Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lễ cúng bến nước là một tập tục của đồng bào Ê đê được tổ chức hàng năm vào sau mùa rẫy, với mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng thuận lợi cho năm sau, cũng như mang lại sức khoẻ cho người dân trong buôn, làng.
Để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước, từ nhiều ngày trước, già làng, trưởng buôn đã thông báo, họp bàn với dân làng về công tác tổ chức. Đúng ngày, bà con trong buôn tập trung tại nhà già làng, mọi người cùng đóng góp sức người, sức của cho lễ cúng.
Các lễ vật không thể thiếu là một con heo và các ché rượu cần. Sau đó, bà con cùng đưa lễ vật ra bến nước trong buôn thực hiện lễ cúng. Đi đầu là thầy cúng, tay cầm một tô tiết heo có pha rượu. Theo sau, già làng cùng các chàng trai khoẻ mạnh trong trang phục truyền thống bưng theo lễ vật. Người già, các cô gái cũng nối nhau ra bến nước làm lễ tạ ơn.
Tại bến nước, sau khi bày lễ vật ra, thầy cúng đọc lời khấn với ý nghĩa cầu mong nguồn nước trong lành, dồi dào, mọi người trong buôn khoẻ mạnh, no đủ.
Thầy cúng khấn xong, chàng trai khoẻ mạnh tay cầm khiên, đao phóng xuống dòng nước, hoá thân hiệp sĩ đánh đuổi ma rừng, bảo vệ nguồn nước trong lành.
Và khi tiến hành lễ cúng, thầy cúng dùng rượu pha tiết heo đổ vào các máng nước đang chảy, coi mỗi máng nước là một vị thần giữ nước.
Sau đó thầy cúng lại cúng các bến nước. Rồi cúng tiếp gốc cây đa cổng bến nước, gửi gắm vào thân cây để giữ gìn nguồn nước sạch, giữ khu rừng già xanh tốt mãi mãi để nguồn nước buôn làng không bao giờ ngừng chảy.
“Sau lễ cúng, trong ba ngày, người dân không được xuống nước cũng như có hành động làm ảnh hưởng đến nguồn nước, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng”, chủ bến nước A Míp cho biết.
Từ bến nước trở lại nhà già làng là lúc cả buôn làng tập trung để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã.
Lễ cúng bến nước ngoài ý nghĩa tâm linh, còn có ý nghĩa giáo dục mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.
Nguồn: langvietonline.vn