Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chỉ ở các KCN, CCN và khu kinh tế cửa khẩu nhu cầu đất san lấp cần không dưới 50 triệu mét khối- đó là chưa kể các công trình giao thông cũng đang đòi hỏi gấp rút nâng cấp, xây dựng. Thực tế liệu Tây Ninh có đủ nguồn đất đáp ứng nhu cầu này hay không?
Từ khi nước ta gia nhập WTO, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Hơn nữa, Tây Ninh cũng tỏ ra có nhiều lợi thế để nâng cao khả năng thu hút đầu tư như: là một trong những tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm sát cạnh thành phố HCM năng động, là cầu nối giữa các nước ASEAN và Việt Nam thông qua trục đường Xuyên Á với các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát… Từ đó trong những năm gần đây Tây Ninh đã mở rộng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, có một vấn đề lúc đầu tưởng chừng như nhỏ, nhưng đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn- đó là đất san lấp mặt bằng.
Nhu cầu đất san lấp mặt bằng ngày càng lớn. |
Ngoài Khu Công nghiệp Trảng Bàng đã cơ bản lấp đầy, năm 2004 Tây Ninh đã quy hoạch 8 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh là: Trâm Vàng, Chà Là, Trường Hoà, Bến Kéo, Bình Minh, Thạnh Tân, Tân Bình và Thanh Điền. Năm 2007 Tây Ninh tiếp tục quy hoạch bổ sung thêm nhiều khu, cụm công nghiệp mới như: KCN Hiệp Thạnh I, KCN Hiệp Thạnh Rạch Sơn; KCN Gia Bình; CCN Bàu Rông; CCN Tân Hội… Năm 2008, Tây Ninh tiếp tục quy hoạch thêm 2 KCN có quy mô lớn diện tích rất lớn như: Khu Liên hợp công nghiệp -dịch vụ -Phước Đông Bời Lời có diện tích quy hoạch đến 3.000 ha; KCN Bourbon- An Hoà có diện tích quy hoạch hơn 1.000 ha. Tổng diện tích đất quy hoạch các KCN, CCN ở Tây Ninh đến nay lên đến hơn 8.000 ha, trong đó có một số diện tích đã triển khai xây dựng và phần lớn diện tích còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để chuẩn bị triển khai. Khi các KCN, CCN triển khai thì một trong những vấn đề đang ngày trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư là nguồn đất san lấp mặt bằng.
Theo nhận định của ngành chức năng, đặc điểm địa hình tỉnh Tây Ninh là nghiêng theo hướng Đông Bắc- Tây Nam. Phía Bắc tỉnh Tây Ninh có địa hình đồi núi dốc với độ cao trung bình từ 10- 15 mét, còn phía Nam tỉnh thì có địa hình đồng bằng với độ cao trung bình khoảng 3- 4 mét. Vì vậy, đối với các huyện phía Bắc, việc tôn tạo nền cho các công trình xây dựng sẽ nhẹ hơn so với các huyện phía Nam. Theo đó, các KCN, CCN thuộc các huyện phía Bắc sẽ có độ cao san lấp trung bình chỉ từ 0,3- 0,5 mét, còn ở các huyện phía Nam thì có độ cao san lấp trung bình cao hơn- khoảng từ 0,5- 0,8 mét. Thực tế những KCN có quy mô diện tích lớn thì hầu hết tập trung ở các huyện phía Nam tỉnh nên nhu cầu đất san lấp đã lớn càng thêm lớn. Từ độ cao trung bình này nhân với diện tích dự báo tổng khối lượng đất san lấp đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng cho tất cả các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 45 triệu mét khối đất. Trong đó, trong năm 2010 và vài năm tới khối lượng đất san lấp cần đến hơn 40 triệu mét khối do hai KCN Phước Đông- Bời Lời và Bourbon- An Hoà đang trong quá trình triển khai xây dựng. Ngoài ra, ở Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát đang trong giai đoạn triển khai mạnh mẽ- trước mắt tập trung vào các KCN trong khu đô thị cửa khẩu hiện nay và vài năm tới cũng rất cần có nguồn đất san lấp mặt bằng. Như vậy, chỉ ở các KCN, CCN và khu kinh tế cửa khẩu nhu cầu đất san lấp cần không dưới 50 triệu mét khối- đó là chưa kể các công trình giao thông cũng đang đòi hỏi gấp rút nâng cấp, xây dựng. Thực tế liệu Tây Ninh có đủ nguồn đất đáp ứng nhu cầu này hay không?
Theo con số thống kê từ ngành chức năng, trong những năm qua Tây Ninh đã phát hiện, đánh giá được 16 mỏ đất phún với trữ lượng hơn 92 triệu mét khối và 43 mỏ laterit với trữ lượng gần 100 triệu mét khối. Đây là các loại vật liệu san lấp mặt bằng. So với dự báo trữ lượng này thì Tây Ninh không thiếu đất san lấp mặt bằng cho tất cả các KCN, CCN theo quy hoạch hiện nay. Hơn nữa, điểm thuận lợi là trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã ở Tây Ninh đều có mỏ đất san lấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc tổ chức khai thác đất san lấp mặt bằng có nơi hết sức bừa bãi, lộn xộn do quản lý lỏng lẻo. Hậu quả là môi trường ngày càng bị suy thoái, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất các khu vực lân cận. Ngoài ra, cũng có không ít nhà thầu khai thác lợi dụng nhu cầu đất san lấp mặt bằng ngày càng cao nên đã đầu cơ nâng giá gây khó khăn cho các đơn vị thi công các công trình. Trong năm 2009, việc cơi giá đất san lấp mặt bằng đã gây không ít bức xúc cho các chủ đầu tư công trình.
Còn rất nhiều diện tích ở các KCN chưa san lấp mặt bằng |
Để tránh tình trạng khai thác bừa bãi, ngành chức năng đã thống nhất đưa ra tiêu chí xác định chủng loại đất được sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, cụ thể là: đất gò đồi, đất hoang hoá, đất bạc màu không thể sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất không hiệu quả. Việc tổ chức khai thác đất san lấp phải tập trung, cách xa khu dân cư. Việc khai thác phải tổ chức quản lý chặt chẽ như: giới hạn độ sâu, sử dụng mỏ sau khi khai thác. Đồng thời việc xác định cụ thể vị trí, diện tích khai thác đất san lấp được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương và giao cho các huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Về lâu dài, số lượng và diện tích quy hoạch phát triển các KCN, CCN ở Tây Ninh sẽ còn gia tăng. Lúc đó nhu cầu đất san lấp mặt bằng cũng sẽ gia tăng theo nên có thể trữ lượng ở các mỏ đã phát hiện không còn đủ cung ứng. Ngành chức năng đề nghị cần có kế hoạch nghiên cứu sử dụng nguồn đất trong các khu bán ngập thuộc lòng hồ Dầu Tiếng để có thể khai thác sử dụng lâu dài, bởi vì ở đây đang là nguồn dự trữ vật liệu san lấp khá phong phú.
SƠN TRẦN