Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ tế Xã Tắc

Cập nhật ngày: 15/08/2011 - 10:35

Xưa nay, ở Việt Nam chuyện cúng tế không còn là chuyện lạ, nhưng trong các nghi lễ cung đình, bên cạnh lễ tế Nam Giao còn có một lễ tế khác quan trọng không kém phần, đó là lễ tế Xã Tắc. Vì thế, trong việc cúng tế, các vua thời Nguyễn đã xếp lễ tế Xã Tắc vào hàng "Đại tự", trước "Trung tự" và "Quần tự", tức đứng đầu trong các việc tế lễ của quốc gia.

Theo như cách lý giải của người xưa thì "Xã" có nghĩa là đàn thờ thần thổ địa, "Tắc" là đàn thờ thần ngũ cốc. Phàm đã là con người sinh ra trong đời ai cũng đều nhờ đất mà ở, nhờ thóc lúa để ăn, cho nên xưa kia ngay từ thiên tử cho đến hạng thứ dân ai nấy cũng đều coi trọng việc tế thần Xã Tắc. Vì thế danh từ "Xã Tắc" còn hàm cái ý sâu xa hơn đó là chỉ đất nước và dân tộc.

Ở Việt Nam , nông nghiệp là nền tảng của sự sống, cho nên xưa kia khi lên ngôi các vua đều rất chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp. Người xưa quan niệm rằng: “Phi thổ bất lập, phi cốc bất thực, vương giả dỉ thổ vi trọng vi thiên hạ cầu phúc báo công”, có nghĩa là: “Không có đất thì không thể trồng trọt, không có ngũ cốc thì không có cái ăn. Người làm vua lấy đất làm trọng vì thiên hạ cầu thần đất cho phúc lộc, may mắn”. Vì thế các vua nước Nam khi lên ngôi thường lập đàn Xã Tắc để tế thần đất và thần ngũ cốc để cầu mong cho dân giàu nước mạnh, khích lệ muôn dân chăm lo cấy cày làm giàu chính đáng, và cũng là cách để thể hiện cái đức hiếu sinh của nhà vua.

Tái hiện lễ tế đàn Xã Tắc

Bàn về tục tế Xã Tắc, mỗi triều mỗi khác, nhưng đến triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, thì lễ tế Xã Tắc được tổ chức quy mô và quy củ hơn. Theo sử cũ cho biết, vào năm Gia Long thứ 5 (1806), nhà vua cho xây đàn Xã Tắc ở phía hữu Hoàng thành Huế, tức thuộc địa bàn phường Thuận Hoà, thành phố Huế hiện nay.  

Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, lễ tế Xã Tắc được triều đình đứng ra tổ chức. Trước khi tế lễ một ngày, các con đường từ Đại Nội đến đàn Xã Tắc phải được quét dọn sạch sẽ. Trước đó, từ nhà vua cho đến văn võ bá quan, người nào tham dự vào lễ tế Xã Tắc cũng đều phải trai giới chay tịnh để giữ mình trong sạch.

Để chuẩn bị cho lễ tế, Bộ Lễ và Nội vụ được phái đến đàn Xã Tắc sửa sang bày biện đầy đủ lễ vật, đồ thờ và hương án. Hôm chính lễ, hai bên đường từ cửa Ngọ Môn đến đàn Xã Tắc có quân lính và cờ quạt đứng uy nghiêm, đèn đuốc chong thâu đêm suốt sáng. Trên hương án ở đàn tế ngoài các thứ nghi trượng và đồ thờ cúng thường thấy còn có thêm lễ tam sinh gồm ba con vật là trâu, dê, lợn.

Trước bàn thờ lớn, nhà vua mình mặc hoàng bào, lưng đeo đai ngọc thân chinh đứng ra làm chủ tế. Sau lưng vua, văn võ bá quan áo mão chỉnh tề, hàng ngũ thẳng lối, nét mặt trang nghiêm kính cẩn cúi đầu hành lễ. Lễ tế cứ thế diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm với nhiều nghi thức trang trọng và thành kính. Ngay sau lễ tế chính thức, khi vua đã hồi cung, dân chúng địa phương trong  vùng và du khách thập phương sẽ được phép lên đàn dâng hương và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đời đời no ấm.

Ngày nay, chính quyền thành phố Huế đã cho phục hồi lễ tế quan trọng này nhằm bảo tồn một vốn văn hoá quý của dân tộc. Đồng thời qua đó tạo tiền đề và cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ di tích đàn Xã Tắc để từ đó có thể tiến tới việc đề xuất công nhận lễ tế Xã Tắc là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

(Theo BAVN)