Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Liên kết tiêu thụ nông sản: Doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi 

Cập nhật ngày: 11/03/2023 - 15:46

BTN - Đối với những nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết - tiêu thụ, thì sản phẩm được bao tiêu đầu ra, thu nhập ổn định, giảm rủi ro về giá cả, an tâm sản xuất.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng chuối tại một HTX trên địa bàn huyện Tân Châu

Ðến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã liên kết, hình thành được nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và mô hình “cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa và vùng trồng rau màu tập trung, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao.

Song, nhiều diện tích sản xuất rau màu, lúa và nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi thô thông qua thương lái vì chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Nông dân tại nhiều nơi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường về chất lượng, số lượng, từ đó giá bán sản phẩm thấp và chưa ổn định.

Thời gian qua, để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh, đồng thời triển khai các giải pháp như ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh và khuyến khích các hộ nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác.

Kết quả, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh như chuỗi giá trị trồng trọt đối với cây mì, mía, mãng cầu, chuối, lúa…

Các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ được hình thành giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm chi phí sản xuất và ổn định về số lượng đầu vào; kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thu mua, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; tiếp cận được nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ liên kết và phát triển sản xuất nông nghiệp; được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Nông dân huyện Gò Dầu thu hoạch dưa lưới.

Còn đối với nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết - tiêu thụ, thì sản phẩm được bao tiêu đầu ra, thu nhập ổn định, giảm rủi ro về giá cả, an tâm sản xuất. Ngoài ra, nông dân được đào tạo, tập huấn, tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh; được hỗ trợ về vốn từ các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Ông Hoàng Hữu Hậu- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, HTX liên kết với các doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đứng ra thương lượng, xây dựng hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm hài hoà lợi ích lâu dài cho đôi bên.

Năm nay, người dân ở ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành không còn lo đầu ra cho cây lúa, vì đã có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đứng ra đầu tư và thu mua sản phẩm sau thu hoạch đối với cây lúa tím, một loại giống lúa mới cho năng suất cao.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư mỗi héc-ta 150kg lúa tím giống cho người dân, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ lúa tươi và khô của người dân với giá cao hơn 500.000 đồng/kg so với giá lúa trồng đại trà trong khu vực. Năng suất lúa tím dự kiến từ 6,5 tấn đến 7 tấn lúa tươi/ha, nông dân sẽ có lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/ha.

Công nhân sơ chế chuối tại một HTX trồng chuối trên địa bàn huyện Tân Châu

 

Ông Phạm Văn Dô- Trưởng ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh cho biết, nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất thí điểm lúa giống được hưởng 5 triệu đồng tiền lúa giống. Trong thời gian sản xuất, nếu cây lúa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 50% chi phí cày bừa cho người dân.

Theo Sở NN&PTNT, để liên kết chuỗi được bền vững thì quyền lợi phải hài hoà giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời các bên tham gia cần có sự cam kết: nông dân cam kết sản xuất theo quy trình, không bán nông sản cho đơn vị khác khi thị trường được giá; doanh nghiệp không ép giá hoặc đẩy rủi ro cho nông dân khi thị trường mất giá.

Muốn nhận thức được điều này trong sản xuất nông nghiệp, ông Hoàng Hữu Hậu kiến nghị: “Ngành chức năng cần tuyên truyền về lợi ích và yêu cầu thiết yếu của việc liên kết, qua đó thay đổi nhận thức của người dân và các bên liên quan về tuân thủ hợp đồng liên kết. Hỗ trợ củng cố, nâng cao chất lượng và năng lực đội ngũ quản lý hợp tác xã, giúp hợp tác xã tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp có quy mô lớn và uy tín để liên kết, hợp tác”.

Trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích sản xuất mía là 6.135,6 ha, hầu hết diện tích đều được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy đường Thành Thành Công - Biên Hoà từ đầu vụ. Đối với cây mãng cầu, diện tích sản xuất chiếm 5.494,7 ha, trong đó có khoảng 200 ha mãng cầu liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Natani và Hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân.

Tổng diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh là 1.995,8 ha, trong đó, khoảng 196 ha chuối già Nam Mỹ của Công ty TNHH Huy Long An và Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hoà có hợp đồng xuất khẩu được ký kết sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc.

Về cây lúa, đang triển khai xây dựng chuỗi liên kết giữa Công ty CP sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt và nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhi Trần