Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các đảng phái lớn của Đức đang đi những bước đi cuối cùng và quan trọng trong tiến trình thành lập chính phủ liên minh mới ở nước này. Đây là những bước đi quan trọng bởi lẽ nếu đổ bể, nhiều khả năng Đức sẽ phải bầu cử lại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: CNBC
Ngày 26/2, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), diễn biến được cho là sẽ giúp nhà lãnh đạo này tiến gần hơn tới nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp của mình.
Theo giới phân tích, việc đảng CDU thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với sự đồng thuận lớn là một ủng hộ quý giá đối với Thủ tướng Đức. 97% trong tổng số 1000 đại biểu tham dự Đại hội đảng CDU diễn ra trong ngày 26/2 đã bỏ phiếu thông qua thoả thuận thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa CDU với đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và đảng SPD.
Con số ủng hộ gần như tuyệt đối này xem như đã gỡ bỏ được gánh nặng áp lực đặt lên vai bà Angela Merkel suốt 4 tháng qua khi chính trường Đức rơi vào một tình thế bế tắc chưa từng có. Với cá nhân bà Angela Merkel, đây là một thắng lợi kép. Bởi việc đa số các thành viên CDU đồng ý thoả thuận lập chính phủ liên minh cho thấy bà Merkel vẫn được tín nhiệm.
Cũng nhân sự kiện nêu trên, Thủ tướng Merkel đã có bài phát biểu tái khẳng định các cam kết đối với chính sách thuế và Liên minh châu Âu (EU), theo đó bà nhấn mạnh liên minh chính phủ mà bà tìm kiếm sẽ không tăng thuế cũng như nợ công của nước này.
Đề cập đến các quan ngại của dư luận về xu hướng toàn cầu hóa, công nghệ phát triển và các đảng phái chính trị hiện nay, Thủ tướng Đức nhấn mạnh cần có định hướng cho nước Đức cũng như cho đảng CDU. Bà Merkel khẳng định đảng CDU sẽ giữ nguyên lập trường cứng rắn đối với việc tăng thuế và nợ công cả trong nước cũng như trong EU.
Đối với vấn đề EU, Thủ tướng Đức cũng kêu gọi đổi mới liên minh, nhấn mạnh EU là yếu tố quan trọng để bảo đảm các lợi ích của Đức và hối thúc cần hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng chắp vá các bộ luật về an ninh biên giới, quốc phòng và thị trường vốn giữa các nước hiện nay.
Theo giới phân tích, Thủ tướng Merkel vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) lần đầu tiên vượt đảng SPD tuần trước được xem là một cú sốc lớn với đảng trung tả. Cùng với đó là những thách thức trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và bài toán ổn định EU hậu Brexit. Dù vậy, nền kinh tế Đức tăng trưởng tiếp tục mang lại một tín hiệu khả quan.
Kết quả khảo sát của Viện Ifo, trụ sở tại München, cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh (chỉ số Ifo) trong tháng 1/2018 tăng 0,4 điểm, đạt mức cao kỷ lục 117,6 điểm, vượt quá kỳ vọng của hầu hết các chuyên gia kinh tế. Theo Chủ tịch Viện Ifo Clemens Fuest, nền kinh tế Đức đã bước vào năm mới 2018 với sự lạc quan khi 7.000 lãnh đạo doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh doanh của họ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, ngày 7/2, liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel đã đạt thỏa thuận thành lập một chính phủ đại liên minh với đảng SPD, qua đó giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu này chấm dứt thế bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên cần phải được sự ủng hộ của 464.000 đảng viên SPD trên toàn quốc. Dự kiến, kết quả cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến các đảng viên trong đảng sẽ được công bố vào ngày 4/3. Sau thời điểm đó, nếu SPD nhất trí thành lập chính phủ liên minh, đảng này và CSU sẽ công bố lựa chọn nhân sự cho nội các mới.
Nguồn chinhphu