Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lễ ăn trâu (Ting Ka Kpô), hay còn gọi là lễ đâm trâu, là phong tục rất phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn. Người Xơ Đăng ở vùng núi Quảng Nam đến nay vẫn duy trì lễ hội mang đậm nét văn hoá độc đáo này.
Lễ ăn trâu (Ting Ka Kpô), hay còn gọi là lễ đâm trâu, là phong tục rất phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn. Người Xơ Đăng ở vùng núi Quảng Nam đến nay vẫn duy trì lễ hội mang đậm nét văn hoá độc đáo này. Tuy nhiên, đằng sau lễ hội vẫn còn nhiều điều suy ngẫm…
Lễ ăn trâu của người Xơ Đăng có từ lâu đời, là lễ cúng thần linh bằng thịt và máu của con trâu, tạ ơn thần ban mùa màng bội thu, xua đuổi bệnh tật, đem lại sự may mắn cho người thân trong gia đình và dân bản. Trong thời gian diễn ra lễ hội, tất cả bà con dân tộc Xơ Đăng trong làng đều đến vui chơi, ca hát và ăn uống trong mấy ngày liền.
Chuyện của đại ngàn
Lễ ăn trâu là sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, thu hút mọi tầng lớp dân làng Xơ Ðăng, nói lên trọn vẹn ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Điều đó được thể hiện qua bài hát cúng trong lễ: “Hỡi dân làng/ Ta hãy vào hội làng làm lễ Ăn trâu/ Nào các chàng trai/ Ta lên rừng chặt cây/ Nào các cô gái/ Ta lên núi bứt dây/ Cả làng góp sức chung tay/ Ra công ta dựng cây Kang (cây nêu) tuyệt vời”.
Không chỉ kêu gọi chàng trai, cô gái, mà trong lễ ăn trâu, cả các nàng tiên và ông trăng cũng được gọi về tham gia lễ: “Chiêng ơi, trống hỡi/ Hãy vang lên chín tầng mây biếc/ Hãy rền xa đến chân trời xanh/ Cho ông trăng xuống nhanh cùng dân làng uống rượu/ Cho nàng tiên dưới biển cùng tề tựu ăn trâu/ Tiết trâu đã xoa lên đầu/ Cầu cho dân làng sống lâu mạnh khỏe/ Hồn trâu đã ghé khắp nơi/ Cầu cho đầy chòi lúa ngô...”.
Riêng ca từ bài hát cũng đủ cho thấy đây là lễ hội tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, múa hát, cồng chiêng, nghệ thuật tạo hình..., gắn bó chặt chẽ với vòng đời con người và quy trình sản xuất theo mùa vụ. Ngoài việc mang bản sắc văn hoá truyền thống, lễ ăn trâu còn là môi trường quan trọng tạo ra sự gắn kết cộng đồng về mọi mặt trong đời sống của dân tộc Xơ Đăng.
Cần bỏ những tục lạc hậu
Không như các dân tộc khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, người Xơ Đăng hiện ăn trâu không còn mang tính cộng đồng như trước (Cả làng đâm trâu hiến sinh nhân dịp chiến thắng kẻ thù, mừng nhà rông mới, mừng mùa màng bội thu). Giờ đây, mỗi gia đình trong làng tự đứng ra tổ chức. Đây là nét khác biệt rất lớn của người Xơ Đăng đối với các dân tộc khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên.
Ông Phạm Khắc Hê, người đứng ra tổ chức lễ ăn trâu tại nóc Măng Tông (thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cho biết: Người Xơ Đăng có nhiều lý do để ăn trâu, lần này gia đình ông ăn trâu để cầu xin thần linh ban sự yên lành, may mắn và sức khỏe. Măng Tông là một trong những nóc nghèo nhất xã, có 7 hộ gia đình với gần 40 nhân khẩu sinh sống. Từ năm 1999 đến nay, đã có 6 lượt gia đình làm lễ ăn trâu. Mỗi lần làm một lễ ăn trâu rất tốn kém. Gia đình phải chuẩn bị trâu khỏe mạnh, rượu cần, heo, gà, vịt, lúa… đủ để đãi người dân trong bản, trong nóc và các nóc khác đến dự lễ. Năm nay, từ trước lễ vài tháng, gia đình ông Phạm Khắc Hê đã chuẩn bị con trâu trị giá gần 20 triệu đồng, cùng 27 ché rượu cao bằng con nai rừng, mấy gùi nếp thơm và cả heo, gà, vịt... Ước tính tất cả hơn 25 triệu đồng. Ông Phạm Khắc He (anh ruột của ông Phạm Khắc Hê) cho biết, cách đây 3 năm, gia đình Hê cũng đã làm lễ ăn trâu và đến nay vẫn chưa trả nợ xong. Tuy nhiên, theo tập tục ở nóc và lời nguyền với thần linh nên vẫn phải tiếp tục ăn trâu.
Điều đáng nói là hiện người Xơ Đăng còn giữ những hũ tục như trước khi đâm trâu, các thành viên trong gia đình thay nhau nhổ nước bọt vào hậu môn con trâu để xua đuổi tà ma, bệnh tật. Bên cạnh đó, sau khi đâm chết, trâu được mổ ra, máu ứ trong tim của trâu và gan trâu được gia chủ lấy bôi lên tóc và khắp người các thành viên trong gia đình. Phần còn lại đem rải quanh nhà để cúng thần linh.
K.D (st)