BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2015:

Liệu có thành công ?

Cập nhật ngày: 01/07/2014 - 10:26

 

Một nhà trọ công nhân ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.

NHÀ Ở XÃ HỘI CHẬM PHÁT TRIỂN

Sở Xây dựng– cơ quan soạn thảo kế hoạch phát triển nhà ở cho biết, năm 2013, tính bình quân, mỗi người dân trên địa bàn tỉnh có diện tích nhà ở khoảng 26,37m2. Tổng số lượng nhà ở trên địa bàn tỉnh hiện nay ước tính khoảng 275.500 căn, được phân thành nhiều loại: nhà ở riêng lẻ do dân tự xây mới, cải tạo; nhà ở thương mại; nhà ở cho công nhân… Ngoài số lượng lớn nhà ở riêng lẻ của từng hộ dân, có hai loại nhà mang tính đặc thù là nhà ở thương mại và nhà ở cho công nhân. Theo số liệu do Sở Xây dựng công bố,  giai đoạn 2008 – 2013, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án phát triển nhà ở thương mại được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, tuy nhiên đến nay chỉ triển khai xây dựng được 2 dự án. Đó là Dự án khu phố thương mại thị trấn Trảng Bàng thuộc huyện Trảng Bàng xây dựng 29 căn, do Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh làm chủ đầu tư và Dự án khu dân cư ấp Bình Phong, huyện Châu Thành 39 căn, do Công ty cổ Phần Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh và Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Tây Ninh làm chủ đầu tư.

Đối với nhà ở cho công nhân, hiện toàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động là Khu công  nghiệp Trảng Bàng; Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III; Khu công nghiệp Bourbon-An Hoà; Khu công nghiệp Phước Đông và Khu công nghiệp Chà Là. Trong các khu công nghiệp vừa nêu, Công ty Sepzone- Linh Trung III đã xây dựng 1 khu lưu trú dành cho công nhân, cung cấp nhà ở cho 760 người; Công ty Ichihiro giải quyết được 480 chỗ. Tại Khu công nghiệp Phước Đông, Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG đã xây dựng 100 căn, hiện đang triển khai xây dựng thêm 58 căn đáp ứng khoảng 632 chỗ ở, Công ty TNHH Brotex đã xây dựng 68 căn đáp ứng 288 chỗ ở.

Bên trong phòng trọ của công nhân ở huyện Trảng Bàng

Ngoài những khu nhà được xây dựng bởi các nhà đầu tư, theo số liệu thống kê, số lượng phòng trọ do các hộ dân xây dựng cho công nhân thuê, và các khu lưu trú dành cho công nhân của các công ty xây dựng đáp ứng được khoảng gần 22.000 chỗ ở cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu trong giai đoạn 2015.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, bên cạnh những mặt đã làm được, vấn đề nhà ở trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể là, số lượng nhà ở tuy có tăng về chất và lượng nhưng chưa đồng đều, thiếu tính bền vững. Số lượng nhà thiếu kiên cố còn khá phổ biến, chưa đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao của người dân. Mục tiêu giảm, xoá nhà tạm, nhà đơn sơ tuy đạt về số lượng nhưng thiếu bền vững. Quy hoạch xây dựng chi tiết các khu vực đô thị, cụm dân cư nông thôn vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa lập quy hoạch chi tiết nên việc phát triển nhà ở thiếu sự đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng. Các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch triển khai còn chậm, nhất là dự án phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên và cán bộ, công chức… Tương tự, vấn đề phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của xã hội.

NHU CẦU CẦN THIẾT

Theo Sở Xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở của nhân dân, phát triển đô thị và nông thôn bền vững. Kế hoạch này còn nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhân dân và người lao động, từng bước hình thành và phát triển quỹ nhà ở xã hội dành cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc các lực lượng vũ trang, công nhân, người có thu nhập thấp, giáo viên thuê, mua.

Theo kế hoạch, trong thời gian từ nay đến 2015 sẽ  tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở tạm, nhà thiếu kiên cố, triển khai các dự án phát triển nhà ở, các chương trình mục tiêu về phát triển nhà ở, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Theo nội dung bản kế hoạch, sẽ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên các huyện Bến Cầu, Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội cho nhiều nhóm đối tượng và các khu dân cư. Đơn cử: Khu dân cư Chi Lăng, phường 3, thành phố Tây Ninh; dự án nhà ở xã hội trong khu đô thị dịch vụ thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời; dự án phát triển nhà ở xã hội trong khu phố thương mại và nhà ở xã hội thị trấn Trảng Bàng; dự án khu dân cư Khu phố 1, phường 3, thành phố Tây Ninh; dự án xây dựng khu dân cư tái định cư khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh; dự án nhà ở công nhân ở Khu công nghiệp Chà Là và Khu công nghiệp Phước Đông.

Cũng theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cụ thể là hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở giai đoạn 2 cho khoảng 1.200 hộ với giá thành xây dựng trung bình khoảng 37 triệu đồng/căn... Xây 300 căn nhà cho hộ nghèo bị mất đất, gặp khó khăn về nhà ở với giá thành trung bình khoảng 70 triệu đồng/căn.

Đối với nhà ở thương mại, theo kế hoạch sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng 3 dự án: Dự án nhà ở thương mại thị trấn Tân Biên, số lượng khoảng 10 căn, diện tích sàn xây dựng khoảng 4.457 m2; Dự án nhà ở thương mại khu phố 2 thị trấn Tân Biên số lượng khoảng 25 căn, diện tích sàn xây dựng khoảng 7.136 m2; Dự án khu phố thương mại và nhà ở xã hội thị trấn Trảng Bàng, số lượng khoảng 70 căn, diện tích sàn xây dựng khoảng 23.317 mét vuông.

Theo đơn giá hiện hành, nhà ở xã hội có giá 3 triệu đồng một mét vuông sàn, liệu công nhân có mua nổi. Trong ảnh: một công nhân KCN Trảng Bàng đang chuẩn bị bữa cơm chiều trong phòng trọ.

Xung quanh kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, tại phiên họp hôm 18.6 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang cho rằng, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, tính toán xem liệu xây nhà xong có bán được hay không. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch phát triển nhà ở, nhưng đề nghị các ban, ngành có liên quan xem xét bổ sung để hoàn chỉnh kế hoạch, vì phát triển nhà ở là một vấn đề lớn nên một mình Sở Xây dựng không thể tính toán hết được.

Theo ông Trịnh Ngọc Phương, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và hiện là Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, việc phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh là nhu cầu cần thiết của xã hội, nhằm đảm bảo chỗ ở cho nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó trong điều kiện hiện nay còn nhiều vấn đề khó khăn cho việc tiến hành và tổ chức thực hiện. Thực tế, rào cản nằm ở chỗ Luật Nhà ở 2005. Cho đến nay, nhiều cơ chế chính sách phát triển nhà ở vẫn chưa đi vào cuộc sống do thiếu tính thực thi và tính định hướng. Khi được hỏi về tính khả thi của bản kế hoạch, ông Phương nhận định: “Kế hoạch phát triển nhà của tỉnh đạt yêu cầu đặt ra theo quy hoạch nhưng tính khả thi không cao lắm, nhất là trong tình hình hiện nay. Sau khi xem xét, tôi thấy kế hoạch sẽ có tính khả thi nếu tỉnh tập trung mọi nguồn lực vào thực hiện nhanh chóng các dự án: Khu dân cư cầu Sài Gòn 2; nhà ở cho công nhân khu, cụm công nghiệp (nếu được, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ cho người dân xây nhà trọ cho công nhân theo đúng tiêu chuẩn để tránh tình trạng xây tự phát, chính quyền không quản lý được, đồng thời đáp ứng nhu cầu phục vụ công nhân); nhà ở cho người có công; nhà 167 giai đoạn 2, qua đó tăng diện tích nhà ở của tỉnh lên cao. Riêng nhà cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị nên chọn nhà đầu tư có nguồn lực mạnh để tranh thủ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ thì sẽ thành công. Còn về các dự án nhà thương mại, theo tôi, trong tình hình hiện nay không nhà đầu tư nào dám triển khai, nhất là ở Tây Ninh, bởi khả năng thanh khoản không có, chưa kể nhà ở thương mại không được ưu đãi như nhà ở xã hội. Thực tế hai khu nhà ở Tân Biên gần 3 năm nay chưa triển khai được, còn khu nhà ở Bình Phong đến nay không giải quyết được, cuối cùng uỷ ban cho phép bán nền nhưng buộc xây dựng theo quy hoạch”.

VIỆT ĐÔNG