Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng đầu tiên ở Moscow vào ngày 24-6-1945, tất cả những người tham gia và khán giả đều bị ướt do mưa lớn, những biểu tượng của Đức quốc xã bị ném xuống chân Lăng Lenin và khí tài quân sự của Mỹ được đưa qua Quảng trường Đỏ.
Ý tưởng tổ chức một cuộc diễu hành đặc biệt dành cho người chiến thắng ở Moscow, trong đó đại diện của tất cả các mặt trận và quân chủng tham gia Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, lần đầu tiên được ông Joseph Stalin nêu ra tại một bữa tối tại Điện Kremlin ngày 15-5-1945. Chỉ một tuần sau đó, Bộ Tổng Tham mưu Hồng quân trình kế hoạch duyệt binh Ngày Chiến thắng và yêu cầu có 2 tháng để chuẩn bị. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tối cao chỉ cho thời hạn 1 tháng.
Nguyên soái Georgy Zhukov tham gia Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng Phát xít lần đầu tiên. Ảnh: Rian
Ban đầu, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin từ chối đích thân xem Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng với lý do tuổi tác. Lễ duyệt binh sẽ được Nguyên soái Georgy Zhukov giám sát và Nguyên soái Konstantin Rokossovsky chỉ huy. Theo hồi ký của Nguyên soái Georgy Zhukov, lý do thực sự là ông Joseph Stalin đã không học cưỡi ngựa kịp thời và từng suýt bị thương nặng khi ngã khỏi một con ngựa giống thuần chủng trong quá trình huấn luyện.
Để tham gia cuộc duyệt binh, các trung đoàn liên hợp được rút ra từ 10 mặt trận và 1 trung đoàn hải quân liên hợp đã được thành lập. Tổng cộng có 2.809 sĩ quan, trong đó có 249 tướng lĩnh, 31.115 trung sĩ và binh sĩ, cũng như 1.400 nhạc sĩ trong dàn nhạc quân sự tổng hợp đã tham gia vào cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng lớn nhất từ trước tới nay.
Trung sĩ cận vệ Aleksandr Popov nhớ lại: “Mỗi người chúng tôi đều có những cảm xúc lẫn lộn trong lòng. Chúng tôi không thể không nghĩ đến những mất mát to lớn mà đất nước đã gánh chịu trong chiến tranh, sự vất vả của người dân ở hậu phương. Nhiều người dân ở hậu phương đã không đủ ăn, đã phải cống hiến hết mình, tất cả vì lợi ích phía trước. Khi tham gia cuộc duyệt binh, tôi nghĩ rằng, nếu bố tôi còn sống, ít nhất ông cũng sẽ tự hào về con trai mình”.
Các đơn vị Hồng quân tham gia duyệt binh. Ảnh: Rian
Những người lọt vào danh sách tham gia duyệt binh phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định: Họ phải cao (theo tiêu chuẩn thời đó) và dưới 30 tuổi; thể hiện lòng dũng cảm và tinh thần anh hùng trong trận chiến. Aleksei Kudryavtsev, sĩ quan cấp I của hạm đội Dnieper nhớ lại: “Yêu cầu đưa ra những người có chiều cao ít nhất 174cm. Tôi cao 173cm, nhưng vẫn được tham gia. Ngoài ra, tiêu chuẩn tham gia còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Ví dụ, tôi có một huy chương và thành tích phục vụ khá tốt và đã chấp hành kỷ luật tốt trong thời gian phục vụ”.
Người nước ngoài cũng tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng. Những người lính Quân đội Ba Lan, những người đã chiến đấu từ miền Đông Belarus đến Berlin cùng với Hồng quân. Họ được đi theo một hàng riêng. Vị tướng nước ngoài duy nhất được coi là xứng đáng chỉ huy một trong các Trung đoàn Hồng quân tổng hợp trong cuộc duyệt binh với các chỉ huy Liên Xô là Trung tướng người Bulgaria, Vladimir Stoychev.
Tham gia duyệt binh, các binh sĩ phải mang theo biểu tượng Chiến thắng được treo trên nóc tòa nhà Reichstag (Quốc hội Đức quốc xã). Những chiến sĩ đã thực hiện công việc đó trong chiến dịch giải phóng Berlin là Stepan Neustroev, Meliton Kantaria, Mikhail Yegorov và Alexei Berest được mời đến Moscow để tham gia các hoạt động. Tuy nhiên, do thương tích, họ đã không thể tham gia duyệt binh như kế hoạch. Vì việc thay đổi người cầm cờ sẽ là điều nực cười nên ý tưởng này đã bị từ bỏ, biểu tượng Chiến thắng được chuyển đến viện bảo tàng và các quân nhân có danh hiệu “Anh hùng Liên Xô” được bố trí ngồi ở trên khán đài giữa những vị khách danh dự.
Các biểu tượng của quân đội phát xít Đức bị ném dưới chân Lăng Lenin. Ảnh: Rian
Đã có hàng trăm lá cờ hiệu của các đơn vị Hồng quân Liên Xô và 200 cờ hiệu của quân đội phát xít Đức đã được sử dụng trong duyệt binh. “Khi khối duyệt binh cuối cùng đi qua Lăng, nhạc nghi lễ được thay thế bằng tiếng trống và theo đó một đoàn quân ý tiến về phía trước. Đó là những người lính Liên Xô đang mang theo các lá cờ của quân đội phát xít bị nghiền nát, hạ xuống đất. Họ đã ném các biểu ngữ của kẻ thù xuống chân Lăng Lenin”, Trung úy Cận vệ số 2 Arkady Zakharov nhớ lại. Sau cuộc duyệt binh, những chiến lợi phẩm trên được gửi đến một viện bảo tàng và các đôi găng tay những người lính dùng để mang chúng bị đốt cháy.
Tổng cộng có 1.850 khí tài quân sự đã tham gia vào cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng lần đầu tiên, bao gồm xe tăng T-34 huyền thoại, pháo phản lực Katyusha và xe tăng hạng nặng IS-2. Thiết bị quân sự của quân đồng minh cung cấp cho Liên Xô cũng không bị lãng quên. Xe tải Dodge và Studebaker của Quân đội Mỹ cũng như xe chỉ huy Willys đã đi dọc Quảng trường Đỏ. Chúng sau này được sử dụng trong nhiều cuộc duyệt binh sau đó.
Các phương tiện chiến đấu tham gia duyệt binh. Ảnh: Rian
Một điều đáng chú ý trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng lần đầu tiên chính là những cơn mưa lớn tại Moscow. Nó khiến các sự kiện ngoài trời bị hủy bỏ. “Thật buồn khi đài phát thanh thông báo lễ diễu hành đã bị hoãn lại vì trời mưa. Trong chiếc áo khoác nặng nề, ướt sũng, đôi chân ướt sũng và nhiều người bị cảm lạnh, mọi người trong đám đông vẫn thất vọng khi phải giải tán và trở về nhà hoặc đi thăm bạn bè”, Nina Pokrovskaya, một công nhân có mặt tại Moscow chia sẻ và cho biết đồng phục của Nguyên soái Rokossovsky ướt sũng và khi nó khô lại đã khiến ông không thể cởi nó ra được. Sĩ quan tùy tùng đã phải cắt chỉ để tháo bộ quần áo ra và khâu lại sau đó.
Sau năm 1945, các lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng rất ít được tổ chức dưới thời Liên Xô và chỉ giới hạn trong các mốc thời gian quan trọng: 1965, 1985 và 1990. Tuy nhiên, Liên bang Nga đã chuyển hoạt động này thành sự kiện thường niên từ năm 1995.
Nguồn qdnd.vn