Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ xin tổ tiên bảo vệ ruộng nương của người La Chí

Cập nhật ngày: 13/07/2014 - 10:51

Với đồng bào La Chí, đây là tết to nhất trong năm, người dân mời tổ tiên về từ ngày mồng Một, đến ngày 13 tháng Bảy làm lễ tiễn tổ tiên về nơi ngự giá của mình.

Tuy nhiên, yếu tố hội của tết chỉ còn đọng lại ở tâm thức của mỗi thành viên, đánh dấu một quá trình di cư tộc người ở một giai đoạn nhất định.

Trước đây, vào tháng Bảy, đồng bào La Chí thường tổ chức cúng tổ tiên, thi hát, trò chơi ở những bài trống, thì nay, thay vào đó là những tiệc rượu. Theo một số người cao niên, lý do chính dẫn tới quy mô giảm đi của lễ hội là do người dân di cư không đầy đủ theo một dòng họ, không có ông “then” đại diện cho mỗi dòng họ, dân cư ít, không có nơi vui chơi cộng đồng, thiếu đạo cụ, nhạc cụ...

Lễ xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương của người La Chí bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Bảy. Trong buổi đầu tiên, người dân dâng lễ mời tổ tiên về ăn tết và vui chơi cùng con cháu. Trước đây, lễ cúng tổ chức tại nhà của trưởng dòng họ. Mâm lễ được đặt tại gian thờ tổ tiên, thầy cúng (có thể là chủ nhà) ngồi đọc nội dung bài cúng “... ngày mồng Một tháng Bảy đã mời ma về uống rượu, một năm chỉ có một lần thôi, sang năm mình cùng xin giống lúa, xin giống lúa đi gieo mạ, ăn no phải chăm sóc lúa cho tốt, cho cây lúa chắc hạt, cho bông lúa chắc hạt...”.

Đến hết ngày Mười Ba tháng Bảy, con cháu tiếp tục làm mâm lễ tiễn tổ tiên về nơi ngự giá của mình. Mâm lễ cúng không có gì thay đổi so với ngày đầu, thầy mo mặc trang phục sinh hoạt thường ngày, ngồi vào vị trí và khấn theo nội dung: “Hôm nay là ngày Mười Ba tháng Bảy... năm nay lúa ruộng, lúa nương của mình sẽ tốt, bông nào cũng to, không  bị con sâu ăn lá, không bị con sâu đục thân, cấy lúa một khóm được một khóm nhá...”

Nguồn: Báo Văn hoá