Theo tục lệ của người Chăm hồi giáo Bà Ni ở Bình Thuận, sau khi kết thúc lễ mai táng, gia đình người quá cố tiếp tục làm lễ cúng Tuần (tiếng Chăm gọi là Phathi) ở nhà trong 3 ngày.
Theo tục lệ của người Chăm hồi giáo Bà Ni ở Bình Thuận, sau khi kết thúc lễ mai táng, gia đình người quá cố tiếp tục làm lễ cúng Tuần (tiếng Chăm gọi là Phathi) ở nhà trong 3 ngày.
Ngày đầu gọi là “Dấu Van”, ngày thứ hai “Tak Ku Bâu Yâu” ( lễ giết trâu), ngày thứ ba “Pố Non” (lễ tiễn đưa). Vật phẩm trong lễ cúng Tuần gồm một cặp trâu, một tấn gạo, cá, trầu cau, đường…
Các nghi lễ cúng Tuần hầu hết sẽ do thầy Cả điều khiển, đọc kinh cùng với các tăng lữ. Những người trong làng đến tham dự sẽ giúp gia đình dựng “chànk” (nhà lều) để làm lễ. Ngay sau lễ mai táng vào buổi sáng, vào tầm 4 - 5 giờ chiều, gia đình sẽ tiến hành làm lễ Dấu Van với những lễ vật rất đơn sơ, chỉ có cơm với thịt gà.
Đoàn người dân tộc Chăm Bà Ni ở xã Phan Rí – Thành, tỉnh Bình Thuận đi viếng mộ. |
Thành kính tưởng nhớ người thân bên những nấm mộ (mộ của người Chăm Bà Ni không đắp cao và cũng không xây cất, chỉ để hai đầu mộ hai hòn đá). |
Thành kính tưởng nhớ người thân bên những nấm mộ. |
Qua ngày mai tiếp tục diễn ra lễ giết trâu. Người ta đào hai cái hố sâu khoảng 40-50cm trước cổng nhà gia chủ, quật ngã trâu, dùng gậy cột bốn chân con trâu rồi kéo đến hố đã được đào sẵn, mỗi hố một con. Lễ vật dùng cho lễ giết trâu chia làm hai mâm gồm có gươm, một bó nhánh cây, một hũ nước. Khi làm lễ đọc kinh xong, các vị tăng lữ tiến đến hố đã được đặt trâu, mỗi ông cầm gươm và một nhánh cây, đọc vài câu kinh rồi bắt đầu giết trâu. Kết thúc phần nghi lễ, thịt trâu được gia đình đem thết đãi người dân trong làng. Đối với những nhà điều kiện kinh tế khó khăn, người ta làm cá thay thế.
Lễ Pố Non còn được gọi là lễ tiễn đưa linh hồn người quá cố. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, tất cả tăng lữ đã được mời đến đọc kinh dưới sự điều khiển của thầy Cả. Trong lúc đó những người thân đều phải vào nhà lễ “chànk” để lạy và cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ. Người ta đặt trước mặt nhà lễ áo quần, vải vóc của người thân xếp cao 1 mét bên cạnh một hàng giỏ đựng trái cây, bánh kẹo… Tất cả những lễ vật trên nhằm mục đích gửi về cho các linh hồn người đã khuất. Trong lễ tiễn đưa này, người thân có quan hệ là con, là anh, hoặc là người cậu của người quá cố, đã qua lễ “akrắk” (người được chứng nhận thuộc kinh Coran) sẽ xướng vài đoạn kinh dâng thánh Alla, cầu xin linh hồn người quá cố được siêu thoát. Sau lời kinh nguyện, các vị tăng lữ dẫn đầu đoàn đưa tiễn, vừa đi vừa đọc kinh, tiếp đến là thân nhân, họ hàng. Đoàn mang lễ vật đưa tiễn đến ngã tư đường, tăng lữ cho đoàn ngừng làm lễ đọc kinh để chấm dứt lễ.
Hai ngày sau lễ cúng Tuần, thân nhân của người quá cố đi đến một con sông tìm hai hòn đá tròn nặng khoảng 20-50kg, đồng thời mời tăng lữ đến làm phép đặt đá ở hai đầu mộ. Đây là phong tục từ xa xưa với ý nghĩa bảo vệ thân xác của người đã khuất vì họ sợ những con thú dữ tìm đến bới xác người chết. Tùy theo người chết là già hoặc trẻ mà có hòn đá khác nhau, người chết càng già thì đá càng lớn. Mộ của người Chăm Bà Ni không đắp cao và cũng không xây cất, chỉ để hai đầu mộ hai hòn đá. Nghĩa trang của người Chăm Hồi giáo Bà Ni phần lớn nằm ở động cát ven biển.
Lễ cúng Tuần là một trong những lễ nghi của cộng đồng người Chăm Bà Ni còn giữ được những đặc trưng riêng trong đời sống sinh hoạt của đạo Hồi, góp phần đa dạng bức tranh văn hoá đầy màu sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
K.D (st)