BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lên miền sông Vịnh 

Cập nhật ngày: 17/06/2017 - 06:10

BTN - Từ An Cơ, Hảo Đước tới Phước Vinh, tiến về Hoà Hiệp, Tân Bình- nơi có Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát bảo tồn và lưu giữ ký ức của rừng xanh.

Sông Vịnh

Đã hẹn là phải lên thôi! Đến đoạn cuối con đường sứ có từ hơn 200 năm về trước. Bởi, như Báo Tây Ninh từng có bài “Lên với Biên phòng”, nói rằng con đường lên với Đồn 833 đã hoàn thành. Xe ô tô họ chạy lên êm không thể tưởng. Thì hôm nay, 6.6, thực hiện lời đã hẹn trước.

Đi bằng xe máy. Để cảm nhận tất cả những gì mà một con đường có thể mang lại cho người đi- nhất là đoạn qua một vùng đất đẹp và anh hùng như huyền thoại. Từ An Cơ, Hảo Đước tới Phước Vinh, tiến về Hoà Hiệp, Tân Bình- nơi có Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát bảo tồn và lưu giữ ký ức của rừng xanh.

Nhưng trước khi tới đường 788 Vịnh- Lò Gò, vẫn cứ phải lăn bánh trên quốc lộ 22B đã. Nguyên thuỷ đây là một phần của con đường sứ ngày xưa.

Từ Bưu điện tỉnh lên đây hết 9km trên quốc lộ. Mà sự tích con đường sứ ngày xưa cũng có ghi nhận ở đoạn đường mà ngày nay thuộc về ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành từng có một cây cầy cổ thụ nghiêng xuống con đường. Nên, quan quân tuần phòng qua lại, hoặc các đoàn cống sứ đi qua gọi luôn là đoạn đường có cây Cầy Xiên.

Lâu dần, dân cư đông lên tụ thành xóm ấp thì tên ấp cũng được đặt là Cầy Xiên, sau đọc trại ra là Cầy Xiêng từ năm nào không nhớ nữa. Ấp Cầy Xiêng trước kia thuộc xã Thái Bình. Từ ngày lập xã mới Đồng Khởi thì chuyển hộ khẩu qua Đồng Khởi. Nhắc lại chuyện này, để mà nhớ đến gốc gác xa xưa của miền đất có tuổi, có tên ít ra cũng đã 181 năm, cùng thời lập phủ Tây Ninh.

Chợ Cầy Xiêng đây rồi! Như bất kỳ ngôi chợ nào trên đất nước khi kề bên quốc lộ hoặc là tỉnh lộ. Dù có xây tụt vào trong bao xa cái nhà lồng, thì vẫn luôn có cảnh người xe xúm xít chen lấn ở ngoài đường.

Lên chút nữa là dấu tích của các bậc tiền nhân thời mở đất. Đấy là dinh thờ Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Dân gian Tây Ninh lưu truyền, ngài là một trong các vị tiền bối thời xa xưa nhất, có công mở đất và bảo vệ dân lành yên ổn làm ăn trên vùng đất mới. Mãi tận giữa thế kỷ XVIII cơ! Nghĩa là trước khi chính thức lập phủ Tây Ninh gần cả trăm năm.

Khói hương không dứt đến tận bây giờ, biểu lộ một truyền thống nhân văn của người Việt là luôn nhớ ơn những người có công với dân, với nước. Chạy sang đến ấp Tua Hai, ta sẽ còn gặp một ngôi đền nữa thờ cụ. Rồi lên tới ấp Chòm Dừa, lại có một ngôi.

Chỉ một đoạn ngắn trên quốc lộ 22 và tỉnh lộ 788 tiếp theo đều thuộc xã Đồng Khởi, đã có ba ngôi đền thờ Huỳnh Công Giản. Thảo nào, đã có nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nhận xét: Tây Ninh có thêm một tín ngưỡng riêng- thờ Quan Lớn Trà Vong.

Con đường mới lên biên giới.

Và, không chỉ người xưa! Mà cả người thời nay. Cũng trên đoạn quốc lộ ấy còn có khu di tích chiến thắng Tua Hai, kỷ niệm trận khởi đầu vũ trang đánh Mỹ- nguỵ. Đấy là ngày 26.1.1960. Các lực lượng miền Đông và nhân dân Tây Ninh đã đánh thắng trận tiến công vào căn cứ một trung đoàn, mở đầu cho đồng khởi vũ trang trên toàn Nam bộ.

Khu di tích ngày nay ngập tràn hoa lá. Tượng đài vút cao có hình ngọn lửa. Và, lư hương đặt trước văn bia chữ vàng trên đá. Để ta có thể tưởng nhớ những người năm xưa của thời nay đã làm nên chiến thắng Tua Hai.

Lên ngã ba Vịnh đi thôi, qua di tích Tua Hai chỉ 2km. Tấm biển chỉ đường ở ngã ba ấy ghi: Tân Biên 20km. Hoà Hiệp 21km. Vừa rời khỏi quốc lộ 22 để rẽ sang tỉnh lộ đã thấy mê rồi! Con đường cứ phây phây thịt da bê tông nhựa và căng tràn sức sống. Đâu phải như quốc lộ 22B mới vừa qua.

Nói cho công bằng thì quốc lộ rộng lớn và vẫn tốt. Nhưng do đã qua hàng chục lần tu sửa, vá víu nên dĩ nhiên chẳng thể bằng những tỉnh lộ vừa mới được làm lại bằng bê tông nhựa. Thêm nữa, tỉnh lộ 788 trườn đi giữa những vùng quê giờ đã ắp đầy màu xanh cây trái. Nên, ngay cả cái vệ cỏ bên lề đường kia như cũng xanh hơn, đây đó còn chúm chím những nụ hoa cỏ hôi màu tim tím.

Bây giờ thì rõ ràng đường tỉnh 788 đã là hoa khôi của những con đường tỉnh. Dù mặt đường nhựa chỉ 7m, có chỗ viền thêm hai lề láng vữa xi măng và một đường mương thoát nước rộng tất cả chừng 2 mét.

Đi qua Chòm Dừa, đoạn có dinh thờ Quan Lớn Trà Vong, thì phía trước bật lên dáng nón núi Bà vừa ửng màu lam, lảng vảng những cụm mây trôi nổi trắng. Vẫn còn những chòm cả chục cây dừa đứng chơ vơ bên rẫy ruộng, giải thích vì sao tên ấp lại Chòm Dừa. Đến đây, xin tạm ngưng để nhớ về sự tích con đường sứ.

Sách Trảng Bàng phương chí của Vương Công Đức (Nxb Tri Thức, 2016) có đoạn chép lại từ sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, như sau: “Tháng 10 năm Ất Hợi (1815) sai Tổng trấn thành Gia Định đo lường từ cửa Đoài Duyệt phía Tây thành, qua cầu Tham Lương, qua bến đò Thị Sửu, qua chằm Lão Rồng giáp ngã ba đường sứ đi Khê Lăng, đến Cà Rá đất Cao Miên, đến sông lớn (Đại Giang) dài 439 dặm.

Gặp sông ngòi thì bắc cầu xây cống, chỗ bùn lầy thì lấy đất bồi lấp, qua rừng đẵn cây mở đường thiên lý, mặt đường rộng 6 tầm (khoảng 14 mét), thực là bình an cho người, ngựa…”.

Cũng theo tác giả Vương Công Đức, thì con đường này trước nữa gọi là đường bộ Quang Hoá về Gia Định mà sử sách đã từng nhắc đến từ năm 1731. Sách truyền thống của các xã Hoà Hiệp, Phước Vinh cũng đều nhắc đến con đường sứ này đây, trong kháng chiến nó được gọi là tỉnh lộ 13.

Như Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh (Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh xuất bản 1985) có đoạn: “Tỉnh lộ 13 này cũng là con đường sứ cũ thời triều đình vua Khmer Nặc Ông Chân cho sứ thần cưỡi voi từ Nông Pênh đi xuống Bến Sứ (Đồn Trảng Trâu) qua tỉnh lộ 13, xuống Giếng Mạch, qua Bàu Năng theo lộ 26 xuống Gia Định và đi ra kinh đô Huế…”.

Đường qua An Cơ.

Mưa ơi là mưa! Mưa suốt tuần đầu tháng 6. Nếu là kiểu đường cũ mặt nhựa thấm nhập thì đã phải lo chuyện nước làm xói lở mặt đường. Còn đường 788 hôm nay mặt bê tông nhựa lại càng đẹp hơn, bởi nước đã xoá sạch những bụi đường và rác rến. Những vạch sơn kẻ trắng muốt càng ngời sáng dưới trời mưa. Nhưng sáng nay trời đã hửng lên rồi.

Để những thôn xóm ta qua, cứ ửng đỏ lên màu tường gạch và mái ngói. Qua Chòm Dừa là tới ấp Sa Nghe của xã An Cơ. Nghe vừa xa vừa phảng phất vị núi rừng biên giới. Đâu đây còn vang âm hưởng chiến công của Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Văn Thuyên và bài thơ “Bà mẹ Sa Nghe”.

Giờ đây, Sa Nghe đã tấp nập người đông, bảng hiệu đua chen, hướng mặt ra phía con đường tươi mới. Phía xa kia, sau những hàng dừa mỡ màng vút lên một ống khói màu trắng xanh như muốn lẫn với màu trời. Chợ Sa Nghe vẫn ở phía trái con đường lên, với cái nhà lồng màu vôi vàng ám khói. Xe máy, xe lôi tràn ra phía lề đường.

Chiếc xe 67 cũ kỹ chở cái lồng sắt có tới hơn 20 trái mít to, mỗi trái chắc chắn hơn 10 ký. Ồ mà lạ chưa! Chợ vẫn Sa Nghe mà ấp lại là An Lộc. Đem thắc mắc ấy hỏi anh Kham, Phó Chủ tịch xã An Cơ thì anh bảo: khi lập thêm ấp mới An Lộc thì chợ Sa Nghe mới thuộc về An Lộc, mà vẫn còn giữ cả ấp Sa Nghe.

Cảm ơn các anh quá, bởi Sa Nghe đã trở thành một phần của lịch sử Châu Thành đánh giặc. Cũng giống như cái tên ấp Vịnh, cầu Vịnh rồi sông Vịnh cũng trên con đường 788 này đây. Các nhà nghiên cứu lịch sử cả Pháp lẫn Việt đều biết đến cái tên ấp Vịnh. Ít ra là biết từ trận Trương Quyền và Pu-Kom-Pô đánh Pháp trong cuộc xâm lăng lần thứ nhất của bọn thực dân.

Sau thất bại của chúng ở bến Trường Đổi ngày 7.6.1866, khiến quan Chủ tỉnh- Đại uý Lắc-clô-zơ bị giết thì ngày 14.6 hai cánh quân Pháp từ Sài Gòn lên tìm diệt nghĩa quân: “Quan năm Mac- se lên Tây Ninh bằng đường thuỷ… quan ba Fơ-rô-mi-ê đem viện binh lên bằng đường bộ từ Trảng Bàng (chính là theo con đường thiên lý)…

Địch có 150 quân ra trận cùng hai khẩu đại bác… Quân khởi nghĩa bình tĩnh chờ địch lội qua rạch Vịnh… Hai bên đánh xáp lá cà. Quan năm Mac- se và một số đông lính địch bị chém chết… Đến 5 giờ, địch chạy tán loạn về đồn, mất chủ tướng… đến 3 giờ sáng cả bọn sống sót mới về tới đồn, xác còn vía mất…” (Trần Văn Giàu- Chống xâm lăng, Nxb TP. Hồ Chí Minh năm 2001).

Bây giờ, sông Vịnh vẫn bình thản trôi dưới chân cầu Vịnh, ở “lý trình: K10+ 537, 88m” với chiều dài cầu 50,4m. Cầu cũng bê tông, chỉ cong vồng lên một chút với con đường. Qua cầu đã là xã Phước Vinh, miền đất cũng huyền thoại chẳng kém gì An Cơ, Hảo Đước. Vì Phước Vinh cũng từ bà mẹ Hảo Đước mà ra. Xã biên giới rồi đây! Quê hương của những cái tên rất mộc, rất hiền mà đã từng làm tán đởm kinh hồn các lớp giặc ngoại xâm. Đấy là Bực Lở, Băng Dung, Trảng Cồng, Tà Nòn, Rừng Huỳnh…

Con đường đẹp như mơ đưa ta tới Đồi Thơ giáp ranh Hoà Hiệp. Xa xa, sau những rẫy mía, vườn cao su, nương mì xanh ngát, vẫn còn kia những cánh rừng vẽ lên nền trời tranh thuỷ mặc. Chợ Phước Vinh rất rộng đỏ au màu phún đỏ tha hồ chỗ đậu xe cho người đến bán mua.

Khu trung tâm xã cũng thênh thang như bên đường xa lộ. Đó đây rực màu ngói đỏ của trạm, trường hay UBND xã. Ai đó đã “đón đầu” sự nghiệp đi lên, đổi mới của Phước Vinh mà xây nên một quán ăn cũng rực màu ngói đỏ ở ngay địa đầu xã, bên con đường thiên lý ngày xưa.

Đấy là quán ăn gia đình và karaoke có cái tên là Sông Trang, ở ngay bên kia cầu Vịnh. Mà sao không phải là Sông Trăng? Để khi ta buồn và nhớ, thì “phượt” lên theo con đường sứ ngồi quán Sông Trăng mà hỏi con thuyền. Rằng thuyền “có chở trăng về kịp tối nay” (thơ Hàn Mặc Tử)?

N.Q.V