Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Công ty Cổ phần Thành Thành Công–Biên Hoà (TTCS) triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn, đồng thời chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía cho nông dân.
Trồng dặm stump bầu.
Cánh đồng mía tại khu vực ấp Thanh An, xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) có cơ sở hạ tầng và hệ thống tưới tiêu phù hợp cho việc xây dựng cánh đồng mía lớn. Ông Nguyễn Hữu Nghị, một trong những nông dân tham gia mô hình cho biết, vụ này, ông liên kết với các nông dân có đất sản xuất trên địa bàn để trồng mía với diện tích khoảng 40 ha. Trong quá trình sản xuất, áp dụng cơ giới hoá từ khâu làm đất, trồng bằng máy, chăm sóc… bên cạnh đó, ông cũng cải tạo hệ thống kênh mương, thuỷ lợi để phục vụ cho việc tưới, tiêu.
Trước đó, khu vực này, nông dân trồng nhiều loại cây như lúa, mì, rau màu và mía nên khó áp dụng cơ giới hoá đồng bộ; ngoài ra, nhu cầu nước tưới cho các loại cây trồng cũng khác nên việc triển khai cánh đồng lớn còn khó khăn.
Phun chế phẩm phân bón lá cho cây mía.
Để thực hiện mô hình, ông Nghị cùng cán bộ Trạm Nông vụ 4 (TTCS) kiên trì vận động, thuyết phục các nông dân liên kết cánh đồng lớn, chuyển đổi sang trồng mía. Nhằm khai thác lợi thế cánh đồng mía lớn, trong quá trình triển khai, nông dân cùng cán bộ Trạm chú ý đến vấn đề quy hoạch đồng ruộng, bố trí lô thửa phù hợp với mùa vụ, giống mía, đồng nhất quy trình canh tác; áp dụng cơ giới hoá, thuỷ lợi nội đồng, tưới tiêu chủ động theo nhu cầu cây mía.
Ngoài ra, nông dân còn trồng xen dưa hấu với mía ở giai đoạn cây mía còn nhỏ, từ đó tận dụng được nguồn phân bón, nước tưới cho dưa hấu. Mô hình trồng xen còn giúp che phủ cỏ dại cho mía, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển và tăng thu nhập cho nông dân. Theo ông Nghị, để thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn thì phải liên kết nhiều nhà, nông dân cũng phải liên kết với nhau, vụ Hè Thu tới đây, ông dự kiến mở rộng thêm 25 – 30 ha.
Trồng xen dưa hấu trong ruộng mía.
Ông Phan Công Tỷ – Trưởng Trạm Nông vụ 4 cho biết, khu vực này hiện có nhiều loại cây trồng, lúc liên kết có một số hộ chưa đồng thuận, do đó còn một số diện tích nhỏ (trồng mì, lúa) xen lẫn với mía. Tới đây, Trạm sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia cánh đồng lớn, đồng thời nghiên cứu, sắp xếp lại lịch thu hoạch để nông dân yên tâm sản xuất và liên kết mở rộng vùng nguyên liệu.
“Nếu liên kết được toàn bộ diện tích sẽ thuận lợi cho vấn đề cơ giới hoá. Hiện nay, mới cơ giới được ở khâu trồng và chăm sóc, còn thu hoạch bằng máy chỉ được một phần diện tích. Cánh đồng này có diện tích khoảng 200 ha, nếu liên kết toàn bộ thì việc thu hoạch sẽ được chuyển sang cơ giới hoá hoàn toàn, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân”- ông Tuỷ cho biết thêm.
TTCS vừa thông báo chính sách đầu tư trồng mía Hè Thu 2021 và chính sách bảo hiểm giá mua mía 3 vụ thu hoạch tiếp theo. Theo đó, giá thu mua mía sạch 10 CCS tại ruộng (trên phương tiện vận chuyển) từ 950.000 đồng – 1.112.000 đồng/tấn (tuỳ theo đối tượng khách hàng và khu vực; vụ trồng); bảo hiểm chữ đường là 8.5 CCS.
Bảo hiểm giá thu mua mía 3 vụ thu hoạch tiếp theo (từ năm 2021 – 2024) với mức tối thiểu là 850.000 đồng/tấn và tối đa 920.000 đồng/tấn mía 10 CCS tại ruộng (tuỳ theo cự ly và vùng nguyên liệu). Trợ giá mua mía Hè Thu là 100.000 đồng/tấn (cao hơn so với chính sách chung mía nguyên liệu/ mía giống cùng thời điểm).
Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu tạm ứng trước tiền mía, định mức ứng trước tối đa 3.000.000 đồng/ha. Mục đích ứng cho nhu cầu giống, vật tư, dịch vụ cơ giới, tưới mía. Hình thức ứng gồm: tiền mặt/ hom giống/ vật tư/ dịch vụ cơ giới/ tưới mía, tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Bảo hiểm chữ đường trong trường hợp thu hoạch làm nguyên liệu 9,5%. Điều kiện áp dụng: mía phải thu hoạch làm nguyên liệu do không có nhu cầu giống hoặc mía không đủ điều kiện làm giống; mía thu hoạch từ 7 giờ ngày 1.3.2022.
Giang Hà