Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xã Thượng Long, vùng đất xa xôi nhất của Nam Đông nằm nép mình bên thượng nguồn Tả Trạch dưới chân núi Quỳnh Tang, nơi có bản A Xăng còn giữ gần như nguyên bản văn hoá dân tộc Cơ Tu.
Nam Đông là huyện miền núi cực nam của tỉnh Thừa Thiên Huế. Là một huyện có dân số chỉ có 2,3 vạn người, trong đó người Cơ Tu chiếm đến 41%. Nếu vùng thượng nguồn sông Hương bên phía nhánh Hữu Trạch là vùng đất của người Tà Ôi, thì khu vực Tả Trạch lại là các thôn, bản của người dân tộc Cơ Tu sinh sống với nét đặc trưng riêng.
Xã Thượng Long, vùng đất xa xôi nhất của Nam Đông nằm nép mình bên thượng nguồn Tả Trạch dưới chân núi Quỳnh Tang, nơi có bản A Xăng còn giữ gần như nguyên bản văn hoá dân tộc Cơ Tu. Bản chỉ có 24 nóc nhà. Mới đây người Cơ tu ở bản A Xăng đã tổ chức lễ hội vào nhà gươl. Nhà gươl của người Cơ Tu gần giống nhà sàn, nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng được chạm khắc công phu hơn. Phía trên hai đầu nhà gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh mang những nét văn hoá riêng của người Cơ Tu, như: hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơ Tu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng, đặc biệt các loại đầu động vật có được sau các cuộc săn bắt cũng được lưu giữ tại đây.
Trong những ngày tổ chức lễ hội khánh thành nhà gươl, bản A Xăng nhộn nhịp hẳn lên. Phụ nữ của bản xúng xính trong bộ váy áo mới do chính các cô dệt . Những đứa bé cũng chộn rộn không kém khi thấy có khách lạ viếng thăm bản. Theo trưởng thôn thì cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước người dân bản đồng lòng góp vào mỗi người 300 ngàn đồng để làm nên cái nhà gươl này . Ngày hội vào nhà mới cả 24 hộ của bản A Xăng đều góp gạo thổi ăn chung và mời khách tại nhà gươl. Từ xa xưa, ngôi nhà gươl đã gắn liền với sinh hoạt cộng đồng và đời sống tâm linh của họ. Từ ngôi nhà gươl già làng cùng dân bản bàn luận những vấn đề hệ trọng của cộng đồng như giải quyết mâu thuẫn trong họ tộc, thôn bản. Ngày nay, nhà gươl là nơi tổ chức những lễ hội của bản, nghe cán bộ tuyên truyền vận động các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, bàn cách làm ăn, xây dựng đời sống văn hoá. Cũng như bản A Xăng, bản Cha Ke, một bản Cơ Tu khác của xã Thượng long cũng vừa tổ chức lễ hội vào nhà gươl. Mong đợi từ rất lâu có được một ngôi nhà gươl mới của bản Cha Ke đã thành hiện thực. Những cánh rừng bạt ngàn; những bản làng bình dị, heo hút; những điệu múa Cha Chấp hoang dã, say mê... Miền cao TT Huế vẫn luôn là vùng đất màu mỡ cho những ai muốn khám phá về nét độc đáo của đời sống văn hóa, tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao. Một trong những nét văn hoá độc đáo của người Cơ tu đó là những lễ hội đặc trưng của những cư dân miền núi như Lễ hội vào nhà mới, Lễ hội cơm mới, Lễ hội đâm trâu, đám cưới của người Cơ tu... Trong ngôi nhà gươl vừa mới hoàn thành, người Cơ Tu căn dặn con mình cố “ăn học đến nơi, đến chốn” vì theo như những người già trong bản thường nói với lớp trẻ: “ở cuối con sông này “người ta tiến bộ hơn mình nhiều”, hãy ráng học để xuôi về cuối con sông học được cái hay, cái giỏi của họ”. Trong lễ nhà guơl mới người dân bản A Xăng tự hào: “Cả bản không có người mù chữ nữa, năm nay đã có hai đứa vào trung học phổ thông và khăn gói ra thị trấn Khe Tre học rồi”.
K.D (st)