Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khiến nhiều người lo ngại, một cuộc chiến tranh mới sẽ bùng phát ở khu vực Đông Bắc Á với những hậu quả khó lường được khi vào lúc này người ta nghi ngờ CHDCND Triều Tiên có ít nhất 5-6 quả bom nguyên tử.

![]() |
Quân đội Triều Tiên trong lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên năm 2005. Ảnh: Getty |
Trong những ngày qua, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khiến nhiều người lo ngại, một cuộc chiến tranh mới sẽ bùng phát ở khu vực Đông Bắc Á với những hậu quả khó lường được khi vào lúc này người ta nghi ngờ CHDCND Triều Tiên có ít nhất 5-6 quả bom nguyên tử.
Trên đường biên giới tạm thời, dọc theo vĩ tuyến 38 có đến 2 triệu quân Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc ngày đêm canh phòng lẫn nhau. Ngày 27.7.1953, Mỹ và Triều Tiên chỉ ký kết thoả thuận đình chiến, trên thực tế, cuộc chiến từng làm hơn 2 triệu người chết, trong đó có 36.940 lính Mỹ, vẫn chưa kết thúc. Vì thế việc Triều Tiên thử hạt nhân trong lòng đất kèm theo hàng loạt các vụ thử tên lửa càng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tình hình càng trở nên căng thẳng trước việc Triều Tiên tuyên bố rút khỏi thoả thuận đình chiến và đe doạ không bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền qua lại trên biển Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này. Ngoài ra, Triều Tiên cũng nhấn mạnh, họ sẽ tấn công Hàn Quốc nếu “người anh em” miền Nam này ngăn chặn và kiểm tra tàu thuyền Triều Tiên nào bị nghi ngờ vận chuyển tên lửa và các thiết bị hạt nhân.
Căng thẳng là vậy, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia quân sự, chiến tranh khó xảy ra. Đối với Hàn Quốc, dù được Mỹ hỗ trợ, nhưng họ cũng chẳng muốn lao vào một cuộc chiến nồi da xáo thịt khi mà 13.000 khẩu đại bác của Triều Tiên đang chĩa về hướng Seoul và hiện có hơn 10 triệu dân Hàn Quốc sống gần khu vực phi quân sự trên đường phân giới giữa hai miền. Ngược lại, chính Triều Tiên, được Trung Quốc ủng hộ, cũng không muốn chiến tranh xảy ra vì không có gì đảm bảo họ có đủ tiềm lực và sức mạnh để bảo vệ đất nước.
Trong khi đó, dù đôi ba lần hăm doạ, nhưng Mỹ cũng chẳng dại gì thực hiện đòn tấn công phủ đầu giống như đã làm ở Iraq hay Afghanistan. Họ biết chắc rằng, Trung Quốc sẽ không để cho Triều Tiên sụp đổ để tránh nguy cơ làn sóng người tỵ nạn tràn qua biên giới, và cũng không muốn “mất một vùng đệm an toàn”, để cho Mỹ áp sát lưng mình.
Vì thế, căng thẳng đến mấy, Mỹ vẫn cố kiềm chế, không có kế hoạch tăng cường cho lực lượng 28.000 binh lính ở Hàn Quốc và 35.000 binh lính ở Nhật Bản. Đặc biệt là khi Mỹ còn phải căng sức cho chiến trường Afghanistan, chật vật ở Iraq.
Trước mắt, ngoài việc sử dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Mỹ vẫn mong muốn tìm một giải pháp ngoại giao để vãn hồi tình hình căng thẳng hiện nay, kể cả khả năng phải ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.
Hiện tại có thể là vậy, nhưng tương lai thì khó đoán định. Khi ông George W. Bush còn cầm quyền ở Nhà Trắng, các tướng lĩnh từng đặt trên bàn Tổng thống kế hoạch tấn công Triều Tiên. Đến thời ông Barack Obama, có thể vị Tổng thống da màu này sẽ bỏ nó vào ngăn kéo, nhưng không khoá.
Đ. Hoàng Thái
(tổng hợp)