Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lễ hội làng Chử Xá
Thứ hai: 10:22 ngày 17/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc công bố thêm 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Chử Xá - làng của người họ Chử (có đến 80% số dân làng Chử Xá mang họ Chử) - là quê hương của Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ hay Đức Thánh Chử- một nhân vật trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, một biểu tượng cho truyền thống giao thương, buôn bán của người Việt cổ

Chử Xá, còn có tên nôm là làng Sứa, là “anh cả” của 72 làng thờ Đức Thánh Chử ở vùng châu thổ sông Hồng. Chử Xá được biết đến từ thế kỷ XV, là vùng đất cổ có bề dày văn hoá lâu đời. Đối với người dân Chử Xá, hội đình mới thực sự là Tết của cộng đồng làng để tạ ơn tổ tiên và cầu ước cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đền Chử Đồng Tử ở xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên- Ảnh internet

Chử Xá có đình làng thờ Ðức Thánh Chử Ðồng Tử và phu nhân là Tiên Dung công chúa cùng lăng mộ thân phụ và thân mẫu của Ðức Thánh, tạo thành cụm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Ðình Chử Xá gắn liền với câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, lãng mạn của chàng trai nghèo Chử Ðồng Tử không mảnh khố che thân và công chúa Tiên Dung con gái Vua Hùng được trời se duyên trên bãi cát ven sông Hồng, cùng nhau gây dựng cơ nghiệp, mở bến chợ thông thương buôn bán, mang lại cuộc sống no ấm, phồn vinh cho nhân dân.

Từ thời Trần, sự tích Chử Đồng Tử đã được ghi chép trong nhiều sách sử. Thư tịch và truyền thuyết dân gian ở địa phương cùng kể rằng: Ngày xưa, ở làng Chử Xá cạnh sông lớn có hai cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử sinh sống bằng nghề đánh cá. Chẳng may, nhà gặp hỏa hoạn, của cải cháy sạch, chỉ còn lại một mảnh khố vải cha con ra vào thay nhau mà mặc. Khi lâm bệnh nặng sắp mất, người cha bảo con rằng: “Khi cha chết cứ để trần mà chôn, con giữ khố lại mà mặc”. Người con thương cha, dùng khố liệm cho cha rồi chịu rét mướt ngâm mình dưới nước mà câu cá độ thân. 

Một sáng sớm nọ, đoàn du thuyền của công chúa Tiên Dung, con gái của vua Hùng Vương đi qua, Chử Đồng Tử kinh sợ, vội vào trong những khóm lau tự chôn mình dưới cát để trốn. Tiên Dung cho cắm thuyền lại, dạo chơi trên bãi cát, thấy bờ bãi cao ráo sạch sẽ, nàng ra lệnh vây màn ở khóm lau mà tắm. Nào ngờ dội nước, cát trôi lộ ra chàng trai Chử Đồng Tử ngôi ngô tuấn tú không mảnh vải che thân. Nghe chàng kể chuyện gia cảnh, Tiên Dung không ngờ trên đất nước của nàng, dưới sự trị vì của vua cha lại có con người khổ sở như vậy. Nàng rất cảm động trước người con hiếu thảo, cảm thương một thân phận không may và cho là duyên trời định, bèn cùng với Chử Đồng Tử kết đạo vợ chồng dù trước đó nàng đã thề nguyền không lấy chồng. 

Biết tin, vua Hùng Vương rất tức giận: “Tiên Dung hạ mình lấy kẻ bần nhân, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa”, rồi vua ra lệnh cấm công chúa trở về hoàng cung. 

Không quay về được, công chúa cùng Chử Đồng Tử mở bến sông, xây dựng chợ, lập phố xá, dạy dân cách buôn bán, trao đổi hàng hóa, dần biến nơi này trở thành trung tâm thương mại lớn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, bến sông và đình làng Chử Xá xưa từng nằm trong vùng trung tâm thương nghiệp lớn của khu vực, bên cạnh làng gốm cổ Bát Tràng nổi tiếng.

Truyền thuyết còn kể rằng có lần Chử Đồng Tử trèo lên ngọn núi chơi, gặp một tiên ông, được ông dạy phép tiên và tặng cho cái nón cùng cây gậy. Ông dặn đi đến đâu không có nhà ở thì cứ cắm cây gậy xuống đất, úp cái nón lên đầu gậy. Khi Chử Đồng Tử làm theo thì nhà cửa lâu đài nguy nga hiện ra. Chữ Đồng Tử về sau dạy phép tiên cho vợ, hai vợ chồng tu thành tiên cởi hạc vàng bay đi, vì vậy mà dân chúng mới tôn là Chữ Đạo Tổ. 

Khi Triệu Quang Phục khởi nghĩa chống nhà Lương xâm lược, ông nằm mơ thấy một người cưỡi con rồng vàng xưng là Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử tháo một chiếc vuốt rồng trao cho Triệu Quang Phục bảo cắm trên mũ đâu mâu. Từ đấy, Triệu Quang Phục đánh đâu thắng đó và chém được tướng nhà Lương là Dương Sằn, thống nhất đất nước, lên ngôi vua lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Tin tưởng là Chữ Đồng Tử đã phò trợ quân dân chiến thắng giặc ngoại xâm, vua cho nhân dân trong vùng lập đền thờ. Về sau, các triều vua đều ban tặng sắc phong thần cho Người.

Ðến Chử Xá, khách được nghe người dân tự hào kể về điệu múa lễ chữ Thiên hạ thái bình trình diễn vào dịp hội làng đầu Xuân hằng năm để tưởng niệm Ðức Thánh Chử Ðồng Tử, nhằm giáo dục con người lòng hiếu thảo, vượt qua gian khó, chăm chỉ lao động để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Múa lễ chữ độc đáo của dân làng Chử Xá đã được nhiều người biết đến bắt đầu từ dịp Ðại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) và hằng năm đều tham gia liên hoan múa cổ Hà Nội đầu Xuân phục vụ nhân dân Thủ đô, khách du lịch tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Đây là một hình thức diễn xướng mang tính nghi lễ, 22 vũ công là các thiếu niên trong làng ở độ tuổi 12 đến 15 thực hiện các điệu múa xếp chữ “Thiên hạ thái bình” theo lối chữ Hán từ tiếng trống lệnh của người chỉ huy. Nghi thức múa lễ chữ này thể hiện ước vọng yên bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc của cư dân nông nghiệp.

Hội làng được tổ chức trong ba ngày từ 17 đến 19 tháng Giêng (âm lịch).

Ngày 16 tháng Giêng (âm lịch), các gia đình bắt đầu chuẩn bị làm cỗ cúng ở đình. Cỗ cúng có hai loại: Cỗ chay (trai lễ) gồm: trầu cau, oản xôi, chuối, cam, mía, chè đường, chè kho, xôi vò, bánh gai, bánh cốm; Cỗ mặn (sinh lễ) gồm các món: thịt lợn luộc, thịt lợn xào, canh thịt (thịt cắt vuông nấu loãng với nước mắm), đặc biệt có món “dừ” được chế biến từ xôi giã nấu với thịt mỡ cho nhừ, khi múc ra bát sẽ bày lên trên các miếng gan luộc dùng để chấm oản xôi. Cơm cúng được nấu bằng gạo tám. Ngoài ra còn có bánh chưng, thịt gà (cúng cả con đã luộc chín) thường là từ cỗ các gia đình mang ra cúng để thụ lộc thánh.

Ngày 17 tháng giêng, làng bắt đầu vào hội, khởi đầu bằng lễ Rước nước và Mộc dục (tắm cho các pho tượng thần). Đúng giờ chọn, ông Tiên chỉ chỉnh tề trong bộ áo lễ vào thắp hương trong đình và vào lễ ở hậu cung xin các chư Thánh cho dân làng rước kiệu đưa choé đi lấy nước để làm lễ Mộc dục. Ở Lăng Thánh Phụ và Thánh Mẫu cũng tiến hành một nghi lễ tương tự.

Rước nước trên sông Hồng- Ảnh internet

Đoàn rước nước bắt đầu khởi hành từ đình, đi về hướng lăng để đón choé của Thánh Phụ, Thánh Mẫu, rồi hướng ra bờ sông. Tất cả những người này đều mặc áo dài lễ, thắt lưng xanh đỏ. Tiếp theo là đội múa sinh tiền còn gọi đó là điệu múa tiên của 12 em gái từ 8 đến 12 tuổi trong trang phục áo tứ thân màu đỏ, quần trắng, thắt lưng vàng, khăn dài choàng vai màu xanh. Ngoài ra còn có hai chàng trai đóng giả nữ múa điệu “con đĩ đánh bồng”. Cụ Tiên chỉ đi tiếp theo sau, bốn thanh niên khiêng hương án có hương nhang và hoa quả rồi đến các chàng trai khiêng kiệu đặt choé nước, họ đều mặc áo dài trắng với thắt lưng màu đỏ. Cuối đoàn rước là các bô lão, chức sắc, tư văn và dân làng.

Ở bờ sông, những chiếc thuyền đã chờ sẵn và đón đoàn rước ra sông. Mỗi thuyền chở một kiệu có choé nước, những người khiêng và một ông được phân công múc nước, đoàn thuyền dừng ở giữa sông để chọn một luồng nước trong làm lễ lấy nước. Cụ Tiên chỉ đọc bài văn lễ hà bá rồi ném 500 vàng thoi (đồ mã) xuống nước. Xong nghi thức này, những người được chỉ định lấy nước sẽ dùng gáo sơn son thiếp vàng múc nước dưới sông lên. Lấy nước xong, các thuyền đưa đoàn rước về bến rồi theo đường cũ trở về lăng và đình. Các choé nước được đưa vào lăng và đình để chờ lễ Mộc dục, cụ Tiên chỉ  khấn trình Thánh các choé nước. Nghi lễ Rước nước kéo dài tới 4-5 tiếng đồng hồ.

Chiều cùng ngày (17 tháng Giêng), cụ Tiên chỉ thắp hương dâng thánh các lá phiếu dùng để bốc thăm chọn người trong ban lễ Mộc dục. Lễ Mộc dục được tiến hành vào đầu giờ chiều. Ở đình lễ Mộc dục được làm ngay tại hậu cung, ngai và bài vị được đưa ra khỏi bệ lau rửa sạch sẽ và khoác xiêm y mũ mão. Còn ở lăng, hai bức tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu được lau rửa sạch sẽ và thay khăn choàng. Dân làng tin rằng ai được chọn làm lễ Mộc dục thì năm đó cả gia đình được nhờ lộc thánh, con cháu sẽ khoẻ mạnh, làm ăn dễ dàng.

Đêm 17 tháng Giêng, các giáp tiếp tục làm cỗ làng cho ngày chính hội (18 tháng Giêng). Cỗ làng cũng được chế biến như ngày hôm trước, với hai loại cỗ chay (trai lễ), cỗ mặn (sinh lễ). Ngoài cỗ làng, các giáp còn phải làm cỗ thi (bánh dầy) tại nhà các ông trưởng giáp. Mỗi giáp làm khoảng 40 chiếc bánh. Họ sẽ chọn ra 22 chiếc bánh đều và đẹp để bày cỗ thi.

Sáng 18 tháng Giêng, long ngai và bài vị của Đức Thánh Chử và phu nhân được đặt trên các kiệu ra ngoài sân đình để làm lễ. Hương án cũng được đặt ra ngoài sân đình, ngay chính giữa cửa, trước hương án trải những tấm chiếu, các ông Đông xướng, Tây xướng đứng hai bên. Sau các ông là phường trống. Mở đầu là việc trình văn tế các Đức Thánh do ông chủ tế (Tiên chỉ) đọc, đứng cạnh ông chủ tế là hai ông phụ tế (hay còn gọi là phụng văn). Sau bài văn tế, cả ban tế gồm 18 người trang phục áo dài lễ màu lục, quần trắng và đi hài thêu rồng vào tế và làm lễ dâng hương, dâng rượu, ông chủ tế nâng khay chén, còn hai ông phụ tế nâng hai be rượu. 

Sau các bước “cung, bái” các ông rót rượu đưa lên hương án để dâng Thánh. Ngày nay còn có thêm ban tế nữ gồm 18 bà trong trang phục áo dài màu vàng, quần trắng, thắt lưng xanh, khăn vành rây màu vàng có đính kim sa vào tế, dâng trà và hoa. Trong khi các ban tế của làng làm nghi thức tế lễ thì đằng sau họ là đội múa sinh tiền biểu diễn, hết bài thì đến hai cậu con trai giả nữ ra múa điệu “con đĩ đánh bồng”. Khi tế xong, ông chủ tế điều khiển đoàn rước các kiệu Thánh Chử và phu nhân có mũ, áo, đai, hia ra lăng lễ trình Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cờ, trống, các đội tế, đội múa theo sau đoàn rước.

Ở ngoài lăng, cúng cỗ mặn nhưng vẫn có hương, hoa, trà, quả. Ở lăng cũng làm nghi thức như vừa trình ở đình, hai ông Đông xướng và Tây xướng cũng điều hành cuộc tế, có một bài văn tế để tạ ơn cha mẹ. Sau khi lễ cha mẹ xong, đoàn rước quay trở lại đình, long ngai và bài vị của Đức Thánh Chử và phu nhân được đưa vào hậu cung. Cỗ mặn, cỗ chay được bày vào bệ thờ để cúng. Hai gian Đại bái và Tiền tế bày các mâm cỗ thi (bánh dầy) của 7 giáp. Sau khi làng tế xong, hội đồng đại biểu các giáp và các chức sắc tổ chức cuộc bình xét về các cỗ bánh dầy của các giáp. Giải thưởng chỉ là một be rượu (đã cúng thánh), chục miếng cau khô và trầu têm, nhưng đó là một vinh dự cho giáp giật giải năm đó vì người ta tin rằng giáp nào được giải nhất sẽ làm ăn thịnh vượng và mọi người đều khoẻ mạnh.

Phía ngoài các ban tế, các đội múa sinh tiền, múa con đĩ đánh bồng thay nhau múa hầu Thánh. Đặc biệt, phải kể đến điệu múa trống xếp chữ “Thiên hạ thái bình” rất đẹp và nổi tiếng trong vùng.

Sau khi làng “anh” (Chử Xá) tế lễ xong, các làng khách (em) đến tế, người ta bắt đầu tổ chức các trò chơi ở các bãi đất được san phẳng ngoài sân đình. Chử Xá rất nổi tiếng về trò đánh gậy và nó đã trở thành ngón võ của trai làng. Ngoài ao đình tổ chức thi bơi thuyền nhỏ với mái chèo ngắn. Mọi người trong nhóm phải phối hợp với nhau thật khéo léo sao cho thuyền vừa đi nhanh mà vẫn có thể lượn theo vòng ao, không đâm phải bờ ao và không đâm phải nhau. Một góc bãi khác, trò chơi chém mía (Chử Xá trước đây vốn là bãi trồng mía) thể hiện sự khéo léo và có nhiều người tham gia. Một trò chơi khác là trò cắt đậu phụ (Chử Xá là đất trồng màu nên có rất nhiều đậu tương, và đây là món ăn thường ngày của họ) là một trò chơi giải trí nhẹ nhàng, cả nam cả nữ, cả người già trẻ con đều có thể đố và giải đố. Ngoài ra, còn một số trò chơi khác như đấu vật, chọi gà được nhóm họp thành hội chơi trên bãi...

Tối, làng có trò diễn chèo, tích diễn kéo dài nhiều đêm, bắt đầu từ đêm mười sáu. Các phường chèo thường diễn các vở Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Công - Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, các tích trong Tam Quốc, có năm họ diễn tích (phường chèo tự soạn) về cuộc đời của Đức Thánh Chử.

Ngày thứ ba của lễ hội làng (19 tháng Giêng) được gọi là ngày Lễ Tạ hay còn gọi là ngày lễ Giải Y (thay áo). Đồ cúng của ngày hôm đó chủ yếu dùng đồ chay (trai lễ): bánh dầy, oản xôi, hoa, quả, trà, rượu. Nhưng đặc biệt, làng có một hũ (chĩnh) mắm cá Mòi mang ra đình cúng dâng thánh. Hũ mắm cá này được các giáp bầu chọn ra một giáp chuẩn bị lo lễ vật từ năm trước đến năm sau mới mở ra cúng. Đến chiều, cụ chủ tế (Tiên chỉ) ra đình làm lễ xin Giải Y (thay áo) cho các Đức Thánh và đồng thời làng cũng xin Thánh cất các đồ trống con, trống lớn, trống bồng, chiêng, thanh la, tù và (ốc biển, sừng trâu), sinh tiền. Hội làng kết thúc, mọi người đều cảm thấy phấn chấn vì đã nhận được ở hội sự phù hộ của các vị thánh thần cho mình và cho vật nuôi, cây trồng.

Lễ hội làng Chữ Xá ca ngợi lòng hiếu thảo của con người, tôn vinh tinh thần vượt khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức vươn lên, thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TS. Đào Thị Bạch Tuyết

(Đại học Quốc tế Sài Gòn)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục