Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lắp camera trong trường, lớp học - được và mất
Thứ ba: 22:22 ngày 29/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lắp camera được - mất, lợi - hại song hành. Nếu lựa chọn triển khai, phải làm thế nào để khai thác tối đa cái được, cái lợi, hạn chế những cái mất, cái hại tiềm tàng.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc mất an ninh trong trường học, bạo lực học đường có xu hướng diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sai phạm, tạo niềm tin đối với phụ huynh, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường học đã lắp camera giám sát trong trường, lớp học. 

Giải pháp này đang được triển khai ở nhiều địa phương khác nhau, được nhiều người ủng hộ vì tính hiệu quả, lợi ích. Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều từ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và cả phụ huynh.

Đích cuối cùng của việc triển khai lắp camera giám sát trong trường, lớp học là bảo đảm an ninh trường học. Trước đây, nhiều trường đã xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng sơ hở vào thời điểm phụ huynh đưa con em vào lớp, hoặc lợi dụng lúc giáo viên bận rộn, lo cho các cháu ăn, đưa học sinh xuống sân trường tập thể dục… lấy cắp tài sản của giáo viên, học sinh.

Từ khi lắp đặt camera, nếu xảy ra sự việc, chỉ cần trích xuất hình ảnh sẽ phát hiện được nghi phạm, giải toả được nỗi lo của giáo viên, học sinh. Việc kẻ gian tìm cách xâm nhập vào khu vực trường, lớp để thực hiện những hành vi phi pháp cũng dần chấm dứt. Camera còn giúp cho Ban giám hiệu nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong việc giám sát, kiểm tra an ninh, hoạt động dạy học của giáo viên, học sinh; nắm bắt kịp thời khi xảy ra các sự cố, có căn cứ để xử lý một cách đúng đắn những sai phạm…

Qua đó, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể. Lắp đặt camera cũng góp phần giúp đội ngũ giáo viên có ý thức, kiềm chế những cảm xúc, hành vi không đáng có. Camera kết nối trực tiếp với máy tính, điện thoại của cha mẹ học sinh còn tạo điều kiện cho phụ huynh theo dõi, giám sát một số hoạt động của nhà trường, giáo viên- đặc biệt là con em mình.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lắp đặt camera cũng không phải là giải pháp dễ dàng và tối ưu nhất trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho trẻ ở trường, lớp. Rào cản đầu tiên của giải pháp này là vấn đề kinh phí.

Hiện nay, kinh phí hoạt động của các cơ sở giáo dục (đặc biệt là công lập) có thể nói là eo hẹp. Trong khi đó, chi phí cho việc lắp đặt, vận hành, bảo trì... hệ thống không phải là nhỏ. Vì thế, đối với các địa phương, vùng kinh tế khó khăn, thì có được hệ thống camera chỉ là ước mơ ở “thì tương lai”. Đối tượng không ủng hộ trong việc lắp đặt camera là những giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đa số ý kiến cho rằng nó sẽ tạo ra áp lực đối với giáo viên trong quá trình giảng dạy và đổi mới giáo dục.

Có camera, giáo viên có cảm giác như bị giám sát, lãnh đạo và phụ huynh thiếu tin tưởng, khiến họ dễ bị tổn thương... Lắp đặt camera vô tình tạo ra sự cách biệt giữa người quản lý và bị quản lý, giữa Ban giám hiệu với giáo viên, giữa phụ huynh và giáo viên... Đó là chưa nói đến nhiều em học sinh ỷ lại, không nghe lời, thậm chí thách thức thầy cô vì nghĩ rằng sẽ có camera giám sát! Trao đổi với một số giáo viên ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt camera, các cô nói rằng lúc đầu cũng “dị ứng” lắm, cứ có cảm giác “sao sao” đó. Những tuần đầu năm học, bất cứ lúc nào các cô cũng có thể nhận cuộc gọi của phụ huynh “tra vấn” về con cháu họ.

Rất nhiều giáo viên cấp tiểu học, THCS, đặc biệt là THPT cũng phản đối mạnh mẽ vấn đề này. Thầy V.P. dạy ở một trường THCS huyện Châu Thành cho rằng lắp camera ở lớp học để giám sát, có khác gì họ luôn nghĩ mình sẽ làm một việc gì đó không trong sáng. Lắp đặt camera làm cho giáo viên có tâm lý e ngại, đối phó, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và văn hoá. Cũng có người phân tích rằng việc phụ huynh muốn lắp đặt camera là để giám sát, theo dõi được con em mình nhưng làm sao theo dõi được mọi nơi, mọi lúc.

Camera không phản ánh hết mọi hoạt động trong lớp của giáo viên và học sinh. Ví dụ chỉ một hành vi như cô nắm tay kéo bé về phía mình nhưng nhìn trên camera lại có vẻ như cô giằng co, tranh chấp với trò... Anh Tú có con đang học lớp 7 cho rằng không cần lắp camera ở lớp học. Phụ huynh nên tin tưởng nhà trường và thầy cô giáo. Điều quan trọng là việc nhà trường và phụ huynh quản lý, sử dụng như thế nào để phòng kẻ xấu lợi dụng hình ảnh làm việc phi pháp. Đó là chưa kể việc lắp camera ở lớp học cũng “tiêu tốn” khá nhiều thời gian của không ít phụ huynh.

Lãnh đạo của một cơ quan ca thán, nhiều nhân viên của anh trong giờ làm việc cứ chăm chăm vào cái điện thoại để “canh chừng” con mình ở lớp học mầm non.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh từng phát biểu: Camera không phải là giải pháp duy nhất ngăn ngừa bạo lực học đường, mà ngăn ngừa bảo lãnh phải thực hiện từ bên trong như xây dựng văn hoá ứng xử trong nhà trường, giảm áp lực giáo viên, tăng cường giáo dục đạo đức giáo viên...

Nhiều giáo viên cũng cho rằng trong nhà trường, đạo đức, năng lực giáo viên được giám sát thông qua  sự phản hồi phụ huynh, đồng nghiệp và đặc biệt là sự giám sát tinh tế, chân thực nhất từ các em học sinh. Mới là những “camera” phản ánh sống động nhất thực tế hoạt động của giáo viên, chứ không phải là những mắt camera vô cảm gắn đâu đó trên tường lớp học.

Câu hỏi đặt ra là việc lắp đặt camera như thế nào là hợp lý và phát huy hiệu quả? Câu trả lời được nhiều người đồng tình là camera nên lắp đặt ở cổng trường, khu vực hành lang, thư viện, tường rào, góc khuất ít người qua lại... để giúp cho cán bộ quản lý có thể bao quát hết các hoạt động diễn ra trong trường học; không nên lắp đặt ở khu vực riêng tư, trong lớp học. Ở những nơi có điều kiện, nhất là trường mầm non, nếu  được sự đồng thuận giữa phụ huynh, nhà trường, giáo viên thì có thể lắp đặt camera; còn các cấp học khác cần có sự cân nhắc.

Nhìn chung, việc lắp đặt trong trường, lớp học sẽ góp phần hỗ trợ công tác chuyên môn, quản lý, thể hiện sự minh bạch, dân chủ, bảo đảm an ninh, an toàn trong nhà trường. Lắp đặt camera trong trường, lớp học như một công cụ hỗ trợ để làm cho công việc, hoạt động của nhà trường trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải để theo dõi, giám sát giáo viên. Lắp camera được - mất, lợi - hại song hành. Nếu lựa chọn triển khai, phải làm thế nào để khai thác tối đa cái được, cái lợi, hạn chế những cái mất, cái hại tiềm tàng. Điều này cần sự hiểu biết, đồng thuận, hợp tác của rất nhiều lực lượng khác nhau.

Diệu Mai

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục