Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lấy ý kiến hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hoạt động
Thứ năm: 13:16 ngày 29/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh trong thực hiện kế hoạch phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Tây Ninh hội nhập và phát triển” giai đoạn 2021 - 2025.

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp trong KCN Phước Đông (ảnh minh hoạ).

Đây là phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thi đua sôi nổi trong doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp đề ra những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra hàng năm.  

Mục đích của phong trào thi đua là nâng cao vai trò của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng dịch vụ công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh, tạo điều thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực về vốn, lao động, đất đai, nguyên vật liệu, các thông tin, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh.

Đẩy mạnh chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, tạo được niềm tin trong doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần thi đua yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ, tính sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để khởi nghiệp, tiếp tục phát triển, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua thiết thực, lấy ý kiến hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hoạt động. Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong các doanh nghiệp, trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nội dung phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lành mạnh, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một số nội dung thi đua chính như: Thi đua đảm bảo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; vận động, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đảm bảo thời gian giải quyết sớm hơn hạn định.

Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp nhận đầy đủ những kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động.

Sản xuất bánh tráng xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Hoà Thành (ảnh minh hoạ)

Thi đua thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả “Ba đồng hành, Năm hỗ trợ” đối với doanh nghiệp, cụ thể: Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đề án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Tây Ninh; các chương trình trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ, chính xác các nguồn lực và cơ hội đầu tư để phát triển; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Phấn đấu đạt tỉ lệ lao động qua đào tạo theo kế hoạch đề ra hàng năm của tỉnh…

Về phía doanh nghiệp sẽ thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp; tăng doanh thu, lợi nhuận; đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hoá, sắp xếp đối mới doanh nghiệp Nhà nước theo quy định.

Thi đua cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Thi đua xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, tạo nhiều sản phẩm thay thế nhập khẩu, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng và giữ gìn văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng.

Thi đua tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và quốc tế, xây dựng và giữ uy tín của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Thi đua đảm bảo an toàn lao động; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao.

Thi đua thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn lao động... Chung tay, góp sức vì cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội, có nhiều việc làm thiết thực trong tham gia phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Sản xuất kinh doanh giỏi”, phong trào “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”; đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh hàng năm.

Thi đua thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn, chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ trên các nền tảng số...

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục