Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội Ca-xơ-re của người Ca Dong

Cập nhật ngày: 03/02/2012 - 12:31

Vào khoảng tháng Chạp, tháng Giêng âm lịch hằng năm, khi tiết trời miền Tây Quảng Ngãi bắt đầu chuyển mùa, mưa dịu hạt, nước trên các dòng sông suối trở lại hiền hoà, đôi bờ hoa lau, hoa đót nở trắng xóa, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về thì cũng là lúc người Ca Dong tổ chức lễ hội Ca-xơ-re.

Thời gian tổ chức lễ hội được diễn ra trong những ngày mà theo cách tính của tộc người Ca Dong là Khê-ning-nơn (khoảng tháng Chạp, đầu tháng Giêng âm lịch hằng năm). Lễ hội thường kéo dài 3 ngày. Các buôn làng không đồng loạt tổ chức mà diễn ra hết làng này đến làng khác, kéo dài suốt những ngày Khê-ning-nơn. Một tuần trước khi tổ chức, gia đình làm mâm lễ (gồm gà, cơm nếp, rượu cần, trầu cau, chuối...) để xin phép và thông báo với thần linh về việc tổ chức lễ hội. Cũng trong thời gian này, thanh niên trai tráng khỏe mạnh vào rừng tìm cây lồ ô to, cao, thẳng về làm cây Nêu; tìm cây gỗ cứng làm cột đâm trâu; phụ nữ và đám con gái giã gạo nếp, đi hái lá đót về gói bánh A-co-tin (bánh Thiêng).

Khi cây Nêu được dựng lên giữa buôn làng thì cũng là lúc lễ hội Ca-xơ-re bắt đầu. Cây Nêu của người Ca Dong được trang trí bằng những hình tượng gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống thường ngày của họ. Màu đỏ trên thân cây Nêu là màu chủ đạo, thể hiện mong ước của dân làng về sự no đủ. Con trâu mộng cũng được buộc sẵn vào gốc cây Nêu giữa sân làng sẵn sàng làm lễ hiến tế thần linh.

Đêm trước ngày diễn ra lễ hội, khi gà rừng đồng loạt cất tiếng gáy vang vọng khắp cả núi rừng cũng là lúc dân làng thức giấc để cùng nhau chuẩn bị lễ vật. Khi ánh nắng ban mai vượt qua đỉnh núi phía Đông lễ vật được mang ra, đặt trang trọng cạnh cây Nêu giữa sân làng để cúng Thần linh. Sau đó, lễ hiến tế trâu bắt đầu, dàn nhạc cồng chiêng của trai làng nổi lên, dân làng thành kính mời thần linh về dự; cầu mong thần linh giúp dân làng làm được cái rẫy lúa nhiều hạt, nuôi con trâu mập, cuộc sống bình yên, no đủ. Sau đó, cả buôn làng vào hội. Sáng sớm ngày thứ 2, dân làng lại mang lễ vật đặt ở đầu máng nước dẫn về làng để cúng tạ ơn thần Vóc-mong vì đã giữ cho nguồn nước luôn dồi dào, để dân làng có cuộc sống bình yên.

Lễ hội Ca-xơ-re cũng là dịp để trai, gái trong làng thể hiện tài năng biểu diễn Cồng chiêng, đánh đàn Klong-vút, hát đối đáp Ra-nghế, hát ngẫu hứng Vơ-lek. Đây là phong tục, tập quán tốt đẹp của tộc người Ca Dong luôn được thế hệ con cháu muôn đời trân trọng giữ gìn, phát huy.

K.D (st)