Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lễ cúng trăng Ok Om Bok của người dân Khmer được tổ chức vào đêm Rằm tháng 10 (lịch Khmer) để bày tỏ lòng thành kính với thần Mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân trong điều hòa thời tiết, đem lại mùa vụ tốt tươi, no ấm.
Chị em chị Thích và chị Thu đang kết lồng đèn hoa đăng.
Trong lễ này, người dân sẽ chuẩn bị cốm dẹp, cơm ống, chuối, mãng cầu… để cúng ở nhà và mang vào chùa. Đây là những nông sản gắn liền với đời sống của người dân Khmer. “Trong đêm cúng trăng tại chùa, vào lúc trăng tròn nhất, sau khi các sư tụng kinh xong, mọi người xếp thành một vòng ngồi, người già ngồi trước. Sau đó, mọi người dùng chuối chín chấm vào cốm dẹp đút cho nhau ăn và thăm hỏi nhau mong muốn gì. Phong tục đó từ ngày xưa, giờ chúng tôi vẫn làm theo”- ông Cao Văn Ươn–người có uy tín của đồng bào dân tộc Khmer ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cho biết. Thế nên, lễ hội cúng trăng Ok Om Bok còn gọi là lễ “đút cốm dẹp”.
Vợ chồng ông Cao Văn Ươn và bà Cao Thị Tuôl chuẩn bị làm cơm ống tre.
Bên cạnh cốm dẹp, cơm ống tre (cơm lam) cũng là vật không thể thiếu trong lễ cúng trăng của người dân Khmer. Cứ đến lễ Ok Om Bok, nhà nhà đều chuẩn bị tre, nếp để làm cơm ống, dâng lên cúng trăng.
Năm nay, rằm tháng 10 (nhằm ngày 31.10) là ngày lễ củng trăng của đồng bào dân tộc Khmer, khoảng 11 giờ, nhà ông Cao Văn Ươn và bà Cao Thị Tuôl đã bắt đầu nổi lửa, chuẩn bị nướng cơm ống. Ông chuẩn bị hai cục đá to kê ở hai đầu, gác lên trên thân 1 cây chuối to. Sau đó, ông Ươn xếp những ống tre đã cho gạo và nước vào trong thành hai dãy bên cạnh thân chuối. Miệng ống tre được bịt lại bằng mớ lá chuối, hướng lên trên. So với các nhà trong xóm, nhà ông bà làm bánh sớm hơn một chút. “Nhà tôi đông con, tôi làm đến 7 kg nếp. Sáng tôi mang cơm vô dâng cúng cho sư rồi về làm sớm mới kịp”, bà Cao Thị Tuôl vừa cho nếp vào ống tre, vừa nói.
Bà Cao Thị Tuôl cho các nguyên liệu vào ống tre, chuẩn bị nướng.
Bà Cao Thị Tuôl cho biết, gọi là cơm nhưng thực tế nguyên liệu chế biến cơm lam không phải từ gạo tẻ, mà là gạo nếp. "Gạo nếp sau khi vo kỹ, sẽ cho thêm vào đậu đen (đã nấu chín), đường, bột ngọt, muối bột và dừa rám nạo. Tất cả trộn đều và cho vào ống tre đã được cắt sẵn. Nếp khi cho vào ống không quá đầy, phải chừa chừng một ngón tay để cho nước vào như mình nấu cơm vậy, rồi dùng lá chuối đóng lại cho kín hơi”-bà Cao Thị Tuôl hướng dẫn.
Xếp ống tre chuẩn bị nướng.
Các ống tre liên tục được trở đều bên bếp lửa khoảng 2 tiếng đồng hồ là gạo nếp bên trong chín. Để ăn, trước hết phải róc bỏ phần vỏ tre bên ngoài như róc mía. Những ống tre lúc đầu đen xịt, ám khói giờ trở nên nõn nà, trắng bóc. Sau đó, từ miệng ống tre, dùng tay tước phần ruột tre xuống. “Cô phải giữ lại lớp lụa mỏng của ruột tre bám vô cơm như vầy nè. Vậy ăn mới ngon”-ông Cao Văn Ươn bày cách.
Hương thơm của cơm ống tre không lẫn vào đâu được. Đó là sự hoà quyện của tre, của nếp và ngầy ngậy béo của dừa rám. Đặc biệt, khi cắn lớp lụa bao quanh nếp, cảm giác giòn giòn, sựt sựt khá thú vị. Và nếu để ý, mọi người sẽ còn thích thú hơn khi phát hiện lớp lụa tre bao quanh cơm không chỉ làm món cơm lam thơm hơn, hấp dẫn hơn mà còn giữ cho tay sạch, dù là “ăn bốc”.
Cúng trăng tại bàn thiên trước nhà.
Đêm cúng trăng, người dân Khmer còn có tục thả đèn hoa đăng để gửi gắm qua cầu nguyện những điều may mắn. Đa số người dân tự làm đèn.
Hai chị em Cao Thị Thích và Cao Thị Thu. Từ sáng sớm nay, chị Thích đã đi chợ mua hoa vạn thọ cùng 1 số vật liệu cần thiết để làm đèn hoa đăng. Khác so với các năm trước, năm nay, 2 chị em Thích và Thu còn làm bán cho bà con trong xóm. “Tôi lên mạng xem người ta hướng dẫn cách làm rồi học theo. Mọi năm, tôi chỉ làm cho mọi người trong gia đình thôi. Khi mang đi cúng, nhiều người thấy đẹp và đặt tôi làm. Năm nay, tôi nhận làm hơn 30 cái. Người ta nhờ mình làm rồi gửi tiền lại cho mình, chứ không xin không đâu”, chị Thích cười nói.
Người dân mang lễ vật lên chùa dâng cúng trăng.
Từ những chiếc lá phát tài, lá dứa, thân chuối, chị Thích khéo léo kết thành những chiếc đèn hoa đăng. Tối đến, ngoài những lễ vật mang cúng chùa, trên tay bà con còn có những chiếc đèn hoa đăng, thả xuống hồ nước trước chùa Botumkirirangsey với những mong ước riêng của mình.
Đêm xuống, sau khi làm lễ cúng trăng tại bàn Thiên trước nhà, bà con Khmer ở ấp Thạnh Đông lần lượt kéo về chùa. Những người Khmer ở khu vực lân cận như các xã Tân Phú, Tân Hưng (huyện Tân Châu) cũng dần có mặt. Trên tay mọi người là những túi vật phẩm mang cốm dẹp, chuối, cơm ống cùng những nén hương thơm. Ngay giữa chân chùa, các Phật tử trải thảm để làm chỗ ngồi, các cụ lớn tuổi ngồi trò chuyện. Cạnh bên, thanh niên nam nữ đến chùa cùng nhau quây quần với điệu múa lâm thôn. Tất cả cùng chờ trăng lên, vào khoảnh khắc trăng sáng nhất, tròn nhất, nghi lễ cúng trăng do các sư phụ trách chính thức bắt đầu.
Ngọn đèn hoa đăng được người dân tự tay làm.
Mỗi năm một lần, lễ Ok Om Bok được bà con Khmer chuẩn bị chu đáo. Dù công việc phải làm mất nhiều thời gian nhưng ai ai cũng đều háo hức. Bởi, đó không chỉ là dịp để họ dâng lên thần Mặt Trăng những thành quả trong năm, mà còn để lưu giữ những nét văn hoá trong canh tác lúa nước bao đời nay của dân tộc.
Ngọc Diêu