Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tháng 10 năm rồi, được theo đoàn Báo Tây Ninh lên dự họp mặt trên trạm chốt Tà Nông, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát. Hôm nay, lại được theo xe đoàn Sở Giáo dục- Đào tạo lên Đồn Biên phòng Tân Bình (Đồn 833), phải xuyên dọc giữa rừng Vườn quốc gia mà đến. Dù là đi công việc nhưng sao mỗi lần trở lại rừng xưa tôi lại cứ xao xuyến bồi hồi.
Trạm kiểm soát biên phòng Tân Nam, Đồn biên phòng Tân Bình. Ảnh: Hải Bằng
Đã thấy vui ngay trên đường đi lên, bằng xe ô tô 14 chỗ. Xe chở toàn các thầy giáo do thầy Phạm Ngọc Hải- Phó Giám đốc Sở dẫn đầu. Trên lớp hay cuộc họp, các thầy đạo mạo nghiêm trang thế, mà lên xe cũng tán chuyện “nổ trời”.
Hôm nay, các thầy lên Đồn 833 để ký kết văn bản về “Hỗ trợ, đỡ đầu trong thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh. Tham gia buổi lễ này còn có UBND huyện Gò Dầu- đơn vị được chọn cùng với Sở Giáo dục- Đào tạo để hỗ trợ đỡ đầu cho Đồn 833.
Điều thú vị nữa là đây, ngay trước mặt- con đường. Mới bảy tháng thôi mà nay xe đã lướt êm trên mặt đường bê tông nhựa, thẳng thớm tinh tươm còn trắng ngời những nét sơn vẽ như ngoài thành phố. Suốt từ ngã ba Vịnh trở lên cho đến tận cửa rừng Lò Gò, chắc phải gần 30 cây số.
Lòng tự nhủ, đường thế này chắc về rồi lại bằng xe máy đi chuyến nữa. Bởi đây cũng chính là con đường lịch sử, có tuổi đời cao nhất ở Tây Ninh. Chính là con đường sứ ngày xưa mà năm 1814 vua Gia Long đã ban lệnh sửa sang để trở thành đường thiên lý phía Tây nối dài sang đất nước Angkor.
Hơn 200 năm còn gì! Nhưng chỉ có năm nay, lần đầu tiên đường mới thật khang trang hiện đại. Để xe có thể tăng tốc bon bon, xứng danh với cái tên đường thiên lý. Vài thầy lần đầu đi qua, ngạc nhiên hỏi: vẫn còn rừng ư? Thì đây. Rừng tự nhiên vẫn còn hoang hoải sẫm xanh hay trầm mặc phía xa đường khi xe qua những Phước Vinh của Châu Thành, Hoà Hiệp của Tân Biên…
Nối tiếp nhau là những tên đất mộc mạc hiền lành. Nào Chòm Dừa, Sa Nghe, Trảng Châu, Hảo Đước… Xe rướn mình lướt lên một vùng đồi thấp mà bốn bề chỉ một màu xanh bát ngát. Duy nhất có lẽ chỉ có một khu nhà công nghiệp đang xây. Thưa, đây là Đồi Thơ, đánh dấu điểm bắt đầu vào vùng căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục những ngày ta đánh Mỹ.
Nhưng giấc mộng trên con đường đẹp đã bị ngưng ngang trước cầu Lò Gò. Có điện thoại của Đồn nhắc nhở! Không đi thẳng nữa mà rẽ phải 5 cây số, tới cầu Tà Xia thì quẹo trái mà lên.
Lý do đường ngoài quá xấu, phải mượn đường qua Vườn quốc gia mới không lo gặp sự cố. Các anh biên phòng cẩn thận quá! Hay các anh thương các thầy giáo vốn quen lướt xe trên đường nhựa phố phường? Tới cầu Tà Xia, đã có hai sĩ quan biên phòng đứng đón. Một anh lên xe dẫn đường. Xe chạy theo con đường trục của Vườn quốc gia. Đường sỏi đỏ còn gập ghềnh và ổ gà đôi chỗ nhưng vẫn còn tốt chán. Chỉ có điều xe không thể chạy nhanh.
Anh sĩ quan biên phòng bảo: đường rừng nó thế, chỉ hơn 10 cây số thôi mà chạy hoài không hết. Vậy mà trên con đường tử tế này và cả trên những con đường xấu ngoài kia hoặc ngang dọc trong rừng, hằng ngày các anh vẫn phải đi tuần tra, vẫn phải bám chốt. Những ngày nghỉ được về thăm vợ con, mười mấy cây số chạy xe máy từ đồn ra cũng thật ngại ngần!
Rồi cũng chạy ngang Đồn Tân Phú, ra ngã ba có lối rẽ về trạm chốt Tà Nông của Vườn. Từ đây sang Đồn 833 chỉ còn 6 cây số nhưng là đường xấu! Anh sĩ quan biên phòng bảo: Để xin với đồn bạn cho chạy nhờ đường qua đất bạn. Tiện thể cho các thầy “cưỡi ngựa xem hoa” một chút nước ngoài. Sĩ quan Biên phòng hai nước gặp nhau vui vẻ bắt tay, rổn rảng nói cười. Chiếc ba-ri-e nhấc lên. Xe đã “nhập cảnh” vào nước bạn.
Quả nhiên, sau chỉ một đoạn ngắn đường cửa khẩu đất đỏ, xe đã ngon trớn trên con đường bê tông nhựa của bạn giữa một vùng quê trọng điểm đang căng tràn sức sống vươn lên. Đường bê tông và lưới điện giăng. Những ngôi nhà sàn Khmer gọn gàng và đẹp đẽ giữa những khu vườn rộng. Xao xác cả bóng dừa và thốt nốt. Những mái chùa đỏ óng với rất nhiều đầu đao cong cong hình dáng mũi ghe ngo. Những cánh đồng trải rộng xa vời chỉ thấy màu xanh cỏ và rừng cây thốt nốt gần xa. Cả một vùng hồ loáng nước trải bên đường.
Chỉ dãy nhà sàn giống nhau và thẳng tắp ven hồ, anh sĩ quan biên phòng bảo: đấy là nhà tái định cư của người dân những vùng giải toả để xây dựng nên khu kinh tế trọng điểm này (thế mà mới nhìn lại tưởng là một khu du lịch hay resort nào kia!).
Kiểm tra thủ tục nhập cảnh. Ảnh: Hải Bằng
Xe chạy qua cầu Tân Nam, bê tông thẳng tắp liền lạc với mặt đường. Hai bên có cả thanh chắn trông như đường cao tốc… Trạm kiểm soát biên phòng của Đồn Biên phòng Tân Bình trên cửa khẩu Tân Nam đã ngay trước mặt rồi kia. Đây mới là phạm vi bảo vệ biên cương của Đồn 833. Cửa khẩu còn đơn sơ này cũng có cả hàng chục xe vận tải đứng chờ. Về đồn làm việc thôi! Cổng đồn chỉ hai trụ đơn sơ đỡ bảng tên đồn. Hôm nay có thêm tấm băng-rôn rực đỏ. Hoá ra đúng ngày này, 25.5- ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh. 42 năm đã trôi qua.
Cả tỉnh có lẽ chỉ còn đồn này thôi là cơ sở vật chất còn xuềnh xoàng, tạm bợ. Ba, bốn dãy nhà làm việc toàn kiểu nhà “tiền chế”, mái tôn, vách cũng bằng tôn. Chỉ có nhà ăn cột cây và lợp tranh lá. Phòng khách và hội trường cũng toàn cột kèo cây rừng nho nhỏ, vách lửng gạch xây không tô và mái lợp tôn. Vậy mà tất cả đều toát lên vẻ nghiêm túc, gọn gàng quân sự. Có cả sân đánh cầu lông trên mặt bằng láng phẳng phiu.
Ngay cạnh hội trường là vườn thuốc nam, trị từ tiêu hoá, tim mạch, huyết áp và hỗ trợ xương, gân… nhiều loại. Chung quanh doanh trại, không có chỗ nào để đất trống. Nơi thì giàn mướp, chỗ lại vườn rau hay vài bụi chuối. Giữa vườn rau lại nhô lên diêm dúa một bụi cây trinh nữ hoàng cung đang nở rất nhiều chùm hoa trắng…
Nhìn cái cơ ngơi còn nghèo nàn nhưng thanh sạch này, ai chẳng nhớ lại một thời gian khó; cái thời mà nhiều trường học trong tỉnh cũng đơn sơ tạm bợ, còn phải học ba ca…
Đại tá Cao Văn Vĩnh, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh lên dự có vài lý giải về những gian nan của Đồn 833. Vậy ra, cái sự đơn sơ này cũng đã có mười năm, từ 2007. Đồn trưởng Đặng Văn Kiểm lại có một niềm vui nho nhỏ. Rằng, năm nay các anh lên còn đỡ. Năm trước mùa mưa thì đồn như một ốc đảo, ra vào cũng thật khó khăn. Nhiều đoạn, xe máy phải đẩy bộ trên đường.
Nhưng, sẽ có một tương lai xán lạn ở ngay trước mắt thôi! Đại tá Vĩnh thông tin, rằng đã có kế hoạch làm đường từ Lò Gò đến Đồn. Đoàn khảo sát thiết kế vừa lên hôm trước. Cũng đã có kế hoạch xây dựng đồn chuẩn cho 833; đến 2020 sẽ hoàn thành. Khi ấy, kế hoạch của tỉnh xây dựng cửa khẩu Tân Nam là cửa khẩu quốc tế cũng được triển khai. Vậy thì chỉ vài năm tới đây, Tân Nam nào có kém gì những Mộc Bài, Xa Mát…
Nhớ những lời phát biểu như tâm sự của ông Võ Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu. Đây cũng là lần đầu ông đến với Tân Nam, sau khoảng 100 cây số đường dài. Ông nói, đã từ lâu, những huyện xa ở phía sau như Gò Dầu muốn được gắn bó, giao lưu và hỗ trợ những đồn biên phòng xa xôi nhất. Từ hôm nay, mối liên kết gắn bó này sẽ được mở ra, tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân Gò Dầu thường xuyên đến với Tân Nam. Và, ông mong rằng với sự chung tay của Sở Giáo dục- Đào tạo, Đồn 833 sẽ không chỉ là một tiền đồn vững chắc, mà còn là nơi chan chứa tình cảm quân dân thắm thiết mãi về sau.
Còn các thầy giáo, chắc cũng đang nghĩ về những chuyến lên thăm đồn của học sinh cùng các thầy cô giáo. Bài học trực quan ở đây mới hoành tráng và sinh động làm sao. Ngút ngát những cánh rừng biên giới. Hệ sinh thái kỳ diệu của Vườn quốc gia. Và trên hết vẫn là hình ảnh cán bộ chiến sĩ quân hàm xanh vui sống lạc quan giữa muôn trùng gian khó. Có thế mới trụ được hàng chục năm, thuộc lòng từng ngọn suối, cái cây dọc đường biên giới quốc gia.
Một chuyến đi “liên kết” với bộ đội biên phòng. Rồi sẽ có thêm nhiều chuyến đi tương tự của các sở, ngành, huyện, thành phố đến với các đồn biên phòng xa xôi trên biên giới Tây Nam. Một chương mới của tình quân dân cá nước đã có ngọn nguồn sâu xa từ khi có những cái tên đầu tiên như Vệ quốc quân hay bộ đội Cụ Hồ. Ở nơi đây, tình cảm này luôn ắp đầy như nước suối Đà Ha chảy dào dạt giữa Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.
N.Q.V