Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày

Cập nhật ngày: 27/09/2012 - 10:36

Vào những ngày đầu xuân, đến Bản Chu, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, nơi có trên 90% cư dân sinh sống là người Tày, ta như được đắm mình trong không khí huyền thoại, giàu ý nghĩa tâm linh của lễ hội Lồng Tồng- lễ hội xuống đồng- mang đặc trưng vùng núi rừng Việt Bắc…

Lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết về một đôi vợ chồng trẻ tới Bản Chu xẻ đất, đắp bờ, khai khẩn ruộng nương, trồng bông, dệt vải. Nhiều người ở nơi khác thấy vậy cũng kéo nhau về đây sinh cơ lập nghiệp, sống quần tụ. Khi vợ chồng kia mất, dân làng nhớ ơn công lao khai đất dựng bản đã tôn họ làm Thành Hoàng và lập đình thờ tự, mở hội tế lễ và lập đàn cúng Thần Nông cầu mùa vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Sau nghi thức tế lễ, thầy cúng cầm nắm thóc vãi xuống đất và rẩy ít nước lên trời với lời khấn thống thiết cầu mong cho cuộc sống no đủ, bình an, hạnh phúc. Đây là nghi lễ chính yếu của Lễ hội Lồng Tồng, phản ánh rõ nét nhất lễ tiết nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước.

Phần hội bắt đầu là động tác múa chào thần linh, tiếp đến là múa khỉ, múa sư tử đẻ con, múa sử tử bị giết, múa võ… Đến đúng giờ Ngọ, thầy cúng đánh trống giục giã ba hồi chín tiếng thúc giục mọi người tiếp tục tham dự xem diễn trò Sĩ- Nông- Công- Thương (còn gọi là trò kén rể) do người dân Bản Chu tổ chức. Đây là trò vui đặc sắc, thể hiện vai trò của nghề nông trong đời sống xã hội. Cô gái xinh đẹp khước từ mọi lời cầu hôn của những anh chàng sĩ, công, thương vừa đẹp trai, vừa giàu có để cuối cùng nhận lời cầu hôn của anh nông dân tuy nghèo khó nhưng cần cù chăm chỉ. Trò diễn Sĩ- Nông- Công- Thương thể hiện ý nghĩa nhân sinh, niềm tin, niềm mơ ước về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc của những cư dân nông nghiệp.

Ngày hội tiếp tục với rất nhiều trò diễn, trò chơi dân gian trong lễ hội mùa xuân của người dân xứ Lạng như tung còn, kéo co, đua cà kheo, bắn nỏ, chơi quay, bắn bi, biểu diễn võ dân tộc… Còn các đôi trai gái thì tự tìm đến nhau hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới bằng các câu sli, bằng điệu then, điệu lượn ở khe suối, triền đồi. Buổi chiều tối, dân làng mời khách về nhà thưởng thức cỗ, rượu qua đêm. Đặc biệt, các đội sư tử còn được mời về các gia đình múa lạy trước bàn thờ Tổ tiên. Người Tày quan niệm, ngày Tết có sư tử đến chúc mừng là gặp may mắn, báo hiệu năm mới làm ăn phát đạt, mọi người bình an, khoẻ mạnh vững chắc như sư tử…

Theo BAVN