Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiêu thụ nông sản sạch:
Liên kết để nông dân hưởng lợi nhiều hơn
Chủ nhật: 23:36 ngày 15/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lâu nay, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn được các ngành chức năng chú trọng, nhất là đối với những sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch VietGAP, GlobalGAP… Tuy nhiên đến nay, kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi, sản phẩm nông nghiệp sạch vẫn còn loay hoay tìm đầu ra bền vững…

Đóng gói mãng cầu NATANI. Ảnh: Thành Nhân

Hợp tác để không còn “phập phù” theo giá cả

Thời gian qua, Công ty cổ phần Nanati tung ra thị trường sản phẩm trái mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, công ty đã liên kết với khoảng 20 nông dân canh tác mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 200 ha trên địa bàn các xã Tân Bình, Thạnh Tân- thành phố Tây Ninh và xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.

Để có được kết quả trên, giữa công ty và người nông dân cũng có những khó khăn bước đầu trong việc cùng nhau tìm tiếng nói chung xây dựng thương hiệu trái mãng cầu Natani. Ông Nguyễn Nam Thoảng, ngụ xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh cho biết, ông ký hợp đồng liên kết với công ty hơn 2 năm qua, trồng mãng cầu trên diện tích khoảng 6 ha và hiện tại ông tập trung chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chứ không còn lo lắng giá cả lên xuống như trước đây.

Theo ông Thoảng, với mức giá được công ty ký hợp đồng ngay từ đầu vụ, người trồng liên kết với công ty như ông nắm chắc tiền lãi mỗi vụ khoảng 50 triệu đồng/ha. Khác với trước đây, có vụ lãi 100 triệu đồng/ha, có vụ chỉ khoảng 20 triệu đồng, thậm chí có vụ thu hoạch xong còn lỗ.

Điều quan trọng là khi liên kết, ngoài việc được công ty hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, ý thức của người nông dân về canh tác sản phẩm sạch cũng được nâng lên. Trước đây, ông Thoảng cũng như nhiều người nông dân khác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng vô tội vạ, miễn sao quả mãng cầu được to đẹp mà không quan tâm đến sức khoẻ của người tiêu dùng và cả người sản xuất. Còn bây giờ, việc sử dụng thuốc phải theo sự hướng dẫn của công ty.

Một vấn đề nữa là giữa người nông dân và công ty phải tìm được tiếng nói chung; và phải có sự tin tưởng lẫn nhau trong quá trình hợp tác. Theo ông Thoảng, cũng có vài trường hợp khi thấy giá mãng cầu thấp họ hợp tác với công ty nhưng khi giá cao lại bán cho thương lái. Các trường hợp này đã bị công ty loại ra, không cho hợp tác với công ty nữa.

Còn ông Nguyễn Văn Đỏ- thành viên HTX rau an toàn Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành cho rằng, việc HTX tìm được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khiến người nông dân hết sức phấn chấn. Về mặt giá cả, do được ký hợp đồng ngay từ đầu nên nông dân không quan tâm đến thị trường lên xuống thế nào, mà chỉ chuyên tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do HTX ký hợp đồng chưa nhiều nên xã viên vẫn còn phải bán cho thương lái với giá thị trường, đây là điều thiệt thòi vì là sản phẩm sạch mà phải bán bằng giá với các sản phẩm không được sản xuất theo quy trình sản xuất rau sạch. 

Ông Hoàng Phú Hậu- Giám đốc HTX nông nghiệp Hùng Hậu, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết, việc liên kết hợp tác sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp mang lại rất nhiều thuận lợi, nhất là cho người nông dân. HTX chủ yếu canh tác lúa nên khi ký kết hợp đồng, nông dân đã biết giá lúa canh tác trong vụ mùa có lãi, không còn lo chuyện “được mùa mất giá”. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ thêm cho nông dân nếu giá cả thị trường lên cao.

Dù vậy, theo ông Hậu, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như trước khi ký hợp đồng, nông dân thường đưa ra giá cao mà không tính đến chi phí, điều kiện vận chuyển của doanh nghiệp. Khi nông dân hiểu được vấn đề này, việc tìm được tiếng nói chung, sự tin tưởng giữa nông dân và doanh nghiệp tăng lên theo thời gian. Hiện HTX đang thương thảo để ký hợp đồng sản xuất 500 ha lúa chất lượng cao với một doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng phải tạo niềm tin cho nông dân 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc HTX rau an toàn Long Mỹ, việc ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích. Nông dân biết trước sản phẩm mình sản xuất được bán với giá như thế nào, lợi nhuận ra sao, còn doanh nghiệp tiêu thụ biết trước được sản phẩm mình thu mua là sản phẩm sạch, đạt chuẩn. Thời gian qua, HTX ký hợp đồng đưa sản phẩm rau sạch vào các trường học và một số hệ thống phân phối. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các trường học tạm nghỉ nên việc tiêu thụ sản phẩm của các thành viên gặp khó khăn, phải bán cho thương lái. 

Hiện HTX chỉ tiêu thụ khoảng 50% sản lượng, do đó trong thời gian tới, HTX đẩy mạnh công tác makerting để tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường, bảo đảm tất cả các sản phẩm đều được bán theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Mục tiêu của HTX sẽ tiến tới sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển thị trường thuận lợi hơn và mang lại lợi ích kinh tế cho thành viên nhiều hơn nữa.

Ông Nguyễn Thế Tân- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Natani cho biết, công ty quan tâm chăm sóc vườn của bà con như vườn của  chính công ty, qua đó bà con thật sự cảm nhận được những gì công ty đã cam kết là sự thật, và mang lại lợi ích thiết thực cũng như giá trị họ đang cần.

Mặt khác, từ trước khi ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, công ty đã chia sẻ với từng nhà vườn về tâm huyết và mục tiêu hướng đến của mình, chia sẻ quy trình canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Khi liên kết với Công ty Natani, bà con sẽ được bảo đảm 3 giá trị: về kinh tế, về sự phát triển bền vững của vườn mãng cầu và lòng tự hào khi sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho người tiêu dùng… là những yếu tố chính để bà con yên tâm hợp tác bền lâu với doanh nghiệp.

Nhìn ở một khía cạnh khác, nếu nói thương lái “ép giá” nhà vườn thì thật sự không công bằng trong nền kinh tế thị trường vốn “thuận mua, vừa bán”. Hơn nữa, định giá cho một sản phẩm đúng với giá trị của nó là do người tiêu dùng (NTD) quyết định, chứ không phải do thương lái. Vì vậy, sản phẩm khi đưa ra thị trường phục vụ cho NTD thì trước hết phải bảo đảm chất lượng, người sản xuất phải tự tin và cam kết về chất lượng của sản phẩm. Thử hỏi, sản phẩm do chính mình làm ra mà mình còn không tự tin sử dụng thì làm sao bán được cho NTD? 

Để làm được thương hiệu mãng cầu Bà Đen Tây Ninh, chinh phục niềm tin của NTD, trước hết, sản phẩm phải có chất lượng, an toàn. Để có những sản phẩm như thế giới thiệu cho khách hàng (các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng trái cây…), thời gian đầu, Natani hết sức vất vả thuyết phục nhà vườn canh tác theo quy trình “hữu cơ vi sinh” lấy nền tảng VietGAP làm chuẩn, và chấp nhận bù lỗ vì thu mua giá rất cao để nhà vườn cùng hợp tác thực hiện. 

Ông Nguyễn Nam Thoảng tại vườn mãng cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong chương trình hợp tác với Công ty Natani.

Khi đã có được những sản phẩm đạt chất lượng như ý, Natani giới thiệu sản phẩm đến các chuỗi siêu thị, chuuỗi cửa hàng và tham gia những sự kiện lớn, nhỏ khắp mọi miền đất nước với mục tiêu cho NTD biết đến sản phẩm. Với tất cả niềm tin và tâm huyết, Natani dần chinh phục được NTD cũng như các hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng bán lẻ phân phối sản phẩm mãng cầu Bà Đen Tây Ninh từ Bắc vào Nam.

Có được thành quả bước đầu, Natani có thêm động lực và quyết tâm giữ vững chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì nhằm tôn vinh thêm giá trị cho sản phẩm và cũng là cách tôn trọng, tri ân NTD đã ủng hộ sản phẩm mãng cầu Bà Đen Tây Ninh.

Đến nay, sản phẩm mãng cầu Bà Đen Tây Ninh thương hiệu Natani đã có mặt tại các siêu thị lớn có uy tín như hệ thống siêu thị AEON, Co.opMart, Vinmart, Lotte, Emart, Big-C… chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh, các cửa hàng trái cây sạch khắp các tỉnh, thành cả nước từ Hà Nội, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ… xuất đi một số quốc gia ở Bắc Mỹ, Trung Đông…v.v.. thông qua các đối tác chuyên xuất khẩu trái cây tươi.

Như vậy có thể thấy rằng, tạo được niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa đủ, mà doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm thị trường, có thị trường rộng lớn mới tiêu thụ được sản phẩm; và người nông dân không còn phải lo sợ cảnh được mùa, mất giá để an tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh