Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lịch sử thành môn học bắt buộc: Phải sửa đổi thông tư 32
Thứ ba: 23:15 ngày 19/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cần gấp rút sửa đổi Thông tư 32 năm 2018, vì thông tư này cụ thể hoá, hướng dẫn chi tiết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc sửa đổi thông tư chưa diễn ra.

Giáo viên Tây Ninh tập huấn thay SGK mới.

Thực hiện Nghị quyết 63/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT phải chuyển Lịch sử từ môn tự chọn thành bắt buộc. Sự thay đổi đột ngột này buộc ngành Giáo dục, các cơ quan quản lý, nhà trường phải điều chỉnh việc xếp tổ hợp môn học, tính toán lại đội ngũ giáo viên, kể cả việc sửa đổi nhiều văn bản, nghị quyết, quyết định và đặc biệt sửa đổi Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT- thông tư cụ thể hoá chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, sau khi Lịch sử thành môn học bắt buộc, phải điều chỉnh lại nội dung chương trình tổng thể của Chương trình phổ thông 2018. Chương trình tổng thể quy định, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp gồm nhóm môn học bắt buộc và nhóm môn tự chọn. Nội dung giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội gồm có: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hoá học, Sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật bao gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học. Như vậy, khi Lịch sử thành môn bắt buộc, có hai sự thay đổi đáng chú ý: tăng môn học bắt buộc từ 5 lên 6 môn và giảm số môn tự chọn từ 5 xuống 4 môn. Điều này dẫn đến không ít xáo trộn, nếu không muốn nói, cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã bị phá vỡ so với thiết kế ban đầu.

“Lịch sử là môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông. Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong chương trình tổng thể.

Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Chương trình môn Lịch sử hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại”.

Trích Thông tư 32, phần nói về đặc điểm môn Lịch sử cấp THPT.

Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, học sinh học 1.015 tiết/năm học (không kể các môn tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2), nếu học sinh có điều kiện lựa chọn học môn tự chọn thì tổng số tiết học có thể là 1.120 tiết/năm học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là không quy định số tiết học của mỗi môn trong tuần, chỉ quy định tổng số tiết học/năm học, điều này tạo thuận lợi cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. Sau khi Lịch sử thành môn học bắt buộc, số tiết của môn học này từ 70 tiết giảm còn 52 tiết/năm học, tức mỗi tuần một tiết rưỡi. 18 tiết bị cắt, Bộ GD&ĐT chủ trương chuyển đổi thành những bài học dạng chuyên đề, nâng cao.

“Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Bộ GD&ĐT đang điều chỉnh môn Lịch sử theo đúng yêu cầu nói trên của Nghị quyết 63, bảo đảm môn học này có phần bắt buộc với tất cả học sinh trung học phổ thông và có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng chuyên sâu về Lịch sử.

Kế hoạch của Bộ ban hành để tổ chức việc điều chỉnh phần bắt buộc, nên trong kế hoạch này không đề cập tới phần lựa chọn. Việc thực hiện phần lựa chọn theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018”- ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông thuộc Bộ GD&ĐT thông tin trước báo giới.

Ông Nguyễn Xuân Thành thông tin thêm, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp, chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (không còn 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Mặc dù thông cảm, chia sẻ những khó khăn của Bộ GD&ĐT nhưng ý kiến của ông Thành không nhận được sự tán thành của giới chuyên môn, bởi hai lý do cơ bản. Trong đó, việc tăng môn học bắt buộc, giảm môn học tự chọn sẽ dẫn đến rất nhiều thay đổi, kể cả sự lộn xộn.

Nhà trường, cơ sở giáo dục chỉ có thể thực hiện điều này khi có hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cần gấp rút sửa đổi Thông tư 32 năm 2018, vì thông tư này cụ thể hoá, hướng dẫn chi tiết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc sửa đổi thông tư chưa diễn ra.

Như từng đề cập, việc chuyển môn Lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc là một thách thức lớn về chuyên môn cho cả người dạy và người học. Môn học này, theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, được thiết kế hoàn toàn khác so với nội dung sách giáo khoa dành cho toàn bộ học sinh phổ thông của Chương trình năm 2000. Kế hoạch sửa đổi, điều chỉnh nội dung, biên soạn lại tài liệu môn Lịch sử, theo kế hoạch của Bộ, phải xong trước ngày 25.8.2022.

Trao đổi về vấn đề này, nhiều giáo viên dạy Lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước và ở Tây Ninh đều cho rằng, khung thời gian quá ngắn đó khó có thể hoàn thành việc chỉnh sửa nội dung, biên soạn tài liệu thay thế. “Tôi từng tham dự nhiều hội thảo, hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức về xây dựng, biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Riêng phần viết sách mất đến 3 năm.

Mỗi tác giả được giao viết một số bài, sau đó, hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá những bài nào tốt nhất rồi tập hợp thành tài liệu thống nhất. Phải mất rất nhiều khâu mới in ra được cuốn sách giáo khoa.

Tôi nghĩ thời gian một tháng không thể nào làm xong được khối lượng công việc đồ sộ như vậy, dù chỉ một môn Lịch sử. Cách tốt nhất hiện nay, là chỉ có thể lược bớt những nội dung trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 10, giống như hình thức giảm tải nội dung môn học.

Chỉ như vậy, may ra tránh được sai sót về nội dung”- một hiệu trưởng có gần 40 năm làm quản lý ở Tây Ninh cho biết. Mặt khác, sách giáo khoa lớp 10 (của tất cả các môn học) đã in xong, không thể không sử dụng, do đó, việc biên soạn tài liệu mới cho môn Lịch sử cần được cân nhắc thận trọng.

Xét theo thời gian, từ nay đến ngày bắt đầu năm học mới chỉ còn hơn một tháng, nếu không có dịch bệnh, năm học mới còn diễn ra sớm hơn (từ 20 - 25.8) hằng năm, học xong vài tuần mới khai giảng. Thế nhưng cho đến thời điểm này, việc sắp xếp nhóm môn học tự chọn, bố trí lại môn học như thế nào, nhà trường vẫn chưa thể thực hiện.

Trên nguyên tắc, để có cơ sở thực hiện sự thay đổi này, ít nhất phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 32 năm 2018. Đó còn chưa kể Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình giáo dục phổ thông mới đều đang có hiệu lực.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục