BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ cúng lúa mới của đồng bào Khmer 

Cập nhật ngày: 06/01/2024 - 15:26

BTN - Ngày nay, đồng bào Khmer sống bằng nghề nông vẫn còn giữ lễ cúng lúa mới. Lễ không có ngày cố định, thường được chọn vào thời điểm bà con đã thu hoạch xong vụ lúa Mùa ngoài đồng, phơi lúa khô ráo, cất vào nhà dự trữ cho cả năm.

Tại sân lễ, bà con bài trí cây trái đủ loại với mong ước về một cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Năm nay, lễ cúng lúa mới của hơn 70 hộ đồng bào Khmer ấp Tân Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) diễn ra vào ngày 18.11 âm lịch. Theo ông Mông Nhênh- người có uy tín của đồng bào dân tộc Khmer ấp Tân Trung: “Đây là nghi lễ tạ ơn các vị thần Nông, thần Mưa, thần Nắng đã phù hộ cho bà con nông dân có một vụ mùa bội thu”.

Nhiều năm nay, nhà của vợ chồng chị Cao Thị Phuônl trở thành điểm tổ chức lễ cúng lúa mới của bà con trong ấp. Từ sáng sớm ngày 18.11 âm lịch, đông đủ bà con trong xóm tề tựu về cùng sửa soạn nghi lễ cúng lúa. Phía sân trước, các chú các anh dọn dẹp nơi để lúa, dựng rạp, đi dây điện, trang trí hoa lá. Phía sau nhà, các cô, các chị bận rộn nấu ăn, chuẩn bị bữa cơm dâng cúng thổ thần, thiên địa và thết đãi mọi người.

“Ngoài nấu mâm cơm cúng cho các vị thần linh, bà con còn mang lúa đến cúng. Tuỳ khả năng mỗi gia đình. Lúa này sau khi làm lễ xong, ngày hôm sau chúng tôi sẽ xin ý kiến của sư Cả ở chùa Khedol, mang lúa vào dâng cho chùa hoặc sẽ bán lấy tiền góp vào quỹ của chùa để các sư lo việc cúng bái”- ông Mông Nhênh nói.

Những bông lúa thu hoạch năm nay được dâng cúng và sẽ là hạt giống cho vụ tiếp theo.

Lúa giống và chiếc liềm - hai món gắn bó mật thiết với nhà nông.

Mỗi nhà mang một bao lúa đến cúng.

Những vị cao niên sẽ đảm nhiệm việc cúng bái.

Bà Cao Thị Pu thực hiện nghi thức cột chỉ đỏ vào những bông lúa giống.

Lúa, gạo được dâng cúng tại bàn thờ Phật.

Những cánh hoa tươi và kẹo trộn lẫn vào nhau sẽ được tung lên trong lễ cúng với lời cầu chúc may mắn đến với người dân.

Sau phần cúng lễ, bà con quây quần cùng ăn cơm gạo mới thu hoạch.

Ngọc Diêu