Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bên cạnh những lễ hội như Rằm tháng giêng, Tết xếp xí (rằm tháng 7), Sên bản, Sên Mường, Sên có tén…thì lễ hội Hoa ban được xem là một hoạt động văn hoá độc đáo và ý nghĩa trong đời sống sinh hoạt của vùng đất con người nơi đây.
Bên cạnh những lễ hội như Rằm tháng giêng, Tết xếp xí (rằm tháng 7), Sên bản, Sên Mường, Sên có tén…thì lễ hội Hoa ban được xem là một hoạt động văn hoá độc đáo và ý nghĩa trong đời sống sinh hoạt của vùng đất con người nơi đây.
Người Thái rất coi trọng lễ hội Hoa ban. Đồng bào nơi đây quan niệm đây là ngày lễ hội của tình yêu. Tại lễ hội này, các chàng trai, cô gái Thái bày tỏ những tình cảm và trao cho nhau những bông hoa ban trắng thể hiện tình yêu đầu trong bầu không khí vui tươi, sôi nổi của các trò chơi. Hội hái Hoa ban diễn ra sôi nổi với những trò diễn độc đáo hòa lẫn tiếng cười cùng với âm thanh của tiếng khắp, pí, trống, chiêng…Cũng trong lễ hội này, mọi người thể hiện sự cung kính với các bậc già làng trưởng bản đi trước, cầu cho mùa màng được bội thu, cầu phúc và bày tỏ đạo hiếu với ông bà, cha mẹ.
Theo truyền thuyết của người Thái kể rằng, nàng Ban là một cô gái rất xinh đẹp nhưng bị bệnh đậu mùa, nàng không lấy chồng mà lên hang Thẳm Lé (Sơn Thịnh, Văn Chấn) sinh sống. Cuối cùng nàng đã kiệt sức ở đó và nơi người con gái xinh đẹp đó nằm xuống mọc lên một cây hoa nở hoa màu trắng đẹp như như nước da của cô. Và không ít lâu sau, loài hoa đó lan ra khắp vùng núi rừng Tây Bắc. Hằng năm cứ mỗi dịp xuân về, hoa lại nở trắng cả núi rừng khiến nơi đây trở thành nơi lý tưởng dừng chân của biết bao người đến thưởng ngoạn. Nhất là với các trai gái của vùng rừng núi này, đây còn là “chợ tình” lý tưởng. Đó chính là lý do dễ hiểu khi người dân nơi đây đặt tên cho loài hoa đó là hoa Ban – sự ban tặng cho con người vẻ đẹp và tình yêu.
Cứ vào ngày 5.2 âm lịch hàng năm, lễ hội hoa Ban lại được tổ chức, với ý nghĩa cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng miền núi, đồng thời cũng thể hiện nét văn hoá tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Họ tôn sùng và thỉnh bái “nàng Ban”- một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người phụ nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung. Ngoài ra đồng bào nơi đây còn tôn sùng và thỉnh bái thần “bái Then – vị thần tối cao trong hàng ngũ thần thánh, bái ma trời, ma mường, ma sông…với hy vọng cầu cho mùa màng tốt tươi, đôi lứa hạnh phúc, cuộc sống no đủ hạnh phúc, thuận hòa…
Khung cảnh trắng trời của hoa ban, nét đặc sắc trong không khí của lễ hội hoa nơi Tây Bắc đã khiến du khách những ai đã một lần đặt chân tới luôn để lại những giao hòa giao cảm khó quên với đất trời và con người nơi đây.
K.D (st)