Trung tuần tháng 5, miền Đông Nam bộ trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, đoàn Hội Nhà báo Tây Ninh đi thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên khởi hành trong niềm háo hức của nhiều nhà báo “Lên Tây Nguyên nơi lắm mưa, nhiều gió”.
Đoàn Hội Nhà báo Tây Ninh tại Măng Đen.
Chiều Kon Tum, cái nắng vẫn còn oi bức, chị Võ Thị Mẫn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum dẫn đoàn ngược hướng lên Măng Đen. Măng Đen nhiều người biết đến qua bản tình ca Măng Đen của nhạc sĩ Ngọc Tường do ca sĩ Thanh Trà thể hiện. “Em lên với Măng Đen, nơi lắm mưa nhiều gió, mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim. Em lên với Tây Nguyên yêu Trường Sơn bao la, thương lắm màu đất đỏ như mối tình thuỷ chung”.
Giọng ca sâu lắng, nhẹ nhàng mà da diết. Trên xe ai cũng náo nức sớm được đặt chân đến Măng Đen. “Ngày nào đến Măng Đen trong mái tranh lộng gió, nơi con suối đưa dòng điện về thay trăng sao, mênh mông rừng thông xanh mang tình em mưa nắng, em ươm hạt tình yêu, em tặng đời cây tình yêu”.
Bài hát được yêu cầu tua đi tua lại nhiều lần, rồi ai cũng nhấn nhá hát theo. Nắng chiều chiếu qua rừng thông làm nên những vệt sáng vàng, Măng Đen đã hiện ra trước mắt.
Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, nằm phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, ở độ cao hơn một ngàn mét so với mặt nước biển, là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái rừng phong phú, tập trung nhiều thác và suối đá, có vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thuỷ.
Măng Đen với đặc trưng khí hậu, rừng, văn hoá, nghỉ dưỡng... ít nơi nào có được. Vì thế, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Khu du lịch Măng Đen thuộc huyện Kon Plông là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đường giao thông ở đây được đầu tư, xây dựng bài bản, bê tông nhựa với 4 làn xe thông thoáng.
Măng Đen được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia.
Thác Pa Sỹ- Măng Đen.
Đặc biệt, “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ vượt qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản Đông Dương”. Vẻ đẹp nguyên sơ của Măng Đen không chỉ là của riêng Măng Đen, của Tây Nguyên, mà của cả Việt Nam. Hiện tỉnh Kon Tum đang hướng đến xây dựng Măng Đen thành một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí... đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái.
Với tiềm năng, lợi thế của mình, Măng Đen đang phát triển với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả: Nuôi cá nước lạnh thương phẩm; nhân giống thành công các loài cá tằm, cá hồi; sản phẩm trà sim, rượu sim, rau, hoa xứ lạnh... Măng Đen đang có nhiều điều kiện để tạo dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, để Măng Đen trở thành điểm du lịch cần có quy hoạch phát triển tổng thể, gắn với cộng đồng địa phương; đồng thời phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao để từ đó xây dựng một phương án phát triển du lịch hiệu quả và bền vững nhất.
Câu chuyện truyền thuyết 7 hồ 3 thác, thác Pa Sỹ là 1 trong 3 thác và là ngọn thác lớn nhất của vùng đất này. Chị Mẫn nói với đoàn: “Chưa thăm thác Pa Sỹ, coi như chưa đến Măng Đen”.
Đi qua cầu treo vào Khu du lịch ta bắt gặp một vườn tượng độc đáo được tạo ra từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nằm xen giữa vườn hoa muôn sắc, màu tím hoa mua như mê hoặc lòng người. Những tượng gỗ mang âm hưởng nhịp sống sinh hoạt - văn hoá của những đồng bào các dân tộc nơi đây.
Len lỏi giữa vườn hoa, lá cây rừng reo vi vu, chim hót líu lo, đường vào thác Pa Sỹ như một khu rừng thần tiên với tiết trời lành lạnh. Ngang qua rừng, xuống những bậc thang đá gập ghềnh, thác Pa Sỹ hiện ra trước mắt nhẹ nhàng và yên bình như một dải lụa trắng chảy dài giữa màu xanh cây lá. Thác Pa Sỹ là nơi phát triển du lịch nhất ở Măng Đen, được đầu tư xây dựng khá bài bản.
Từ thác Pa Sỹ trở về thị trấn Măng Đen, nhiều đường bàn cờ rất đẹp có đầy đủ tên đường, nhưng vẫn mang nét buồn tĩnh mịch bởi nhiều biệt thự bỏ hoang nằm xen giữa rừng thông xanh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Kon Tum xảy ra 24 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,7 độ richter. Ngày chúng tôi đang ở Măng Đen cũng xảy ra nhiều cơn địa chấn nhỏ. Năm 2022, tại huyện Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất. Đặc biệt trận động đất lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra vào 14 giờ 8 phút ngày 23.8.2022 có độ lớn 4,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km.
Con đường xuyên qua đồi thông ở Măng Đen giống như Đà Lạt.
Đêm Măng Đen yên tĩnh đến lạ thường, tiết trời hơi se lạnh, ngồi bên bếp lửa nướng những củ khoai lang nóng hổi vừa ăn vừa nghe chi Ngô Thị Na- Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông chia sẻ, chị là một trong ba công dân đầu tiên lên ở Măng Đen khi vừa thành lập huyện, cái khó, cái khổ lúc khởi đầu của hơn 20 năm trước thì không thể nào kể hết, khổ nhất là thiếu nước, muốn xây nhà không biết lấy nước ở đâu. Khí hậu thì 9 tháng mưa, 3 tháng còn lại thì cũng it khi thấy được ánh nắng mặt trời, cuộc sống hôm nay đã đổi thay nhiều, cả thời tiết cũng thay đổi dễ chịu hơn.
Khi mới tách huyện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, tổ chức bộ máy các cấp thì thiếu, sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, đời sống của người dân và cán bộ, viên chức còn rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, huyện đã chuyển đổi, phát triển mạnh các loại cây có giá trị kinh tế cao, như rau hoa xứ lạnh, dược liệu, cà phê... khoanh vùng bảo tồn sim rừng, chuối rừng, măng nứa để tạo ra các sản phẩm đặc trưng. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã hình thành và đi vào sản xuất thành công các loại cây như: bí Nhật, lan kim tuyến, đẳng sâm, dâu tây, hoa ly, lan hồ điệp...
Hệ thống chợ trung tâm huyện, cửa hàng thương mại được xây dựng 9/9 xã, thị trấn. Vùng du lịch sinh thái Măng Đen được đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả, kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, nhất là giao thông. 100% xã, thị trấn có đường điện và ô tô đi được 2 mùa; Có được thành quả hôm nay trong đó có công lao của những con người vượt khó, quyết tâm kiên trì bám trụ thuở ban đầu như chị Na.
Măng Đen là mảnh đất tiềm năng phát triển cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nuôi trồng các loại cây nông nghiệp thuộc ôn đới. Tương lai nơi đây cũng là “Thành phố ngàn hoa” giữa đại ngàn.
Tô bánh canh cá lóc đậm đà hương vị, ly cà phê giữa gió ngàn, mây núi. Chia tay Măng Đen, bước lên xe lời bài hát vang lên như níu giữ người ở lại: “Em trao cánh phong lan, nhủ anh về xứ nớ, xa nhau nhớ một chiều gặp gỡ giữa đồi thông, anh ơi cánh phong lan, yêu rừng thông như em đó. Anh trả lời em: Anh ở lại Măng Đen, anh chẳng về đâu, anh ở lại cùng em”.
Nguyễn Thế