Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đề xuất đối tượng bệnh nhân nghèo hoặc bệnh nhân gặp khó khăn khi chạy thận nhân tạo tại cơ sở y tế ngoài công lập được đưa vào chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh
Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nhằm chia sẻ với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh hoạ
Khoản 2, Điều 2 của Quyết định 46/2015/QĐ-UBND quy định đối tượng: “Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049 của Thủ tướng Chính phủ”.
Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ được thay thế bởi Quyết định số 1010/QĐ-TTg về ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, theo đó, tỉnh Tây Ninh chỉ có xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Tuy nhiên, thời gian qua, xã Hoà Hiệp đã đạt chuẩn nông thôn mới, đang chuẩn bị lên xã nông thôn mới nâng cao nên không đề xuất người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã này vào chính sách hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại, nhưng vẫn được hỗ trợ khi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ gặp khó khăn.
Gỡ khó để tiếp tục hỗ trợ
Theo Sở Y tế, việc triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại Quyết định 46 của UBND tỉnh quy định, quỹ hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh vào điều trị cơ sở y tế công lập, còn điều trị ở cơ sở ngoài công lập thì không được hỗ trợ, đặc biệt là bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo ở cơ sở y tế ngoài công lập do cơ sở y tế công lập thiếu máy chạy thận nhân tạo.
Trước đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số bệnh viện công lập chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19, bệnh nhân chạy thận nhân tạo không bị nhiễm Covid-19 được chuyển sang các bệnh viện ngoài công lập điều trị. Đến nay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, vẫn có số lượng lớn bệnh nhân theo điều trị tại các các bệnh viện ngoài công lập. Như vậy, cần đề xuất đối tượng bệnh nhân nghèo hoặc bệnh nhân gặp khó khăn khi chạy thận nhân tạo tại cơ sở y tế ngoài công lập được đưa vào chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Cũng theo ngành Y tế, căn cứ các quy định (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021), kể từ 1.1.2024, địa phương không cấp kinh phí hoạt động (chi quản lý Quỹ và chi hỗ trợ cho các đối tượng) cho quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Do đó, kể từ ngày 1.1.2024, để sử dụng ngân sách Nhà nước tiếp tục chi hỗ trợ cho các đối tượng trong Quyết định 46/2015/QĐ-UBND và đối tượng bệnh nhân nghèo khi chạy thận nhân tạo tại cơ sở y tế ngoài công lập, địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đối tượng này.
Dự kiến hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh ngoài khu vực công
Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chuẩn bị ban hành bao gồm các đối tượng trong Quyết định 46 và đối tượng bệnh nhân nghèo khi chạy thận nhân tạo tại cơ sở y tế ngoài công lập, trừ đối tượng tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định 46/2015/QĐ-UBND.
Dự kiến, nghị quyết này được áp dụng cho các đối tượng là công dân có nơi thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn Trung ương; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim, hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí khi vào điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước.
Người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, hoặc người gặp khó khăn khi chạy thận nhân tạo do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí vào điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân.
Đối với các trường hợp người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn Trung ương sẽ hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức hỗ trợ là 3% mức lương cơ sở/người bệnh/ngày.
Đồng thời hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện và ngược lại, chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Đối với các trường hợp khác, hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim, hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí khi vào điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước và người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, hoặc người gặp khó khăn khi chạy thận nhân tạo do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí vào điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Cụ thể:
Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế: Hỗ trợ 30% phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà người bệnh phải chi trả vượt khung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế cho cơ sở y tế, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/người/lần hỗ trợ.
Đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế: Hỗ trợ 25% phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế từ 1.000.000 đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/người/lần hỗ trợ.
Nội dung các mức chi, hỗ trợ trên đang được ngành Y tế lấy ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết.
Đức An
Từ năm 2016 đến năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 8.000 lượt bệnh nhân với số tiền hơn 26 tỷ đồng, giúp người nghèo trong tỉnh vượt qua khó khăn bệnh tật. Tuy nhiên, căn cứ các quy định (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021), kể từ 1.1.2024, địa phương không cấp kinh phí hoạt động (chi quản lý Quỹ và chi hỗ trợ cho các đối tượng) cho quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước.