía chủ ruộng, thu hoạch xong mùa vụ, họ sẽ trả công cho trùm vạn một táo lúa. Chẳng may gặp năm thất mùa, hoặc chủ ruộng xấu tính cố tình “quỵt” thì công sức của trùm vạn bỏ ra coi như… công cốc.

Chiếc tù và được ông Khoá xem như là báu vật gia truyền.

Sau này, khi nông dân chuyển đổi kỹ thuật canh tác, nghề cấy lúa thủ công ngày càng mai một. Theo đó, nghề trùm vạn cũng âm thầm lui vào dĩ vãng. Ông Khoá cũng đành giải nghệ sau hơn 30 năm gắn bó với cái công việc cha truyền con nối của gia đình mình. Chiếc tù và được treo lên vách, chỉ thỉnh thoảng nó mới được đem xuống để thổi vào ngày giỗ của ông nội ông.

Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, cộng với bệnh tật, ông Khoá không còn đủ sức khoẻ để thổi tù và như trước nữa. Khi ông cố gắng thổi cho chúng tôi nghe, những âm thanh phát ra không còn độ rền vang mạnh mẽ như xưa nữa. Tuy vậy, ông vẫn quyết giữ chiếc tù và bên mình như giữ bảo vật gia truyền.

Ông nói:  “Sáu, bảy năm trước, có một người tên Lập, chuyên sưu tầm đồ cổ tìm đến nhà tôi hỏi mua chiếc tù và với giá hàng chục triệu đồng, nhưng tôi không bán”. Tò mò, chúng tôi đã tìm đến tận nhà ông Lập- tên đầy đủ của ông là Phạm Văn Lập, ngụ ở ấp Thuận Bình, xã Truông Mít.

Ông Lập cho biết: “Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề sưu tầm đồ cổ, tôi nhận biết chiếc tù và của ông Khoá được làm ra cách đây ít nhất 120 năm. Hiện nay, ở Truông Mít chỉ còn duy nhất chiếc tù và này là còn nguyên vẹn. Đối với dân biết chơi đồ cổ thì đây là vật vô giá. Rất tiếc là ông Khoá không chịu bán”.

Đại Dương- Quốc Sơn

Tin liên quan