Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lên phương án nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn dịp Tết
Thứ hai: 14:56 ngày 30/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa họp với Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan và một số doanh nghiệp nhập khẩu bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết, trong đó bàn phương án nhập 100.000 tấn thịt lợn để ổn định thị trường trong nước.


Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn để bổ sung cho nhu cầu cho dịp Tết và Quý 1/2020.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cuối tuần qua, Bộ NN&PTNT vừa họp với Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan và một số doanh nghiệp nhập khẩu bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn.

Theo ông Dương, chúng ta thiếu thụt khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn và Bộ Công Thương cũng đề xuất nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn trong dịp này để bù đắp lượng thiếu thụt.

“Lúc này, chúng tôi cũng ủng hộ phương án nhập, nhưng ở đây là vấn đề của thị trường, tùy nhu cầu thị trường thế nào thì doanh nghiệp mới nhập”, ông Dương nói.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, thịt do doanh nghiệp nhập về là thịt đông lạnh, phải rã đông mới bán được.  Thực tế, nếu giá thịt lợn trong nước tới đây hạ xuống, cùng đó, người tiêu dùng tăng sử thịt bò, gia cầm, thủy sản… đây cũng là một “bài toán khó” cho doanh nghiệp nhập thịt. “Nếu bắt doanh nghiệp nhập về mà không tiêu thụ được thì cũng chết, chưa kể giá lợn trong nước giảm xuống, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Dương phân tích.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 67.000 tấn thịt lợn, tăng cao so với mức trung bình những năm trước (khoảng 15.000 tấn). Giá thịt lợn nhập khẩu tùy từng loại, nhưng tính trung bình cũng không thấp hơn nhiều so với “thịt nóng” ở trong nước hiện tại.

Ông Dương cũng cho biết, tại cuộc họp, các doanh nghiệp cũng kiến nghị liên quan đến giảm thuế nhập khẩu, tín dụng…  Phía Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, kiểm dịch để thông quan.

Tuy nhiên, theo ông Dương, nếu giảm thuế nhập khẩu thịt lợn 25% còn 22% như đề nghị của Bộ Tài chính cũng chưa phải là mức “hấp dẫn.

“Lộ trình cam kết của Việt Nam với các hiệp định như CPTPP hay EVFTA tới 7 năm sau mới về 0%, nên cũng không thể có thị trường nào mình ưu tiên hơn về thuế được”, ông Dương nói.

Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương tái đàn nhằm tăng nguồn cung thịt lợn trong những tháng tới.

Trước đó, tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước tuần trước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, nguồn cung thịt heo đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Hiện bình quân giá thịt heo hơi tại các chợ đầu mối dao động 90.000-92.000 đồng/kg.

Theo ông Hải, tại họp Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt heo.

Ông Hải cho rằng, việc có thể làm luôn là các doanh nghiệp cần tăng nhập khẩu, đưa hàng ra thị trường để “hạ nhiệt” giá bán. Bộ Công Thương cũng yêu cầu thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ giới thiệu cho DN nhập khẩu.

Trong khi đó, theo Cục Thú y (Cục Thú y), đến nay, có 24 nước đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam như: Argentia, Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha, Nga, Mexico, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc…Mỗi nước đều có danh sách cụ thể các nhà máy được phép xuất khẩu thịt, các sản phẩm động vật vào thị trường Việt Nam.

Cục Thú y cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt lợn nói riêng cũng như các loại thịt động vật khác nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam được kiểm soát chặt theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục