BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lấy chồng thương binh

Cập nhật ngày: 09/05/2011 - 08:56

Anh Triều thu dọn vườn nhãn sau vụ thu hoạch

Đã hơn hai mươi năm trôi qua, từ ngày về làm dâu đất Tây Ninh, có ai hỏi chị Tư Quý rằng tại sao hồi đó còn trẻ măng mà dám lấy chồng thương binh, chị chỉ cười hiền: “Tại chị Ba tôi cũng lấy chồng thương binh. Mấy anh thương binh tội quá hà”.

Hồi đó, Tư Quý còn là một cô gái tuổi mười chín, đôi mươi đang làm thợ may ở thành phố Hồ Chí Minh, trong một lần lên Tây Ninh thăm chị gái và anh rể, Tư Quý nghe chị gái nỉ non: “Lấy chồng thương binh đi em. Có cậu thương binh gần đây hiền và siêng lắm. Tao cũng lấy chồng thương binh nè. Có sao đâu”. Dây tơ hồng đánh qua, kéo lại, rồi cô gái xinh đẹp bén duyên, đồng ý lấy anh thương binh. Anh tên Nguyễn Văn Triều, lúc đó cũng chỉ mới 23 tuổi. Đẹp trai, hiền lành, quê tận Giồng Trôm (Bến Tre), năm 1985, Triều nhập ngũ và làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn. Năm 1987, trong một đợt truy quét tàn quân Khmer đỏ giáp biên giới Thái Lan- Campuchia anh đạp phải mìn, cụt mất chân phải. Ra quân, Triều mua một thửa đất vùng sâu tại ấp Trường Lưu, xã Trường Đông (Hoà Thành). Đất gần kênh nên anh muốn thử sức làm vườn, sau đó đón má từ quê lên sống cùng. 

Với một mẫu đất trồng nhãn, anh Triều suốt ngày đào mương, phun thuốc, chăm cây. Mỗi vụ nhãn trừ tiền vốn đầu tư, cũng còn được vài chục triệu đồng. Chị Quý vẫn theo nghề may nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Khi họ có hai cậu con trai kháu khỉnh thì chuyện lo cho con ăn học đặt nặng lên đôi vai người chồng thương binh. Quỹ đất có hạn, anh Triều quây lưới nuôi thêm gà, đào ao nuôi cá, quần quật suốt ngày để có đủ tiền nuôi con học hành và chăm sóc mẹ già. Mấy năm nay, anh Triều còn tham gia công tác xã hội khi được tín nhiệm bầu giữ chức chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh ấp. Lại phải hết lòng với công việc chung. Tuy chỉ còn một chân, anh Triều vẫn chịu khó đi thăm từng gia đình hội viên, động viên, giúp đỡ họ trong cuộc sống.

Hôm chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng Triều- Quý, anh thương binh một chân vẫn đang lụi cụi chăm sóc cho vườn nhãn và cho vịt ăn. Anh có 500 con vịt đẻ, mấy tháng trước bán trứng cũng bộn tiền nhưng thời gian này giá cả lên, tiền bán trứng chỉ đủ mua thức ăn cho chúng. Anh nói: “Lỗ rồi. Tôi đang tính bán vịt thịt, lúc nào có lời lại nuôi tiếp”. Chị Quý vẫn lo lắng việc bếp núc cho chồng và duy trì nghề may. Chị tâm sự: “Thằng lớn đã học xong, đi làm. Thằng nhỏ đang học lớp 8. Má chồng cũng yếu rồi. Tôi trông vô sự tính toán lao động của chồng, ảnh chỉ còn một chân nhưng giỏi lắm”.

P.Q