Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Lên cao mà ngắm mái đình
Thứ năm: 07:00 ngày 13/11/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Vẫn còn một biểu tượng đặc sắc và tuyệt vời nữa trên mái đình Hiệp Ninh, bảo đảm là không nơi nào khác có được. Đó là lên cao mới thấy núi Bà Đen nhô lên sừng sững phía sau đình, điều mà ở dưới đất không bao giờ thấy. Nếu có thì chỉ là hồi mới xây đình năm 1901, khi ấy các phố nhà của phường 2, phường 3 quanh đây còn chưa xuất hiện, để cho các bậc tiền nhân tha hồ chọn lựa địa thế đất đai, sông núi tạo nên một thế “tựa sơn, hướng thuỷ” thật tuyệt vời- trước mặt là dòng lưu thuỷ của rạch Tây Ninh, sau lưng là núi Bà Đen.

Bộ mái chữ công đình Hiệp Ninh.

Vào một bữa kia, tôi thử đi tìm “linh vật” Tây Ninh sau khi nghe chuyện quá nhiều sư tử kiểu Trung Hoa được đặt ở nhà các đại gia, cũng như ở công sở và các điểm di tích Việt. Thế là phải leo lên mái đình Hiệp Ninh. (Đình Thái Bình thì đã leo lên mái hồi đại trùng tu năm ngoái).

Để kịp chụp lại ảnh bờ nóc xây mái chính có hàng chữ số đắp nổi bằng vữa xi măng: 1930. Kèm theo là tượng kỳ lân trang trí trên bờ dốc mái. Sau khi đối chiếu với kỳ lân nóc đình Hiệp Ninh, mới thấy kỳ lân trên mái đình Thái Bình là đẹp hơn, từ vóc dáng tạo hình cho đến màu men, thứ men ngọc xanh nhạt mà sau cả trăm năm vẫn còn óng ánh.

Cái đầu lân mới biểu cảm làm sao với cả vuốt nanh và mẩu lưỡi the le. Những bông mai mọc ra hai bên thân có màu trắng đục. Mắt, tai, lưỡi có màu nâu.

Đặc biệt là cặp râu mọc ra từ hai bên mép, thoạt đầu là căng ra như hình cánh cung, rồi sau đó mới thả xuống bên thân thành những lọn hình gợn sóng dịu dàng.

Chân của kỳ lân chồm nhẹ lên một chú lân con cũng màu trắng sữa có kích cỡ bằng một con heo đất nhỏ. Toàn bộ khối hình này trông chững chạc, oai nghi, gợi cảm giác dữ dằn nhưng lại không khiến người ta sợ.

Tại sao phải mô tả thế? Vì những tượng kỳ lân trên mái đình Hiệp Ninh hay những tượng đặt trước chùa Vĩnh Xuân đã có gần 150 tuổi có hình dung cũng gần giống thế nhưng màu men đã đậm đà hơn nên có cảm giác tương phản hơi gắt- xanh lá thì đậm còn những hoạ tiết tím thì tím ngắt gần như màu mực.

Riêng những pho kỳ lân trên mái đình Hiệp Ninh hiện tại (được hoàn thành tôn tạo năm 2010) lại có đường nét, khối hình thô vụng. Ví dụ râu thì căng cứng, trái cầu dưới chân lại sắc nét như thể mới làm.

Tìm hiểu thêm ở Ban Quý tế đình Hiệp Ninh thì có một chuyện thế này có thể giúp những nơi khác rút kinh nghiệm. Đấy là những kỳ lân đặt trên mái đình đã được thay mới hoàn toàn. Nguyên do là trong số 4 tượng kỳ lân cũ đã có con bị gãy râu hoặc vỡ mất một mảnh đuôi.

Do vậy người của công ty trùng tu đã phải mang mẫu tượng kỳ lân nguyên vẹn về miền đất gốm Bình Dương thuê làm “nhái” lại. Thấy một cổ vật đến từ Tây Ninh, những chủ lò gốm sứ ở đây đã nằn nì xin mua lại, đồng thời nhận làm những kỳ lân mới giống y chang.

Xin ý kiến với ban hội đình thì các vị kiên quyết chỉ cho mượn làm mẫu và vẫn giữ lại những linh vật xưa nguyên gốc. Kết quả là thợ gốm Bình Dương cũng đã thực hiện được những kỳ lân mới nhưng chúng chỉ là những bản sao vụng về, kể từ màu men cho đến khối hình. Thật ra, điều thay đổi này cũng không quan trọng lắm! Là do 4 tượng kỳ lân nằm trên 4 góc mái phụ, nối liền gian chính đình với khối hậu đình. Người ta chỉ có thể quan sát lân ở cự ly khoảng 4 mét nếu đứng trong khoảng sân nắng bên trong.

Muốn nhìn kỹ hơn và tận mắt thấy, tay sờ thì chỉ có nước phải lên tận mái. Lên rồi, mới thấy biết bao nhiêu là ngói! Ngói đỏ tươi rừng rực vì đang hừng hực nắng mặt trời. Ngói lợp đình được giữ vẹn nguyên sắc lửa lò nung từ cả trăm năm hay chỉ vài năm trước. Mặt tiền của đình Hiệp Ninh đã được xây lên những tấm tường chắn mái, rồi đắp thêm nhiều những linh vật kỳ lân, rồng, phượng.

Thì đây, trên tấm tường chắn mái đình có nguyên một bộ tượng hình cổ điển, được đắp vào đầu thế kỷ 20. Nổi bật là đôi rồng chầu vào giữa, chắc là chuẩn bị tranh châu- một viên châu ngọc nằm ở nóc tấm tường cao nhất có màu đen huyền hoặc.

Đôi rồng thật đặc sắc, có lẽ rất nhiều tâm huyết nghệ nhân đã được dồn vào đấy. Rồng 5 khúc cong theo kiểu cung đình nhà Nguyễn, long lanh các màu men sứ. Này là sứ màu lá cây ốp dọc thân rồng. Rồi đủ các màu: đỏ tươi miệng, mũi, xanh lam vây, đen huyền mắt và các mảnh sứ vỡ màu sáng xen kẽ làm thành bộ vẩy rồng sống động. Thân rồng dài tới hơn 2 mét. Phía sau còn có một tượng chim phụng múa cánh xoè, cánh cụp như đang tha thẩn bước theo.

Chim phụng và cá hoá rồng trên nóc mái.

Ở ô tường hiên bên dưới có một bố cục đẹp trong khuôn hình chữ nhật một tượng kỳ lân múa. Mảnh sứ ở đâu ra mà ốp vào miệng, mũi màu đỏ chót như màu trái cà chua chín. Cũng trên tường chắn mái này còn thấy những tấm cuốn thư và các tượng nhỏ, chắc là các vị bát tiên trong chuyện xưa.

Xem ra các biểu tượng gắn với đình làng cũng gần với các biểu tượng thần tiên đạo Lão. Trên nóc mái toà chính đình còn một vài biểu tượng linh vật nữa. Chủ chốt chắc hẳn phải là bộ “Lưỡng long chầu nhật” bằng gốm sứ được làm từ các lò gốm của Gia Định xưa như Cây Mai hoặc gốm Lái Thiêu.

Từ bên trong trở ra lần lượt là tượng cá hoá rồng và chim phụng- cũng toàn gốm sứ men chủ đạo màu lam, chế sẵn. Lạ kỳ thay, cả trăm năm mưa nắng mà đến giờ vẫn óng ánh màu men và có sức biểu cảm lạ thường. Những linh vật này được ban hội đình xác nhận vẫn là vật xưa nguyên gốc, được nâng niu giữ gìn trong suốt quá trình trùng tu, tôn tạo ngôi đình. Vẫn còn một biểu tượng đặc sắc và tuyệt vời nữa trên mái đình Hiệp Ninh, bảo đảm là không nơi nào khác có được.

Đó là lên cao mới thấy núi Bà Đen nhô lên sừng sững phía sau đình, điều mà ở dưới đất không bao giờ thấy. Nếu có thì chỉ là hồi mới xây đình năm 1901, khi ấy các phố nhà của phường 2, phường 3 quanh đây còn chưa xuất hiện, để cho các bậc tiền nhân tha hồ chọn lựa địa thế đất đai, sông núi tạo nên một thế “tựa sơn, hướng thuỷ” thật tuyệt vời- trước mặt là dòng lưu thuỷ của rạch Tây Ninh, sau lưng là núi Bà Đen. Còn các gò cao ở hai bên như gò chùa Hiệp Long, gò cao có trụ sở UBND tỉnh hiện tại là “tả thanh long, hữu bạch hổ” như người ta thường kể!

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục