BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lập nghiệp với cây sầu riêng 

Cập nhật ngày: 12/06/2017 - 23:05

BTNO - Khởi nghiệp từ 2,7 ha đất thừa hưởng từ gia đình, ông Phan Hùng Vương (sinh năm 1963, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) là một trong những người đầu tiên trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa sầu riêng sạch, đúng mùa đến với người tiêu dùng.

Đất không phụ người chăm làm

Chúng tôi tìm gặp ông Vương không dễ. Phần đất gần 6 ha được phủ kín các loại cây xanh, hầu hết là sầu riêng độ 1 năm tuổi cho đến thời kỳ đang cho trái thu hoạch.

Giữa khoảnh đất trống chừng 200 m2 là một ngôi nhà nhỏ, nền lót gạch tàu, mái ngói đơn giản. Nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng một ai trong nhà. Anh Trần Văn Lâu- Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng dắt chúng tôi ra vườn, nói: “Muốn gặp ông này thì phải ra vườn cùng ông ấy. Cả ngày ông ấy chỉ ở ngoài vườn thôi!”.

Nhờ vào cây sầu riêng mà ông Vương ổn định kinh tế gia đình.

Vừa đi vừa cầm một thanh sắt nhỏ gõ gõ từng nhịp vào những trái sầu riêng nặng trịch sà sát mặt đất, ông Vương chia sẻ, năm nay ông 54 tuổi, là dân “gốc” ở xã Lộc Hưng.

Năm 1984, ông tốt nghiệp ngành cơ khí sửa chữa ô tô Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (TP. Hồ Chí Minh) và xin vào làm thợ sửa chữa ô tô trong một cơ sở ở huyện Hòa Thành.

Sau thời gian làm việc ở nhiều nơi, ông Vương học hỏi kinh nghiệm thêm về kỹ thuật chụp ảnh, vậy là ông kiêm thêm công việc chụp ảnh cho một số trung tâm ở huyện và thị xã Tây Ninh.

Làm hết công việc này đến công việc kia mà vẫn không đủ để trang trải lo cho cuộc sống gia đình. Giữa năm 1996, cơ hội đến khi ông Vương được thừa kế phần đất 2,7 ha do cha mẹ để lại ở xã Lộc Hưng. Không đắn đo suy nghĩ, ông cùng vợ và 2 con trai dời về Trảng Bàng và bắt đầu những ngày khởi nghiệp trên mảnh đất vốn đã bị “bỏ hoang”.

Để có được nguồn thu nhập cao và ổn định là sự cần mẫn, ham học hỏi của ông Vương trong suốt 20 năm qua. Nhắc đến những ngày đầu khởi nghiệp, ông kể, ban đầu ông đến với nghề trồng lúa, nhưng chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, vất vả và thu nhập không cao. Ông chuyển sang trồng nhãn, nhưng nhãn cũng không giúp gia đình ông thay đổi cuộc sống.

Đến năm 1998, sau khi đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các nông dân chuyên canh cây sầu riêng ở Bến Tre, Tiền Giang và một số tỉnh ở khu vực Tây Nam bộ, ông Vương quyết định thế chấp phần tài sản để vay vốn ngân hàng, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, ông đã móc mương, lên liếp và trồng 2 ha cây sầu riêng giống Ri 6. 

Phần đất còn lại, ông cải tạo vườn tạp, trồng xen đu đủ, bạc hà, quýt đường, đào ao nuôi cá theo mô hình VAC.

Vụ mùa đầu tiên, gia đình ông thu hoạch hơn 10 tấn/ha, đến các vụ mùa sau, sản lượng trái tăng dần, vườn sầu riêng của ông không đủ cung cấp cho thương lái từ miền Tây đến thu mua.

Thu nhập “khủng”

Lần đầu tiên vườn sầu riêng của ông Vương bắt đầu cho thu hoạch cách đây 15 năm, nguồn lợi tăng cao đáng kể.

Ông so sánh: “Nếu so với trồng lúa thời đó, trồng sầu riêng cho thu nhập cao và ổn định hơn. Mần lúa, mỗi năm kiếm khoảng vài chục triệu, còn sầu riêng thu nhập cao gấp 10 lần!”.

Tiếp các năm sau đó, mức thu nhập của gia đình ông lại tăng thêm rất nhiều lần do được trái to, chắc, ngon và luôn bán được giá.

Có được nguồn vốn tích lũy, ông trả hết nợ vay ngân hàng và đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng. Hiện nay, vườn sầu riêng nhà ông Vương có 300 cây sầu riêng, trong đó một nửa đang thu hoạch, một nửa vừa được hơn 1 năm tuổi đến 4 năm tuổi, thuộc thế hệ thứ hai sau 20 năm ông lập nghiệp với cây sầu riêng.

Chỉ tay về hàng sầu riêng cao cao, xanh tốt, ông Vương giải thích: “Trồng sầu riêng lâu có ăn lắm. Phải đến 5 năm mới cho trái. Lứa này mới 4 năm tuổi thôi, năm sau là cho trái”. Theo tính toán của ông Vương, trên 1 ha đất ông trồng 100 cây sầu riêng, trung bình mỗi cây cho từ 40-50 trái. Mỗi trái nặng từ 2- 4 kg, có trái nặng gần 5 kg, giá thu mua từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg, có khi vượt ngưỡng 65.000 đồng/kg.

Có thể nói, vụ trái cây sầu riêng năm 2010 là vụ “sung” nhất của vườn nhà ông Vương. Với sản lượng 30 tấn/ha, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, ông Vương thu nhập trên 500 triệu đồng/ha. Ông Vương cho biết: “Đất và khí hậu ở Tây Ninh rất ưu đãi cho cây sầu riêng. Vì sầu riêng Tây Ninh luôn chín sớm hơn các loại sầu riêng ở miền Tây, Tây Nguyên. Nhờ vậy mà tôi bán được giá cao!”.

Sau cây sầu riêng, hiện ông Vương thử sức đầu tư trồng thanh long ruột đỏ.

Ông Vương cười, nói: “Nhờ cây sầu riêng mà gia đình tôi được cải thiện đời sống, các con tôi được học hành tử tế”. Hiện tại, người con trai lớn của ông Vương đã tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ngành Cơ khí chế tạo máy và đang làm việc tại Nhật, còn con trai nhỏ đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian vừa qua, các thông tin trên báo, đài liên tục phản ánh nhiều nhà vườn đã “lạm dụng” khoa học kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để “ép” cây sầu riêng cho trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao nhất.

Thậm chí, có nhiều nhà vườn, thương lái vì ham lợi nhuận cao nên cho sầu riêng ngâm vào thuốc để kịp chín và bán cho người tiêu dùng. Khi được hỏi về điều này, ông Vương chia sẻ: “Cây sầu riêng đã được đất và khí hậu ở Tây Ninh ưu đãi rồi! Trái ra đúng vụ đã không đủ cung cấp cho thương lái và thị trường nội địa. Làm trái nghịch vụ thì phải tăng cường các loại thuốc bảo vệ thực vật, như vậy sao bảo là sầu riêng sạch!”.

Theo ông Vương, trồng sầu riêng không khó, nhưng chăm sóc và cho ra trái đúng vụ mới là chuyện khó. Chủ yếu là chọn vùng đất chủ động được nguồn nước. Nước phải thoát được trong mùa mưa và đủ tưới trong mùa nắng. Giống thì nên chọn loại có năng suất cao, được nhiều người ưa chuộng, trái phải to, cơm dày, tính kháng bệnh cao. Về khâu chăm sóc, người chăm sóc phải giúp cây hấp thụ đầy đủ phân hữu cơ, phân vô cơ và vi lượng đúng tiêu chuẩn sau mỗi chu kỳ thu hoạch.

Từ 3 ha đất vừa “tậu” được từ nguồn lợi của cây sầu riêng, ông Vương vay thêm vốn ngân hàng để “thử sức” đầu tư cho vườn thanh long ruột đỏ. Nhưng giữa khoảng cách của mỗi trụ thanh long, ông Vương trồng xen thêm sầu riêng giống Ri 6. Ông cười nói. “Trồng sầu riêng 5 năm mới cho trái, nhưng thanh long thì chỉ 8 tháng là thu hoạch. Tôi đang thử sức mình với nó để đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ cao, sạch. Đạt thì làm tiếp, không đạt thì trồng lại sầu riêng!”.

Ông Trần Văn Lâu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng cho biết: “Ông Vương là một trong số những hội viên tiêu biểu cho phong trào nông dân sản xuất giỏi của xã Lộc Hưng. Ít có ai gắn bó với cây sầu riêng hơn 20 năm như ông ấy. Kinh nghiệm thực tế của ông sẽ giúp nhiều người dân tự tin chuyển đổi cây trồng để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, từng bước đa dạng hóa cây trồng ở địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi như nơi này”.

Tâm Giang