Thế giới nóng lên không chỉ vì quan ngại chuyện vũ khí hoá học được sử dụng tại Syria, mà còn lo cho viễn cảnh Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự vào nước này
|
Khoảng khắc bình yên hiếm hoi ở thành phố Deir al-Zor, miền Đông Syria. Ảnh: Reuters |
Trong những ngày cuối tuần qua, Nga lớn tiếng cảnh báo Mỹ không nên viện cớ Syria sử dụng vũ khí hoá học một cách vô căn cứ để can thiệp quân sự, như đã từng làm ở Iraq. Cho đến bây giờ nghi án vũ khí hoá học được sử dụng tại Syria vẫn chưa thể xác định, khi chính quyền Damascus chỉ đích danh phe đối lập nhận loại vũ khí này từ Thổ Nhĩ Kỳ và mời Nga sang kiểm chứng. Ngược lại, phe đối lập phản đối việc mời Nga đến khảo sát tỉnh Khan al-Assal hay thành phố Damascus và Homs, những nơi mà phe này cáo buộc quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hoá học.
Thế giới nóng lên không chỉ vì quan ngại chuyện vũ khí hoá học được sử dụng tại Syria, mà còn lo cho viễn cảnh Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự vào nước này, tạo thêm một thiên đường mới cho Al-Qaeda như ở Iraq, Libya. Thế nhưng theo các nhà phân tích, Tổng thống Barack Obama sẽ không vội vàng động binh, mà sẽ tìm mọi cách lôi kéo đồng minh cùng nhảy vào “bãi lầy” này. Hồi tháng rồi, Tướng Martin Dempsey – cố vấn quân sự cao cấp của Tổng thống Mỹ nhận định, ông hoàn toàn không thấy có bất cứ lợi lộc gì khi Mỹ can thiệp vào Syria. Lầu Năm Góc đã rút ra được bài học kinh nghiệm sau việc phát động cuộc chiến Iraq từ những thông tin tình báo sai lệch về vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Saddam Hussein, nên liên tục cảnh báo Nhà Trắng những nguy cơ khó lường khi can thiệp vào Syria.
Giải pháp thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria được bàn nhiều nhất, nhưng không ít tướng lĩnh e ngại sức mạnh phòng không của Syria, vốn sở hữu nhiều hệ thống tên lửa tiên tiến do Nga sản xuất. Trong khi việc thiết lập “vùng an toàn” cho phe đối lập bên trong lãnh thổ Syria dọc theo biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ lại buộc Mỹ phải tính đến việc củng cố khả năng phòng vệ dưới mặt đất.
Theo các quan chức tình báo CIA Mỹ, trước khi quyết định có đánh Syria hay không, ông Obama sẽ phải huy động mọi nguồn lực để phân tích mọi hậu quả về sau, việc này tốn không ít thời gian. Chừng đó cũng đủ để chính quyền Damascus có những động thái ngăn cản từ xa, trong đó có việc tranh thủ sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Mà điển hình nhất là việc Syria đang xin gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải- SCO (gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
TRINH DƯƠNG
(tổng hợp)