BAOTAYNINH.VN trên Google News

Libya: Một cuộc chiến mới bắt đầu

Cập nhật ngày: 18/11/2011 - 06:39

Ngày 20.11 tới đây, Thủ tướng tạm quyền tại Libya, ông Abdurrahim El-Keib sẽ thông báo thành phần chính phủ mới sau khi Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) cầm quyền tại nước này đạt được thoả thuận về thành phần nhân sự với các nhóm dân quân thuộc Tổ chức Hồi giáo Libya. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tình hình chính trị tại nước này đã “xuôi chèo mát máy” khi còn rất nhiều đảng phái, bộ tộc khác, được các phe nhóm vũ trang hậu thuẫn cũng đang đòi “chia phần chiếc bánh” quyền lực sau khi lật đổ chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi.  

Mỹ và phương Tây lẫn cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril đều cảnh báo rằng, “khoảng trống quyền lực” hiện nay tại Tripoli là cơ hội cho các phe nhóm vũ trang lợi dụng. Vì thế, họ liên tục gây sức ép buộc Thủ tướng tạm quyền El-Keib thành lập nội các càng sớm càng tốt. Thế nhưng, việc ông El-Keib ký kết thoả thuận với Tổ chức Hồi giáo Libya do Abdul Hakim Belhadj đứng đầu cũng đã khiến nhiều người lo ngại. Nhân vật này là lãnh đạo các lực lượng quân sự tại Tripoli nhưng vốn dĩ là một thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan và cũng từng là đồng minh của lực lượng Taliban tại Afghanistan. Bên cạnh đó, còn có tin đồn Belhadj và đồng minh người Qatar – giáo sĩ Ali al-Sallabi là nhân viên tình báo của Qatar đang âm mưu gây ảnh hưởng, xây dựng một chính phủ hà khắc áp đặt Luật Sharia ở một quốc gia mà các tín đồ Hồi giáo theo chủ trương ôn hoà. Abdullah Naker – Lãnh đạo Hội đồng Cách mạng Tripoli với hàng ngàn quân trong tay – cũng đã bày tỏ thái độ bất phục nếu Thủ tướng tạm quyền El-Keib để Belhadj tham gia chính phủ.

Một tay súng thuộc Lữ đoàn Misrata kiểm soát tuyến đường nối Wershefana và Zawiyah – phía Tây Tripoli, nơi vừa diễn ra hàng loạt các cuộc đụng độ giữa các phe nhóm bộ tộc Zawiyah và Wershefana.

Mặt khác, cũng như một số “lãnh chúa” mới “trồi” lên tại Libya sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ, Abdullah Naker đòi phải được chia phần. Naker cảnh báo rằng, lực lượng của ông ta hoàn toàn có đủ khả năng lật đổ được chính quyền mới nếu như yêu cầu có đại diện trong chính phủ mới của ông ta không được đáp ứng. “Chúng tôi vẫn còn ở đây (Tripoli) và quyết định cuối cùng là của chúng tôi” – Naker nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters tại căn cứ của ông ta, nơi trước kia là trụ sở của một tập đoàn xây dựng thuộc sở hữu nhà nước. Naker đe doạ rằng, chỉ cần ở Libya xuất hiện “những kẻ độc tài mới” như Gaddafi, lực lượng của ông ta sẽ hành động. Vừa nói, Naker vừa cho phóng viên Reuters xem những hình ảnh video quay cảnh các tay súng bắn tên lửa Grad và lái xe tăng T-72.

Hôm 17.11, Naker đã có một cuộc hội đàm với phái đoàn quân sự đến từ Benghazi – trung tâm của cuộc nổi dậy và ra tuyên bố chung yêu cầu Thủ tướng El-Keib đáp ứng đề nghị của họ về việc tham gia chính phủ mới và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo trong quân đội. Cùng lúc đó, trong một cuộc họp tại thành phố Al-Baida, miền Đông Libya, khoảng 150 sĩ quan và hạ sĩ quan đã tiến cử thiếu tướng Khalifa Belgacem Haftar làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Libya. 

Ở một đất nước không có quân đội, không có cảnh sát như Libya hiện tại, việc thành lập một chính phủ dân chủ có đủ sức kiểm soát tình hình là một chuyện không hề dễ dàng. Thủ tướng El-Keib hiểu điều đó, ông cho rằng, để có một chính phủ có hiệu quả tại Libya, quyền lực phải được chuyển giao cho một lực lượng an ninh mới, và phải giải giáp các phe nhóm, các bộ tộc đang cát cứ khắp đất nước. Nói là nói vậy, trước mắt ông vẫn phải lắng nghe mọi yêu cầu của các phe nhóm vũ trang, các bộ tộc vì thực tế quyền lực thật sự đang nằm trong tay họ. Chỉ riêng việc chọn ai làm Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã làm Thủ tướng El-Keib đau đầu. Cả 3 lực lượng chính trong cuộc chiến lật đổ ông Gaddafi là Misrata, Benghazi và Zintan đều cho rằng họ xứng đáng giữ vị trí đó, ai cũng nói họ là người có công nhất.

Khi xây dựng nhân sự nội các, Thủ tướng El-Keib đã phải nhìn trước, ngó sau và nát óc suy nghĩ làm thế nào để tạo nên một sự cân bằng quyền lực trong chính phủ mới: từ các phe nhóm nổi dậy đến những nhân vật từng làm việc cho chính quyền ông Gaddafi, hoặc từ các nhà lãnh đạo thế tục đến các thế lực Hồi giáo.

“Sai một ly, đi một dặm”, chỉ cần một chút sơ sẩy, Libya sẽ rơi vào một cuộc nội chiến mới, còn phức tạp hơn cả Iraq hay Afghanistan. Bằng chứng rõ ràng nhất là tại Tripoli hằng ngày vẫn diễn ra những cuộc đọ súng, vẫn còn người chết.

Một điều mà ai cũng hiểu rằng, bất kỳ nơi nào mà Mỹ và NATO gây chiến, hậu quả và những tổn thương của nó sẽ còn kéo dài. Baghdad đó, Kabul đó, và bây giờ - hiển nhiên sẽ là Tripoli…

Đặng Hoàng Thái

Theo Reuters/AP