Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội Cầu ngư và khát vọng giữ biển

Cập nhật ngày: 20/05/2014 - 06:27

2014-140-4-a1.jpg

Nghi lễ trong Lễ hội Cầu ngư Sầm Sơn

Các tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Thanh ghi nhận, trước đây thường có 4 làng trong xã Lương Niệm tham gia. Lễ hội thường được tổ chức ở Cửa Hới, nơi dòng sông Mã từ ngọn nguồn non cao đổ về gặp biển. Có năm ngư dân Sầm Sơn còn tổ chức đua bè mảng từ mũi gầm (hòn Cổ Dải) đến bến xứ (thuộc địa phận phường Quảng Tiến) với tổng chiều dài hơn 3km.

Người dân 4 làng tổ chức đua thuyền để tỏ lòng tôn kính vị thần Biển, thần Mặt Trăng, thần Độc Cước đã phù hộ, che chở cho cuộc sống của họ gắn với nghề đi biển. Trong ngày hội đua thuyền, các làng rước kiệu thần của làng mình xuống thuyền, mỗi thuyền một kiệu rồi xuôi thuyền ra giữa dòng sông tế lễ.

Khi nghi thức đã xong thì cuộc đua chính thức bắt đầu. Mỗi thuyền đua có 16 tay chèo ăn vận đồng phục (mỗi thuyền có màu sắc riêng), đầu chiết khăn mỏ rìu, lưng thắt khăn màu đỏ, gồm một người chỉ huy, còn lại là các tay bơi trai tráng nhanh nhẹn, thông thạo luồng lạch.

Hiệu lệnh phát ra, các thuyền đua lướt tới, mỗi thuyền phải bơi đủ bốn lượt (2 lượt đi đi, 2 lượt về), thuyền nào về đích trước sẽ thắng cuộc và nhận phần thưởng là mấy vuông lụa, vài vò rượu và một ít tiền.

Giải thưởng tuy không lớn nhưng theo quan niệm thì làng nào giành giải thì năm đó sẽ được thần phù hộ cho làm ăn phát đạt. Sau khi nhận giải thưởng thì làng đem lễ vật đến đền tạ thần rồi chia thưởng cho mọi người, mỗi người được một miếng lụa nhỏ, một hớp rượu để lấy phước lộc cho cả năm.

Còn một giả thiết lịch sử khác của làng nói rằng: Cách đây hơn 700 năm (khoảng thế kỷ XIII), tại Cửa Hới, dưới sự lãnh đạo của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Kim Cương tướng quân chỉ huy nhân dân địa phương tổ chức nhiều trận huyết chiến với quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ 2.

Quân giặc bị tổn thất nặng nề, triều đình và vua tôi nhà Trần trong thời gian rút quân vào Thanh Hóa được bảo vệ an toàn. Từ đó, Kim Cương tướng quân được nhân dân trong vùng thờ phụng và lễ hội cầu ngư, bơi chải được chính quyền và nhân dân Sầm Sơn tổ chức hàng năm để tri ân công đức lớn lao của lớp cha ông đã góp công sức xây dưng quê hương, dẹp giặc ngoại xâm, giữ gìn cuộc sống yên lành cho nhân dân, mở mang bờ cõi. 

Qua nhiều thế kỷ theo thăng trầm của lịch sử, nhưng những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cầu ngư Sầm Sơn vẫn được bảo tồn và duy trì. Ngày nay, hằng năm lễ hội cầu ngư được tổ chức tại cảng Hới (phường Quảng Tiến). Các ngư dân đua tài bằng những chiếc thuyền rồng lớn hơn xưa, số tay bơi mỗi thuyền cũng nhiều hơn (từ 23 - 25 người). 

Trong lễ hội năm nay, ngoài tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thu hút sự tham gia của du khách thập phương, qua lễ hội chính quyền và bà con ngư dân còn thể hiện quyết tâm vượt mọi khó khăn vươn khơi, bám biển. 

Anh Nguyễn Gia Minh - một ngư dân thường xuyên bám biển dài ngày và cũng là một trong những thành viên đã nhiều năm tham gia đội đua thuyền tại phường Quảng Tiến tâm sự: "Chúng tôi đã hạ quyết tâm sẽ giành giải nhất năm nay.

Điều này đồng nghĩa với việc bà con ngư dân Quảng Tiến sẽ vượt mọi khó khăn, quyết tâm vươn khơi bám biển, giữ nghề tổ truyền. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, ngư dân Thanh Hóa nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung sẽ không bỏ ngư trường. Vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chúng tôi nguyện hiến dâng tất cả, một thước sóng cũng không rời!”

Theo Nguyễn Chung (Đại Đoàn Kết)