Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội miếu Mạch Lũng

Cập nhật ngày: 17/04/2012 - 05:02

Đầu xuân năm nay, tôi được vợ chồng anh bạn ở Đông Anh, Hà Nội mời về quê dự lễ hội miếu Mạch Lũng. Lễ hội vui nhất trong năm của người dân xã Đại Mạch.

Ngày đầu thôn, cảnh cờ xí trang hoàng rực rỡ, người đi lại tấp nập trên dường làng ngõ xóm. Tuy hội làng và tiết trời không được ưu đãi nhưng lại thu hút hàng nghìn người dân huyện Đông Anh cùng du khách thập phương đến miếu Mạch Lũng làm lễ dâng hương và dự hội. Suốt 3 ngày lễ, từ 2-4/3 (tức ngày 10-12/2 âm lịch), ngày nào cũng đông như vậy.

Miếu Mạch Lũng (trước còn có tên là Lũng Trang) tọa ngự trên gò đất cao rộng trên 30.000m2 thuộc thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Miếu thờ ba Đức Đại vương thời vua Hùng đời thứ 18: Minh lão Hùng Đại Vương, Minh lão Hùng đoạn đại vương và Minh lão Hùng Nghi Đại vương. Ba ông thông kinh sử, thiên văn địa lý và có tài về thủy quân nên được nhà vua phong cấp lạc tướng (võ tướng) và giao nhiệm vụ phòng thủ để đề phòng quân giặc từ biển tiến theo sông Hồng đánh vào kinh đô. Sau khi nhận nhiệm vụ và đi thị sát, ba ông đã chọn ấp Lũng Trang (nay gọi Mạch Lũng) để xây dựng đại bản doanh. Đồng thời thấy đây là nơi thiên thời địa lợi nhân hòa nên đã đón mẹ là bà Xoa Nương từ Hải Dương lên lập điền trang, xây dựng trang ấp và hình thành làng xã từ đấy. Ngoài việc binh nghiệp ba vị tướng còn cùng mẹ giúp đỡ hướng dẫn nhân dân ấp Lũng Trang cày bừa, trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải, chăn nuôi, làm nhà và chế tác đồ gốm sứ. Sau khi 3 vị tướng và mẹ quy hóa, dân làng lập miếu thờ.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi miếu vẫn giữ nguyên nét đẹp của di tích cổ. Trên kiến trúc còn bảo lưu được những nét hoa văn của nghệ thuật của thế kỷ 17-18. Hiện miếu vẫn còn giữ được những di vật có giá trị như cuốn thần phả chữ Hán và sắc phong thần, trong đó sắc sớm nhất có niên hiệu Tự Đức 6 (1853), sắc muộn nhất có niên hiệu Khải Định 9 (1924) và 3 bộ long ngai, bài vị thờ thần và những tác phẩm nghệ thuật TK19. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, miếu Mạch Lũng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993.

Ông Vương Xuân Viên, Trưởng thôn Mạch Lũng, đại diện cho BTC lễ hội cho biết: Hàng năm, người dân Mạch Lũng mở hội làng để tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên sinh thành và biết ơn thế hệ đi trước, trong suốt 3 ngày lễ hội, các đoàn đại diện cho các tổ đội sản xuất, nhóm đồng niên, đông ngũ, đồng môn… và các gia đình lần lượt mang lễ lên miếu làm lễ dâng hương. Những gia đình làm ăn khá giả có thể dâng đến 5 mâm lớn với thủ lợn, xôi, gà, trầu cau, bánh cốm… Tất cả các việc đại sự trong các gia đình như hiếu, hỉ, xây nhà…đều phải dừng lại để tập trung cho ngày Thánh.

Từ khi miếu Mạch Lũng được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia năm 1993, dân làng thường tổ chức lễ rước kiệu 5 năm một lần. Cùng với các nghi lễ truyền thống như tế nam, tế nữ, tế cáo, rước kiệu, lễ hội làng Mạch Lũng còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: chọi gà, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, hát quan họ… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Đ.T (st)