Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lễ Nghinh Hương ở miền quê hiếu học
Thứ tư: 11:01 ngày 08/06/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xưa có câu:“Kẻ Ngái ông Nghè như lá tre” đã phản ảnh một sự thực về Hương Ngải là mảnh đất có truyền thống học hành, khoa cử. Có thể nói đây là “làng khoa bảng”, chiếm vị trí đặc biệt trong truyền thống văn hoá của Xứ Đoài.

Xưa có câu:“Kẻ Ngái ông Nghè như lá tre” đã phản ảnh một sự thực về Hương Ngải là mảnh đất có truyền thống học hành, khoa cử. Có thể nói đây là “làng khoa bảng”, chiếm vị trí đặc biệt trong truyền thống văn hoá của Xứ Đoài.

Xã Hương Ngải còn gọi làng Ngái, Kẻ Ngái, thuộc huyện Thach Thất xứ Đoài xưa, nay là ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết rằng, lúc mới hình thành có rất nhiều cây ngái dại mọc xung quanh làng. Khi cây Ngái nở hoa, hương thơm lan toả khắp vùng nên dân gian gọi tên làng Hương Ngái. Rồi chữ "Ngái" bị đọc chạnh đi, thành "Ngải". Và từ đó tên Hương Ngải gắn chặt với làng cho đến ngày nay.

Là một vùng “thuần nông”, đồng ruộng làng Ngái thuộc đất phù sa cổ bạc màu, nhiều chỗ đã bị đá ong hoá. Làng không nằm gần đường giao thông liên tỉnh hay quốc lộ, lại có ít ngành tiểu thủ công nghiệp nên làng Ngái xưa nghèo khó. Trong khó khăn người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác đều cố gắng cải tạo đất đai, cần cù lao động. Và đặc biệt, đều dốc lòng cho con em học hành đến nơi đến chốn.

“Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi…”

Xưa có câu:“Kẻ Ngái ông Nghè như lá tre” đã phản ảnh một sự thực về Hương Ngải là mảnh đất có truyền thống học hành, khoa cử. Có thể nói đây là “làng khoa bảng”, chiếm vị trí đặc biệt trong truyền thống văn hoá của Xứ Đoài. Với người dân, học hành không chỉ là học đạo Thánh hiền, mà là cơ hội để đổi đời, để được no cơm ấm áo và làm rạng danh quê hương, dòng họ.

Truyền thống hiếu học từ xưa của làng Ngái thể hiện ngay từ những công trình kiến trúc cổ. Ngoài các công trình tín ngưỡng dân gian như đình làng, quán làng, chùa, miếu… còn có hệ thống các văn chỉ, võ chỉ, văn bia, văn chuông được lưu giữ đến ngày nay.

Đặc biệt có quán Nghinh Hương - một biểu tượng văn hoá của cư dân làng Ngái. Đây là nơi có lễ đưa tiễn các sĩ tử lên đường lai kinh “ứng thí tranh khôi” và là nơi tổ chức lễ Nghinh hương đón sĩ tử đỗ đạt ghi danh bảng vàng, hồi hương vinh qui bái tổ. Đến nay, vẫn còn truyền tụng câu ca:

"Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi

Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ”

Lễ đưa tiễn sĩ tử đi thi và đón các vị khoa bảng vinh qui chủ yếu là do Hội Tư văn trong làng chịu trách nhiệm. Khi tiễn các sĩ tử lên đường, bất kể là kỳ thi lớn nhỏ thì các vị Tư văn sẽ cử người nói chuyện, động viên dặn dò và truyền đạt kinh nghiệm cho các sĩ tử.

Khi có người đỗ đạt thì danh sách những người này sẽ được đưa về làng trước để dân làng chuẩn bị đón rước. Chịu trách nhiệm chính vẫn là các vị trong Hội Tư văn. Các vị này sẽ chuẩn bị lễ vật và điều hành các nghi lễ đón tân khoa.

Các tân khoa khi trở về đến đầu làng tại vị trí quán Nghinh Hương, dù đỗ cao thấp thì người được làng đón cũng phải xuống xe, xuống ngựa để đi bộ. Trước tiên, các vị tân khoa đó làm lễ tạ dân làng tại quán Nghinh Hương, sau đó về thực hiện nghi lễ trình thần ở Quán Làng.

Mỗi lần diễn ra lễ Nghinh Hương, nhất là khi các vị tân khoa đứng trước ban thờ ở Quán làm lễ và lạy tạ, không chỉ riêng gia đình có người đỗ đạt, mà cả dân làng đều lặng đi trong không khí trang nghiêm, tự hào và xúc động., Đây là hoạt động mang tính nghi lễ của riêng làng Ngái, có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc bắt nguồn từ truyền thống học hành khoa bảng của ngôi làng cổ xứ Đoài này.

Theo các cụ cao niên trong vùng thì chỉ có Hương Ngải mới tổ chức lễ Nghinh hương lớn và long trọng tại một địa điểm đặc biệt như thế. Chính quán Nghinh Hương được coi là nơi đã chuyền tải và Việt hoá tích chèo cổ Lưu Bình-Dương Lễ, một tích chèo giàu giá trị nhân văn, in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Khuyến học ghi vào Hương ước làng

Ngày xưa, làng Ngái tuy nghèo nhưng luôn có những chính sách khuyến học được ghi vào Hương ước làng như cấp ruộng học điền, cấp giấy bút cho những con trẻ thông minh, những gia cảnh nghèo khó, miễn giảm phu phen tạp dịch cho những người đạt khá và xuất sắc trong các kỳ khảo hạch hàng năm do làng tổ chức.

Những sĩ tử đỗ đạt đều được tổ chức đón rước vinh qui bái tổ long trọng. Những bậc đỗ đạt càng cao càng được tôn vinh, mỗi khi có việc làng được sắp xếp ngồi ở vị trí đặc biệt trang trọng. Ngoài ra còn cho khắc tên tuổi, mức đỗ đạt (từ đại khoa đến trung khoa) cùng với chức tước lên bia đá (Văn chỉ hoặc Võ chỉ).

Ngày nay Hương Ngải vẫn luôn là một làng xã có tỷ lệ con em thi đỗ vào các trường đại học – cao đẳng khá cao trong vùng. Địa phương đã có quĩ khuyến học hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến các quĩ khuyến học theo qui mô dòng họ. Hàng năm vào ngày mùng 4 Tết, những người con thành đạt của quê hương lại có dip tề tựu đông đủ tại làng. Và các cuộc gặp gỡ động viên khen thưởng con em thi đỗ đại học, con em là sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập vẫn diễn ra thường niên.

Trong hậu cung của Quán làng Hương Ngải hiện nay còn lưu giữ bức đại tự do vua Tự Đức ban tặng năm 1874 với 4 chữ: “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp) . Và nếu theo quan niệm một nhân tài được hình thành dựa trên ba yếu tố Thiên-Địa-Nhân, thì những nhân tài đất học nơi đây đã dựa cơ bản trên “chữ Nhân”. Chính con người nơi đây, đã vun đắp cho quê hương mình trở thành một miền quê văn hoá đáng tự hào.

(Theo Danviet)

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục