BAOTAYNINH.VN trên Google News

Libya: Hơn 100 người thiệt mạng vì xung đột bộ tộc

Cập nhật ngày: 22/06/2012 - 05:21

Các cuộc xung đột kéo dài một tuần qua giữa hai bộ tộc thù địch Mashashia và Gontrar tại khu vực phía tây Libya đã làm chết 105 người và làm bị thương khoảng 500 người khác.

Hãng BBC ngày 21.6 dẫn lời người phát ngôn chính phủ Libya, Nasser al-Manaa cho biết, các cuộc giao tranh đã không còn xảy ra tại các thị trấn Zintan, Mizdah và Shegayga, cách thủ đô Tripoli khoảng 150km về phía Nam, kể từ hôm 18.6, sau khi chính phủ triển khai quân đội giữ trật tự tại vùng núi này.

Xung đột bộ tộc tại vùng núi phía tây Libya. Ảnh: Trend

Giao tranh bùng phát từ hôm 11.6 giữa các chiến binh từ Zintan, được sự hậu thuẫn bởi bộ tộc Guntrara từ Mizdah, và lực lượng vũ trang của bộ tộc Mashashya tại thị trấn Shegayga.

Căng thẳng giữa các tay súng bộ lạc tại những khu vực đầy bất ổn trên vốn tồn tại lâu nay, xuất phát từ vấn đề tranh chấp đất đai. Bạo lực ngày càng leo thang kể từ khi cựu lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi tháng 10.2011.

Kể từ khi lên nắm quyền năm ngoái, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đã phải đấu tranh để khẳng định quyền lực trên khắp cả nước, đặc biệt là những nơi các nhóm bộ tộc và dân quân đối địch tranh giành quyền lực và nguồn tài nguyên sau sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi.

Bộ tộc Mashashya bị cáo buộc ủng hộ chế độ Gaddafi trong cuộc đụng độ năm 2011. Trong khi các tay súng tại Zintan có công dẫn đầu đoàn quân đánh chiếm thủ đô Tripoli từ tay lực lượng trung thành với cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hồi tháng 8.2011. Họ cũng đã bắt và giam giữ người con trai Seif al-Islam của ông Gaddafi kể từ ngày 19.11.2011 tới nay.

Trong diễn biến khác, các cuộc bầu cử Đại hội quốc gia (tức Quốc hội) đầu tiên tại Libya thời kỳ hậu chế độ Gaddafi, theo kế hoạch diễn ra vào ngày 19.6, đã phải hoãn lại đến ngày 7.7 tới do tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn.

Theo thông báo của Uỷ ban Bầu cử Libya, chiến dịch vận động tranh cử chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã bắt đầu từ ngày 18.6. Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của hơn 3.700 ứng cử viên, trong đó có hơn 2.500 ứng cử viên tự do. Hơn 1.200 ứng cử viên còn lại thuộc 142 tổ chức chính trị. 80 ghế trong tổng số 200 ghế trong Quốc hội mới sẽ dành cho các tổ chức chính trị. Số còn lại dành cho các ứng cử viên tự do. 

Khi Quốc hội mới được thành lập, chính quyền NTC, đang tạm nắm quyền tại Libya từ tháng 8.2011, sẽ từ chức.

THUÝ TRINH

(Theo Ria Novosti/Aljazeera)