Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lâu đài tri thức, ai xây ?
Thứ năm: 08:36 ngày 21/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giáo dục phát triển cũng tác động tích cực, trực tiếp đến kinh tế và trong bối cảnh hiện nay cung cấp nguồn nhân lực trí tuệ cho nền kinh tế là động lực nhanh nhất thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ (1861-1941), người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học năm 1913 viết: “Đầu tư vào một người đàn ông, ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt” (Invest in a man we have a good husband, invest in a woman we have a good family, invest in a teacher we have a good generation).

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Tây Ninh (ảnh chụp năm 2022).

A. S. Makaarenko (1888-1939) là nhà giáo dục Xô viết lỗi lạc đã để lại cho nhân loại một kho tàng lý luận giáo dục vô giá. Nhưng trước tiên, ông là một nhà giáo hoạt động trong thực tiễn giáo dục suốt 32 năm. Hơn ai hết, ông hiểu rõ vai trò to lớn của giáo viên - nhà giáo dục. Đồng thời, ông cũng yêu cầu rất cao đối với nhân cách của họ. Macaarenko yêu cầu tất cả mọi người làm công tác giáo dục phải rèn luyện và học tập, không chỉ về phẩm chất, tư cách mà cả về tri thức, năng lực, nghệ thuật giáo dục, dạy học.

“Tôi đi đến một niềm tin sâu sắc rằng thà không có nhà giáo dục nào cả, còn tốt hơn là có những nhà giáo dục tự rèn luyện kém. Thà có 4 nhà giáo dục có khả năng còn hơn là có 40 người thiếu khả năng hoặc được đào tạo tồi”. Makarenko vẫn được biết đến với quan điểm giáo dục phải thức tỉnh điều thiện, người thầy luôn làm gương, đối xử tôn trọng dù đứa trẻ nhiều tội lỗi và luôn nuôi dưỡng nhân cách, là người chuyển hoá được những đứa trẻ phạm pháp thành người có ích cho xã hội. Các phương pháp giáo dục của Makarenko vẫn được áp dụng trên thế giới cho đến ngày nay.

1

Trong thời đại ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ về công nghệ thông tin, bởi sự phát triển mạnh mẽ, sáng tạo, nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của nền kinh tế tri thức, kinh tế số hứa hẹn nhiều thay đổi đột biến.

Đặc biệt, những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến vòng đời rút ngắn của công nghệ thông tin. Những kiến thức học ở nhà trường, học trong hoạt động xã hội đã không còn đáp ứng được những tri thức của khoa học và công nghệ mới. Đòi hỏi bức thiết đối với từng con người và xã hội là phải học tập liên tục, để tiếp cận, nắm bắt thông tin, nâng cao sự hiểu biết; vừa nhận thức và sử dụng tri thức nhân loại, vừa sáng tạo ra những giá trị tri thức mới, nhằm ngày càng hoàn thiện con người và phục vụ con người tốt hơn. Nhìn lại tiến trình lịch sử phát triển của xã hội loài người, bất cứ triều đại nào cũng coi trọng việc học và có những tấm gương sáng ngời về sự học và dạy học được nhân dân tôn kính.

Học sinh, sinh viên đã và đang thực hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đưa Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu (ảnh minh hoạ).

Để giải quyết nạn thất học sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, và trước yêu cầu của sự phát triển mới, tại một số nước đã xuất hiện sáng kiến về việc xây dựng “thành phố học tập”. Đây được coi là sự mở đầu của chủ đề học tập suốt đời. Từ những năm 60 đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX, đã có những cuộc trao đổi, hội thảo trên thế giới bàn về sự học, về giáo dục hôm nay và ngày mai.

Từ yêu cầu phát triển và xu thế đó, một số quốc gia đã chú ý và tập trung thực hiện cải cách nền giáo dục và hệ thống giáo dục theo hướng tiến tới một “xã hội học tập”, “học tập suốt đời”. Khi bàn về giáo dục và việc học của con người, Lenin đưa ra một khẩu hiệu có tính triết lý sâu sắc đối với tất cả mọi người và xã hội, đó là: “Học, học nữa, học mãi”. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao nhận thức xã hội và đặc biệt là nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng lao động, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi các nước tập trung đầu tư cho học tập suốt đời và xây dựng chiến lược về học tập suốt đời để nơi đây trở thành “một nền kinh tế tri thức cạnh tranh và năng động nhất thế giới”.

2

Trước yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, công tác thanh niên tiếp tục được Đảng quan tâm đặc biệt. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25.7.2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên…”.

3

TS. Nguyễn Thị Mai Anh (Tạp chí Cộng sản) chỉ ra, con người vừa là chủ thể thực hiện quản lý giáo dục, vừa là đối tượng của quản lý giáo dục. Hoạt động quản lý giáo dục hướng vào việc hình thành, bồi dưỡng và phát triển nhân cách, bồi dưỡng tri thức cho con người, do đó, quản lý giáo dục không được phép phạm sai lầm, bởi chỉ một sai lầm trong chính sách giáo dục có thể dẫn đến những hệ luỵ rất lớn. Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp, bảo đảm sự phát triển toàn diện và hài hoà của đối tượng giáo dục. Công cụ quản lý giáo dục là bằng pháp luật. Đối tượng của quản lý giáo dục là con người.

Giáo viên, học sinh huyện Tân Biên tưởng nhớ những người hy sinh cho Tổ quốc.

Trong xu thế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực trở thành yếu tố quan trọng quyết định trình độ, mức độ phát triển của quốc gia, là nhân tố tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế.

Giáo dục toàn diện chỉ ra hướng đích của nền giáo dục là phải đào tạo ra những con người toàn diện cả về tư cách, nhân phẩm, đạo đức, chứ không chỉ có tri thức, kiến thức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục toàn diện là phải giáo dục đồng thời cả đạo đức cho học sinh, bởi theo Người, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhân cách, bên cạnh “tài” thì “đức” là một nhân tố quan trọng hình thành nên con người toàn diện: “Tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”.

Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21.10.1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.

Đối với bất kỳ quốc gia nào thì định hướng giáo dục luôn có vai trò quan trọng đối với xã hội và luôn gắn với định hướng phát triển đất nước, phát triển con người. Tuy nhiên, cách thức thực hiện lại không hoàn toàn giống nhau và tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, từ lịch sử, văn hoá truyền thống đến chủ trương, chính sách, cơ chế, mức đầu tư cho giáo dục, đào tạo của Nhà nước, điều kiện, hoàn cảnh xã hội thực tại.

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng với thế giới, chứng kiến sự phát triển vũ bão của nền kinh tế tri thức, kinh tế số và mối quan hệ giữa kinh tế - giáo dục đang trở nên ngày càng khăng khít, có tác động, ảnh hưởng lẫn nhau một cách nhanh chóng và trực tiếp.

Giáo dục phát triển cũng tác động tích cực, trực tiếp đến kinh tế và trong bối cảnh hiện nay cung cấp nguồn nhân lực trí tuệ cho nền kinh tế là động lực nhanh nhất thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là bài toán Việt Nam đang rất nỗ lực giải quyết.

Và, người thầy đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết vấn đề nêu trên.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh