BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lấy phải chồng… “tội nợ”

Cập nhật ngày: 13/04/2011 - 07:55

Chị T. đau xót kể lại chuyện cũ

Tuy cơn ác mộng do chính người chồng hơn 20 năm “đầu ấp tay gối” gây ra đã qua đi nhưng khi ngồi kể lại chuyện cũ cho chúng tôi nghe, nét mặt chị vẫn còn hằn lên nỗi đau xót, căm phẫn: “Hắn thực sự là ác quỷ! Rượu đã biến hắn thành ác quỷ”- chị N.T.T, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu nghẹn ngào nhắc đi nhắc lại câu nói đó và kể...

Địa ngục trong nhà

Tôi lấy chồng năm 1977, lúc mới 21 xuân xanh và đang là công nhân Xí nghiệp Vận tải ở huyện Định Yên, tỉnh Thanh Hoá. Chồng tôi là N.V.S, sinh năm 1953, giáo viên dạy cấp hai cùng quê. Nhà chồng tôi vốn có nghề nấu rượu và ai trong nhà cũng biết… uống rượu. Chuyện ông chồng uống rượu suốt ngày là nỗi lo thường trực của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng môi trường sư phạm sẽ giúp anh hạn chế tật say sưa. Vậy mà…

Kinh tế gia đình sa sút vì rượu. Lương hai vợ chồng nuôi ba con nhỏ ăn học đã khó lại phải hao tốn vì rượu nên cứ thiếu hụt liên miên. Năm 1984, khi nghe chồng bàn chuyển gia đình vào Tây Ninh làm cho nông trường, tôi đồng ý ngay. Tôi chỉ nghĩ nếu xa được cái gia đình luôn lấy rượu làm nước uống, có thể anh sẽ khá hơn. Một người trong họ đang công tác tại Nông trường Tân Hưng, huyện Tân Châu đã “bảo lãnh” cho gia đình tôi nhưng cũng chỉ xin được một suất công nhân cho anh S thôi, còn tôi  phải ở nhà lo nội trợ. Công việc của anh S là chặt và vác mía. Đối với một giáo viên nước da trắng bóc, nhàn hạ đã quen thì công việc đó quả là “khổ dịch”, nhất là khi anh vẫn cứ… uống rượu. Ở môi trường mới, anh càng uống dữ dội hơn, uống đến “nát cả người”. Mấy mẹ con tôi vào rừng cắt tranh về đánh phên bán cho dân kinh tế mới lợp nhà. Khách đặt hàng nhiều, phải làm suốt ngày. Chẳng mất đồng vốn nào, chỉ mấy tháng tôi đã gom được 4 chỉ vàng, mua thửa đất cất nhà tạm. Cuộc sống đã ổn định, tôi lại phải tiếp tục đương đầu với tật nát rượu của chồng. Anh đã nghỉ việc ở nông trường, bắt tôi và hai đứa con lớn làm thay. Đó là thời kỳ rượu bắt đầu huỷ hoại tư cách một con người từng là thầy giáo. Anh ta ở nhà chỉ biết tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, lại ra quy định: mỗi ngày ba mẹ con tôi phải đem về nộp cho anh ta 135.000 đồng, để… nhậu nhẹt, thừa ra đồng nào mấy mẹ con mới được chi tiêu. Anh ta có thể ngồi hết ngày, hết đêm ngoài quán. Ông chủ bán quán nhậu ở đầu ấp rất khốn khổ vì ông khách bất đắc dĩ này. Chồng tôi mà ra quán là chiếm luôn mấy bàn, món gì cũng gọi đem ra hết, không cho ai mua nữa, quậy phá đến nỗi ông chủ quán phải dẹp quán.

Mẹ con tôi phải làm cật lực để có phần dôi ra ngoài “mức khoán” của anh ta mà sống. Một lần tôi dành dụm được hơn trăm ngàn đồng, mua một đàn gà con về nuôi. Chồng tôi lẳng lặng không nói gì, đợi đàn gà lớn bằng vốc tay, anh ta bắt đem đi nhậu dần mỗi khi tôi đi làm vắng nhà. Nỗi sợ thường trực của mấy mẹ con là phải chịu đựng đòn roi của người chồng, người cha đã mất hết lương tâm. Anh ta đốt sách vở của mấy đứa con, không cho chúng đi học, đánh đập tôi thâm tím mặt mũi, đòi đuổi tôi về Bắc “để tao lấy vợ khác”. Đi chặt mía ban ngày khổ cực, đói khát, đêm về tôi còn bị anh ta bắt phải… hát ru cho ngủ. Tôi không hát được dân ca ba miền theo “lệnh truyền” thì anh ta vùng dậy đánh đập tôi túi bụi, chửi rằng: “Mày hát thế, bố mày ngủ được à?”. Sợ tôi bị đánh nhiều quá sinh bệnh, mấy đứa con bảo tôi qua ở nhờ nhà tập thể. Anh ta ở nhà một mình, bán hết ba chiếc xe đạp và một chiếc xe máy cà khổ, lấy tiền nhậu. Sau bóc cả ván thưng vách nhà, mái tôn đem bán. Tôi về dựng lại ngôi nhà tranh để giữ đất, anh ta cũng đốt luôn.

Không thể nín nhịn mãi, tôi bảo: “Tôi cho anh ba năm để sửa mình, nếu còn tiếp tục nữa thì tôi ly dị”. Đó là năm 1996. Anh ta nổi khùng lên đánh tôi một trận, rồi hốt đống phân người ngoài vườn vào ra lệnh: “Mày không ăn, tao đánh chết!”...

Tôi quyết định làm đơn xin ly hôn. Bắt đầu là việc ly thân với người chồng vũ phu. Mấy mẹ con tôi bỏ việc ở nông trường, không phục dịch cho anh ta nữa. Tôi nấu rượu, nuôi heo, gà, vỡ đất trồng mì, mía. Chỉ một thời gian sau, tôi lại gom góp được tiền, vàng, kịp mua lại nhà đất của mình sau khi anh ta đem bán để lấy 20 triệu đồng. Đứa con gái lớn của tôi đã xin được việc làm dưới thành phố, đã phụ được mẹ ít nhiều nuôi em. Chồng tôi lang thang theo nhóm người đi xẻ gỗ, buôn trâu bò và làm cả những việc bậy bạ khác. Anh ta còn tìm xuống thành phố, gạt con gái là để cha xin cho chỗ khác tiền lương cao hơn, rồi lấy giấy chứng minh nhân dân của nó mang đi, hẹn ngày đến đón. Linh tính mách bảo điều không hay, tôi tìm xuống đúng ngày anh ta hẹn đến đón con tôi đưa đi. Hoá ra, anh ta tính bán con tôi cho “nhà chứa”, đã ứng trước một triệu đồng và đã đem giấy chứng minh nhân dân cho khách hàng coi người. Tôi đã phải liều chết xông vào đánh lộn với anh ta để cướp lại giấy chứng minh nhân dân cho con gái.

(ảnh minh hoạ)

Sau ba năm gửi đơn, tôi mới được toà xử cho ly hôn và thoát khỏi anh ta. Trước khi ly hôn, tôi đã phải cắn răng bán đi miếng đất thổ cư để trả các khoản nợ anh ta để lại, gồm hơn 20 triệu đồng và 11 chỉ vàng 24K. Tôi phải gặp từng chủ nợ, đề nghị họ ký vào giấy thanh toán nợ, để nộp lên toà án. Thoát được anh ta, bấy nhiêu tiền của, mẹ con tôi không tiếc.

Thoát!

Cuộc chia tay với người chồng “ác quỷ” đã giải thoát cho chị T. khỏi cuộc sống chẳng khác gì “địa ngục trần gian”. Bây giờ thì mấy mẹ con chị đã khá hơn. Cô con gái lớn đi lấy chồng, cậu con trai thứ hai vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà cưới vợ. Cậu út cũng đã lớn, trở thành lao động chính của gia đình. Chị T. và các con đã xây được ngôi nhà gạch rộng rãi. Mấy mẫu đất quanh nhà hết trồng mía lại trồng mì. Bà con trong ấp nói chị T. là một điển hình về tấm gương “người nghèo vượt khó”. Chị thì nói hồi nào tới giờ chị vẫn luôn chịu khó, chỉ tại gặp ông chồng chẳng ra gì mới không cất đầu lên nổi. Tôi hỏi chị có biết tin tức gì về anh chồng “tội nợ” cũ không? Chị lắc đầu: “Hắn bỏ đi lâu rồi. Hôm toà gọi về xử ly hôn, hắn cũng không về. Đã bị ma rượu ám rồi thì chẳng còn là người nữa. Có sống với ai cũng khổ người ta mà thôi”.

P.Q