BAOTAYNINH.VN trên Google News

Libya: Chủ tịch NTC đến Tripoli

Cập nhật ngày: 11/09/2011 - 10:54

Gần 3 tuần sau khi quân nổi dậy đánh chiếm Tripoli, hôm 11.9, người đứng đầu chính quyền lâm thời Libya (Hội đồng chuyển tiếp quốc gia NTC) Mustafa Abdul Jalil mới rời tổng hành dinh Benghazi bay đến thủ đô. Trong khi đó, quân nổi dậy bị thiệt hại nặng nề khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng trung thành với vị Tổng thống Muammar Gaddafi tại những phòng tuyến cuối cùng ở Bani Walid, Sirte và Sabha.

Quân nổi dậy tiến vào Tripoli hôm 21.8. Kể từ khi đó, ông Abdul Jalil vẫn điều hành NTC ở Benghazi nên dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng lãnh đạo toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, theo lời một số quan chức NTC, một trong những nguyên nhân khiến ông Abdul Jalil không vội vàng đến ngay Tripoli vì tình hình an ninh tại thủ đô còn rất phức tạp. Trong cuộc họp báo tổ chức ngay tại sân bay Tripoli, ông Abdul Jalil kêu gọi nhân dân Libya đoàn kết, thống nhất để tái thiết đất nước. “Đây không phải là lúc để báo thù hay giải quyết những hiềm khích riêng dẫu biết rằng, trong chúng ta có rất nhiều người trải qua những mất mát, đau thương. Nhưng đây là lúc cần phải sát cánh bên nhau” – ông Abdul Jalil nói. Người phát ngôn NTC Jalal al-Gallal tuyên bố, việc Chủ tịch NTC đến thủ đô Tripoli là bước ngoặt lịch sử và trong vài ngày tới, ông Abdul Jalil sẽ triệu tập phiên họp toàn thể NTC để chuẩn bị cho giai đoạn xây dựng một quốc gia Libya mới.

Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil phát biểu trong cuộc họp báo tại sân bay Tripoli

Giới phân tích nhận định, “lấy được thiên hạ thì dễ, giữ được thiên hạ mới là chuyện khó”. Trước mắt, ông Abdul Jalil sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc ổn định tình hình đất nước và thành lập bộ máy chính quyền thật sự có hiệu quả. Bên cạnh đó, một khi quân nổi dậy vẫn chưa bắt hay giết vị Tổng thống bị lật đổ Gaddafi cùng các con trai – hiểm hoạ Libya trở thành “Iraq hay Afghanistan thứ hai” vẫn còn lờ lững trên đầu.         

Quân nổi dậy khá bất ngờ trước sức kháng cự của lực lượng trung thành với ông Gaddafi ở Bani Walid. Trái với dự đoán ban đầu của quân nổi dậy cho rằng ở thành phố này chỉ còn khoảng vài trăm tay súng, số lượng quân của ông Gaddafi tại đây lên đến hàng ngàn người và dường như đang được tăng viện từ Sirte, bất chấp việc quân nổi dậy đã cắt đứt tuyến đường nối giữa hai khu vực này. Quân nổi dậy đã lọt vào tầm ngắm của trận địa pháo và tên lửa do quân ông Gaddafi dàn sẵn, bị thiệt hại nặng nề buộc phải rút lui, nhờ máy bay NATO không kích. Tại Sirte – thành phố quê hương ông Gaddafi và thành phố Sabha, quân nổi dậy cũng đã phải rút lui.

Trong khi đó, cũng trong hôm 11.9, Thủ tướng Guinea Bissau Carlos Gomes Junior tuyên bố sẵn sàng mở rộng vòng tay nếu ông Gaddafi muốn tỵ nạn tại nước này.

Guinea Bissau là quốc gia châu Phi không phê chuẩn Công ước Rome về việc thành lập Toà án Hình sự Quốc tế The Hague (ICC) – cơ quan phát lệnh truy nã ông Gaddafi trên toàn cầu. Đây cũng là quốc gia được chính quyền Libya dưới thời ông Gaddafi đầu tư rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đ. Hoàng Thái

(Theo BBC/Reuters)