BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lập nghiệp

Cập nhật ngày: 25/11/2009 - 10:22

Thạnh luôn miệt mài với công việc mà mình đam mê.

Tự làm chủ mình là xu hướng của khá đông thanh niên hiện nay, trong đó có cả những thanh niên ở vùng nông thôn.

Đa số các bạn trẻ cho rằng làm chủ sẽ cảm thấy thoải mái vì được làm những gì mình thích, mình muốn và không phụ thuộc vào ai. Những bạn trẻ thích làm chủ có xuất phát điểm khác nhau, có người khởi nghiệp từ nguồn vốn có sẵn của gia đình, cũng có người phải vất vả tích cóp dần bằng chính đôi bàn tay lao động. Có những bạn trẻ thành công và cũng không ít bạn phải cam chịu thất bại. Nhưng điều đáng quý ở họ là muốn tự khẳng định bản thân và giúp đỡ gia đình bằng sức lao động chân chính.

Đỗ Văn Thạnh (ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) hiện làm chủ một tiệm sửa xe kha khá tại gia mà theo anh “cũng đủ nuôi sống gia đình”. Thạnh kể về cuộc hành trình lập nghiệp của mình như sau: Tốt nghiệp phổ thông, Thạnh đăng ký học nghề sửa xe ở Trung tâm Dạy nghề huyện Hoà Thành. Trong thời gian học, anh tranh thủ đi làm thêm để nâng cao tay nghề và cũng để kiếm thêm thu nhập, vì thế cũng khá vất vả. Nhưng cũng đúng thời điểm này, anh phải lên đường, thi hành nghĩa vụ quân sự. Sau khi xuất ngũ, anh trở về gia đình chỉ với hai bàn tay trắng và lại tiếp tục “niềm đam mê từ thuở bé”. Tuy nhiên đã qua mấy năm không làm  nên tay nghề đã bị “lụt” anh lại khăn gói đi học nghề tiếp tục và đối mặt với những khó khăn mới. Thạnh kể, có nhiều khi phải “ăn” mỏ lết của mấy ông thầy khó tính. Nhưng với quyết tâm của mình, anh vẫn nỗ lực học hỏi. Năm 2001, từ nguồn vốn ít ỏi của gia đình, Thạnh mở tiệm sửa xe riêng khi tay nghề đã thành thạo. Cho đến nay anh đã làm chủ một cơ ngơi kha khá.

Còn Bùi Thị Kim Thuỷ - cùng địa phương với Đỗ Văn Thạnh, vốn là con nhà nông, trình độ học vấn không cao do phải nghỉ học giữa chừng vì gia cảnh khó khăn, vì vậy Thuỷ chọn con đường làm công nhân cho một công ty may ở TP.HCM. Tích cóp được chút ít vốn sau gần 5 năm làm việc, Thuỷ trở về quê dùng số vốn ấy đầu tư sản xuất trên mảnh đất gia đình. Gặp Thuỷ, thấy cô có vẻ phấn chấn vì được làm chủ trên mảnh đất của mình, dù cuộc sống chưa lấy gì làm dư dả lắm. Còn Tố Uyên, hiện là chủ một tiệm uốn tóc nho nhỏ, hằng ngày luôn bận rộn nhưng vẫn tỏ ra hài lòng với công việc của mình, bởi được làm đúng cái nghề mình thích và còn được tự quyết định mọi việc.

Để được làm chủ, những người trẻ kể trên luôn phải nỗ lực phấn đấu và phải chăm chỉ lao động.

Đỗ Văn Thạnh cho biết, anh vẫn chưa thấy hài lòng với hiện tại của mình. Mong muốn của anh là có thể phát triển hơn nữa quy mô cửa tiệm và anh đang rất cố gắng để đạt được điều đó, Tố Uyên thì quyết đeo đuổi đến cùng công việc đã làm gần 10 năm nay, mặc dù có lúc phải gián đoạn vì bận bịu gia đình. Chị cũng cho biết chị rất muốn được học thêm để nâng cao tay nghề hiện tại. Còn Kim Thuỷ, sau khi về quê bỏ công sức lao động trên mảnh đất gia đình tuy có phần vất vả hơn so với trước nhưng lại phấn khởi vì “Tinh thần thấy thoải mái, vui vẻ hơn nhiều”.

Làm chủ- bằng chính sự nỗ lực và sức lao động chân chính là nhu cầu chính đáng của giới trẻ. Và ai cũng có khả năng làm được điều đó, miễn chịu khó học hỏi, chịu khó làm việc và đầy đủ ý chí quyết tâm để thực hiện ước muốn của mình.

NGÔ TUYẾT